Bất chấp những quy định hiện hành, UBND TP.Hà Nội vẫn tiến hành sáp nhập trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Hà Tây từ trung tâm cấp tỉnh (thành phố) thành trung tâm cấp huyện. Hà Nội đã thực hiện một việc làm “vô tiền khoáng hậu” khi xóa bỏ đi một TTGDTX mà lẽ ra nó phải tồn tại theo quy định pháp luật.
Một quyết định nhiều tranh cãi
Ngày 28/9/2016, TTGDTX Hà Tây có Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội “Quyết định về việc thành lập trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã”. Trong danh sách 30 trung tâm được thành lập có trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông (trên cơ sở sáp nhập TTGDTX Hà Tây – TP.Hà Nội và trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây).
Việc đưa TTGDTX Hà Tây là TTGDTX cấp tỉnh (thành phố) sáp nhập về cấp quận, huyện, thị xã là sai với luật Giáo dục; Nghị định của Chính phủ; Thông tư liên tịch số: 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – bộ Giáo dục & Đào tạo – bộ Nội vụ; Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của bộ Giáo dục & Đào tạo và bộ Nội vụ; Không đúng với Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT tại chương II điều 10 và điều 11; Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND TP.Hà Nội.
Căn cứ luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có ít nhất một trung tâm GDTX cấp tỉnh.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng vụ Giáo dục thường xuyên – bộ GD&ĐT cho biết: “Với trách nhiệm của mình, sau khi biết thông tin về vụ việc tôi đã điện cho ông Nguyễn Hữu Độ (Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội – PV) để hỏi về vụ việc. Ông Độ giải thích rằng, Chủ tịch UBND tỉnh (TP) có quyền quy hoạch mạng lưới giáo dục, đây là một trong những quy hoạch của TP.Hà Nội. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, UBND TP.Hà Nội đã làm sai quy trình".
Ông Hinh dẫn chứng, TP.Hà Nội áp dụng Thông tư liên tịch Số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – bộ Giáo dục & Đào tạo – bộ Nội vụ. Tuy nhiên, Thông tư này chỉ áp dụng cho các TTGD cấp quận (huyện). “TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh nên không nằm trong diện áp dụng. Nếu như đây là quy hoạch của thành phố thì họ phải làm đúng quy trình đó là đưa trung tâm này về trung tâm cấp quận (huyện) sau đó áp dụng Thông tư liên tịch 39”, vị Vụ trưởng giải thích.
Ngoài ra, ông Hinh nói thêm: “Việc sáp nhập TTGDTX Hà Tây sẽ dẫn đến tình trạng quận Hà Đông không đủ thẩm quyền quản lý bậc học phổ thông. Bậc học này là bậc học do sở GD&ĐT quản lý, hơn nữa là các lớp liên kết đào tạo đại học, họ sẽ quản lý sao?”.
Mới đây, bộ GD&ĐT cũng có công văn số 362/BGD-ĐT-GDTX gửi sở GD&ĐT Hà Nội về việc sáp nhập các trung tâm công lập trên địa bàn cấp huyện. Theo đó, bộ GD&ĐT nhận được công văn số 108/CV-TTGDTX HT ngày 1/12/2016 của TTGDTX Hà Tây về việc giữ nguyên trạng TTGDTX Hà Tây cấp tỉnh ở danh sách công lập trực thuộc sở GD&ĐT Hà Nội. Về nội dung trên, bộ GD&ĐT dẫn các văn bản cho biết, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Từ những quy định trên, Bộ này nhấn mạnh, trong quy hoạch của Thành phố Hà Nội cần có ít nhất một TTGDTX cấp tỉnh.
Từ đó, bộ GD&ĐT cho hay, việc sáp nhập trung tâm GDTX cấp tỉnh giao về UBND cấp huyện quản lý không phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 39, vì Điều 2 của Thông tư 39 quy định đối tượng áp dụng là trung tâm công lập cấp huyện gồm: “trung tâm dạy nghề, TTGDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp”. Bộ GD&ĐT đề nghị sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo và tham mưu với UBND TP.Hà Nội có giải pháp thực hiện dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
“Một mình một chính sách”?
Trong suốt quãng thời gian kể từ khi có Quyết định 5399/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, nhiều lần TTGDTX Hà Tây đã có công văn, đơn kêu cứu gửi đi các cơ quan chức năng về mong muốn giữ nguyên hiện trạng của Trung tâm. Cùng với đó, là sự lên tiếng phản đối mạnh mẽ của báo chí, bộ GD&ĐT, tuy nhiên, bất chấp điều đó quyết định vẫn được thi hành.
Chia sẻ về sự việc này, luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm: "Nếu Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội dẫn đến hệ quả là toàn TP không còn một trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc cấp tỉnh nào là trái với yêu cầu về quy hoạch mạng lưới giáo dục quốc dân được xác định trong luật Giáo dục và Nghị định hướng dẫn thi hành luật Giáo dục".
Luật sư Lực dẫn chứng, TTGDTX Hà Tây vốn trực thuộc TP, không nằm trong phạm vi sáp nhập được quy định tại Nghị định 75/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV (chỉ sáp nhập các TT cấp quận, huyện). “Riêng chỗ này theo tôi cần phải được làm rõ. Hà Nội không thể tự mình nghĩ ra luật và càng không thể đứng trên luật. Câu hỏi là Hà Nội căn cứ vào đâu để thực hiện việc sáp nhập này. Để có một quyết định vừa thấu lý, đạt tình thì cần thêm một lần nữa, UBND TP.Hà Nội tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhà trường, của thầy cô, đồng thời giải đáp những vấn đề pháp lý còn khúc mắc đã được nêu ra trong suốt thời gian vừa qua”, vị này nói.
Đồng quan điểm trên, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội đặt câu hỏi, việc này không đúng nhưng tại sao lãnh đạo thành phố lại không kịp thời sửa để gây hoang mang trong dư luận? Luật sư Ứng cũng viện dẫn những căn cứ pháp lý nêu trên và nhấn mạnh Hà Nội cần xem xét lại quyết định này.
Các chuyên gia pháp lý, chuyên gia giáo dục viện dẫn những căn cứ pháp lý để chỉ rõ, phía TP.Hà Nội đã đưa ra một quy định vội vàng và cứng nhắc. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng TP.Hà Nội đang đứng trên luật pháp? Có hay không việc Hà Nội “một mình một chính sách” trong xử lý vụ việc?
Trước đó, PV đã nhiều lần liên hệ với sở Nội vụ Hà Nội để tìm hiểu khách quan sự việc. Theo đó, PV đã 2 lần đặt lịch làm việc tại văn phòng, 1 lần gửi công văn, nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Giám đốc sở Nội vụ... tuy nhiên, hiện tại, PV vẫn chưa nhận được phúc đáp của Sở này. Thậm chí, ngay cả khi UBND TP.Hà Nội đã có công văn giao sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, trả lời báo về những nội dung câu hỏi liên quan đến việc sáp nhập TTGDTX Hà Tây thì sở Nội vụ Hà Nội cũng không hề có câu trả lời.
Tất cả các tỉnh đều phải có TTGDTX cấp tỉnh Các trung tâm này phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân trong tỉnh đó. Việc UBND thành phố Hà Nội sáp nhập TTGDTX Hà Tây từ cấp tỉnh (thành phố) xuống cấp quận (huyện) là sai với luật Giáo dục. Vậy, TP.Hà Nội phải có nhiệm vụ khôi phục chức năng lại cho TTGDTX Hà Tây theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, bà Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục nêu quan điểm. |
Công Luân