Chiều 27/4, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc gửi lãnh đạo tỉnh này và tổng công ty Sông Đà về việc đồng ý đề nghị miễn hoàn toàn 100% phí qua Cầu Rác cho người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Theo đó, công văn nêu rõ, sau khi xem xét các kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và tổng công ty Sông Đà, bộ GTVT quyết định: Thống nhất về nguyên tắc giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lưu thông qua trạm thu phí Cầu Rác.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư, xác định các phương tiện của đối tượng, hoàn thiện các thủ tục để áp dụng miễn giá dịch vụ cho người dân kể từ ngày 1/5.
Như đã đưa tin trước đó, tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh có chiều dài 16km, được xây dựng từ năm 2005, do tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư. Tháng 5/2009, tuyến đường này chính thức đi vào hoạt động. Nhà đầu tư đã đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác, đóng trên QL1A đoạn qua địa bạn xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Nhiều chủ phương tiện và doanh nghiệp bức xúc vì cho rằng không sử dụng một mét đường BOT nào nhưng vẫn phải đóng phí. Vào ngày 16/4, người dân địa phương đã mang hàng chục xe ô tô các loại tập trung để phản đối việc thu phí BOT. Sự việc đã gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường này.
Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã giải thích, yêu cầu bà con không gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Ngay sau đó, người dân đã cùng nhau viết đơn kiến nghị gửi chủ đầu tư, yêu cầu được miễn hoàn toàn phí qua Cầu Rác. Ngày 20/4, UBND huyện Cẩm Xuyên cùng tổng công ty Sông Đà đã có buổi đối thoại với người dân. Sau khi nghe các kiến nghị, chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã báo cáo lên UBND tỉnh Hà Tĩnh, bộ GTVT về đề nghị được miễn hoàn toàn phí qua Cầu Rác của người dân.
Trước đó, người dân ở hai đầu cầu Bến Thủy (nối liền tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) đã phản đối việc thu phí khi đi qua cầu, vì cho rằng họ không sử dụng bất cứ mét đường nào của BOT. Người dân đã liên tục mang xe ô tô dán băng rôn, khẩu hiệu lưu thông trên cầu Bến Thủy; dùng tiền lẻ trả tiền phí khiến tình trạng tắc đường xảy ra nghiêm trọng. Trước việc này, bộ GTVT đã đồng ý giảm 50% phí qua cầu nhưng nhiều người dân vẫn không đồng tình. Đặc biệt, vào ngày 9/4, do mất quá nhiều thời gian để đếm tiền lẻ, giao thông bị ùn tắc kéo dài, nên các nhân viên của trạm thu phí Bến Thủy đã mở cửa tự do cho phương tiện đi qua. Cũng trong ngày hôm đó, hàng trăm người dân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung tại đường ven sông Lam (cách cầu Bến Thủy gần 200m), cùng nhau ký đơn khiếu nại tập thể gửi lên Chính phủ và Quốc hội, để phản ánh việc thu phí BOT bất cập tại trạm thu phí Bến Thủy. Sáng 11/4, sau cuộc họp kín, bộ GTVT và nhà đầu tư Cienco4 đã thống nhất giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú; các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP.Vinh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. |
Ngân Hà