Vận dụng không sát các quyết định
Sáng 4/1, trao đổi với PV, bà Khuất Thị Hoa Oanh cho biết, chỉ tính riêng trong mấy ngày qua, đơn vị này đã liên tiếp nhận được công văn từ nhiều cấp ngành liên quan đến vụ “lùm xùm” sáp nhập TTGDTX Hà Tây (TP.Hà Nội) – nơi bà đang làm Giám đốc.
Cũng giống như các lần trước, bà Oanh vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng.
Ngồi cạnh bà Oanh là ông Phạm Hữu Hùng - nguyên Giám đốc TTGDTX Hà Tây, Ủy viên Câu lạc bộ cán bộ quản lý các TTGDTX cấp tỉnh (thành phố) trong cả nước. Ông Hùng cũng là người đứng tên trên các đơn kiến nghị, khiếu nại của Trung tâm gửi tới các cơ quan chức năng.
Cầm trên tay một tập hồ sơ lớn, rồi lấy ra một văn bản đóng dấu đỏ của Bộ Nội Vụ do ông Thái Quang Toản (Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ) ký, ông Hùng thẳng thắn nói: “Quan trọng nhất có lẽ là văn bản này. Đó chính là ý kiến của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều điểm chưa thuyết phục”.
Theo ông Hùng, công văn số 234/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ là để trả lời những kiến nghị trước đó của Trung tâm. Trong đó, nội dung có nhiều điểm tương đồng với ý kiến của cấp Sở. Có nghĩa là, Bộ này cho rằng việc sáp nhập TTGDTX Hà Tây là phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Thế nhưng, mâu thuẫn ở chỗ, Công văn của Bộ Nội Vụ đi ngược lại với Thông tư Liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đã ban hành trước đây.
“Có thể trong cuộc họp ngày mai, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ sử dụng ý kiến này để áp đặt quan điểm xuống Trung tâm. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các căn cứ pháp lý để phản hồi lại.” – Ông Hùng nói.
Tiếp tục nêu quan điểm về công văn này, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa – cho biết: Về mặt pháp lý, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mới là cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, khiếu nại của TTGDTX Hà Tây. Do đó, ý kiến của Bộ Nội vụ chỉ có giá trị để Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tham khảo chứ không mang tính quyết định.
Thậm chí, vị luật sư còn cho rằng, văn bản trên là một nguồn tham khảo yếu bởi thiếu căn cứ pháp lý cụ thể, không dẫn chiếu được Văn bản quy phạm trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực giáo dục.
"Công văn này trích dẫn hai căn cứ: Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 14/4/2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 39-NQ-TW. Tuy nhiên, việc trích dẫn Nghị quyết lại rất chung chung mà không viện dẫn được là dựa vào mục nào. Còn việc vận dụng Quyết định của Thủ tướng để giải quyết vụ việc cũng không sát, không đúng" - luật sư Lực nói.
Cụ thể, luật sư Lực cho hay, soi xét kỹ từng câu chữ trong Quyết định số 2218/QĐ-TTg thì có thể thấy đây là Kế hoạch giao cho các bộ, ngành, tổ chức liên quan thực hiện các công việc rà soát cơ cấu, tổ chức; xây dựng văn bản quy phạm theo ngành, lĩnh vực, xây dựng Đề án, Dự án, Chương trình để triển khai thực hiện thành công Nghị Quyết số 39-NQ-TW. Văn bản này không điều chỉnh trực tiếp quan hệ liên quan đến việc xem xét tính hợp pháp của Quyết định 5399/QĐ-UBND.
Chỉ mang tính tham khảo
Bên cạnh đó, Công văn số 6234/BNV-TCBC có nêu thêm căn cứ: “Đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên và nhân dân gắn với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên đại bàn”.
Tuy nhiên Quy hoạch mạng lưới giáo dục của Hà Nội Nghị Quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 lại xác định chỉ tiêu: “Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất cho 8 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Thành phố).
Từ đó, vị giám đốc Công ty Luật Tinh Hoa Hà Nội băn khoăn: Dường như căn cứ này nếu được vận dụng thì đồng nghĩa khẳng định Quyết định 5399/QĐ-UBND loại bỏ TTGDTX cấp tỉnh là không phù hợp với Quy hoạch mạng lưới giáo dục trên địa bàn Hà Nội? Không còn Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh thì không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của giáo dục thường xuyên là học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập?
Bên cạnh đó, luật sư Lực cũng cho rằng, thực chất việc chuyển giao nguyên trạng toàn bộ cơ sở vật chất, số lượn cán bộ, công nhân viên về cấp huyện không có giá trị tinh giảm biên chế trong tổng cơ cấu cán bộ, công chức chung của thành phố Hà Nội...
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa, ngày 28/9/2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.
Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với Luật Giáo dục và nghị định của chính phủ.
Hơn nữa, phạm vi hoạt động của TTGDTX cấp tỉnh, thành phố khác với TTGDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tượng theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, trung tâm cấp huyện không được phép làm.
Công Luân