Muôn vàn khó khăn sau một quyết định
Như báo
Người Đưa Tin đã đưa, ngày 28/9/2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.
Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ.
Ngay từ khi quyết định này ra đời đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận xã hội, giới chuyên gia giáo dục, luật sư cũng như các các bộ, học sinh, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại trường. Cũng chính vì sự bất hợp lý của quyết định, mà trong suốt 4 tháng qua việc hoàn thành các thủ tục của việc sáp nhập gặp phải muôn vàn vướng mắc. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy…
Phải có mặt tại trung tâm, chúng tôi mới thấu hiểu được những nỗi vất vả, cực nhọc của trung tâm và học viên đang theo học tại đây. Hàng triệu người dân đang cố gắng hoàn thành nốt những việc cuối còn tồn đọng trong năm qua để trở về cùng gia đình đón Tết. Các cán bộ, giáo viên đang công tác tại TTGDTX Hà Tây có lẽ cũng vậy. Nhưng có lẽ, tết này, sẽ không trọn vẹn với họ, khi mà những người quanh năm chỉ biết trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi suốt 4 tháng qua lại chưa nhận được lương.
Một cán bộ đang công tác tại trường cho biết: “Khi chúng tôi tiến hành sáp nhập về UBND quận Hà Đông, lương và mọi việc chi tiêu của Trung tâm sẽ được UBND quận quản lý. Nhưng suốt thời gian qua, chúng tôi chưa nhận được lương. Bởi lẽ, việc sáp nhập của chúng tôi còn chưa ngã ngũ, quận Hà Đông chưa đủ căn cứ để trả lương. Phía UBND TP. Hà Nội thì vẫn chưa giải quyết thỏa đáng tâm tư của chúng tôi về việc giữ nguyên hiện trạng là TT cấp tỉnh như trước đây”.
“Đối với chúng tôi, tết này sẽ không trọn vẹn!”, một câu khẳng định được bao phủ bởi nỗi buồn và sự thất vọng trên khuôn mặt của vị cán bộ đã có hàng chục năm cống hiến và xây dựng Trung tâm.
Câu chuyện của chúng tôi với vị cán bộ này phải dừng lại vì những giọt nước mắt lăn dài đã nói nên tất cả. Sẽ không giống mọi năm, cành đào trước cổng sẽ không còn nở nữa…
Bước sang phòng học tin học, các em học sinh tại đây đang bước vào giờ thực hành. Trang thiết bị tại Trung tâm rất đầy đủ, một dàn máy vi tính hiện đại được trang bị cho các em học sinh có thể thực hành. Nhưng, thứ còn thiếu ở đây là mạng internet. Mạng internet ở đây đã bị cắt, vì Trung tâm không có ngân sách để chi trả.
Nhưng sự đỉnh điểm của thiếu thốn đối với các em học sinh kia, có lẽ không phải là Internet. Đó là, nước để đi vệ sinh. Nước đã bị cắt, các em học sinh đang phải hết sức tiết kiệm, khi mà lượng nước dự trữ dành cho việc đi vệ sinh cũng sắp kiệt. “Chúng tôi chưa tìm ra phương án để giải quyết vấn đề này”, vị bảo vệ nhà trường chia sẻ.
Một quyết định sai cần được sửa
Chính từ những bức bối rất cấp bách này, mới đây, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của TTGTTX Hà Tây đã cùng ký vào đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ việc này.
Theo đó, hai ông Phạm Đức Tài – Trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ và ông Trần Huy Sáng – Giám đốc sở này - đã bị trung tâm nêu đích danh trong đơn với kiến nghị rằng đã tham mưu sai cho lãnh đạo UBND thành phố ban hành Quyết định số 5399/QĐ-UBND vừa sai Luật Giáo dục, vừa vi phạm hàng loạt các Thông tư, Nghị định, Nghị quyết...
Về phía Trung tâm, tập thể cán bộ, giáo viên tại đây mong muốn rằng, UBND TP.Hà Nội sẽ xem xét và để nguyên trạng cho Trung tâm là trung tâm cấp thành phố, trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Việc tham mưu trên hoàn toàn trái với điểm a, khoản 1 điều 46 quy định về Cơ sở giáo dục thường xuyên của Luật giáo dục năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Trung tâm giáo dục thường xuyên được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện”; điểm c khoản 6 điều 19 Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục: “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục do địa phương quản lý phải đảm bảo yêu cầu cụ thể sau đây: c) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường trung cấp, một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh”; Không có căn cứ pháp lý khi ban hành theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19 tháng 10 năm 2015 “Hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”.
Cũng theo luật sư Lực, việc không còn Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cấp tỉnh tại Hà Nội khiến cho nhiệm vụ liên kết giáo dục không được thực hiện, các trường đại học trên địa bàn Hà Nội muốn liên kết đào tạo không có nơi thực hiện buộc hàng nghìn sinh viên rơi vào tình trạng thất học.
Về phía Trung tâm, ngày 1/12/2016, TTGDTX Hà Tây đã có đơn gửi Bộ Giáo dục Đào tạo tại Công văn số 107/CV-TTGDTXHT khẩn thiết đề nghị cơ quan này có quan điểm chính thức về Quyết định 5399. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa có bất cứ ý kiến chính thức nào.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội và Bộ Nội vụ mặc dù đã có văn bản phúc đáp kiến nghị của TTGDTX Hà Tây nhưng về cơ bản chỉ trả lời chung chung chứ không đi đúng vào trọng tâm những câu hỏi về việc văn bản 5399 có trái luật hay không.
Tập thể cán bộ, giáo viên tại đây mong muốn rằng, UBND TP. Hà Nội sẽ xem xét và trả lại cho Trung tâm là trung tâm cấp thành phố, trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Công Luân