Sau cổ phần hóa, bệnh viện Giao thông Vận tải đối diện nguy cơ vỡ nợ?

Sau cổ phần hóa, bệnh viện Giao thông Vận tải đối diện nguy cơ vỡ nợ?

Bùi Ngọc Hương

Bùi Ngọc Hương

Thứ 7, 21/10/2017 10:00

Ngày 5/1/2016, bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương (GTVT) trở thành cơ sở y tế công lập lớn đầu tiên thoát ly “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ là bước "cởi trói" để bệnh viện phát triển theo xu hướng tất yếu hiện nay, thế nhưng…

Khó khăn chồng chất

Một điều khá bất ngờ, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017, cho thấy tình hình kinh doanh của bệnh viện GTVT đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, doanh thu  chỉ đạt 42,5 tỷ đồng . Do giá vốn cao gần bằng doanh số nên mức lãi gộp chỉ là 148 triệu đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý phải trả lên đến 10,2 tỷ đồng khiến bệnh viện lỗ gần 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Với khoản lỗ trên, tại thời điểm kết thúc quý II/2017, bệnh viện GTVT đã lỗ lũy kế gần 45 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm từ 168 tỷ đồng xuống mức 136 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ phải trả của bệnh viện GTVT tính đến 30/6/2017 là 268 tỷ đồng, gấp đôi so với vốn chủ sở hữu, chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong cơ cấu nợ phải trả của công ty. Trong đó phần lớn là khoản phải trả trước người bán là 36 tỷ đồng và khoản phải trả ngắn hạn khác là 225 tỷ đồng. Trong khi tài sản ngắn hạn của bệnh viện chỉ vỏn vẹn 85 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp đến hạn trả nợ và các chủ nợ cũng đòi thì khả năng trả nợ của bệnh viện dù có “vơ vét” hết cũng vẫn gần như là con số 0.

Đầu tư - Sau cổ phần hóa, bệnh viện Giao thông Vận tải đối diện nguy cơ vỡ nợ?

Bệnh viện GTVT đối mặt nhiều thách thức khi tiên phong thoát ly “bầu sữa” bao cấp.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng gặp những vấn đề về mảng nhân sự sau khi thời gian hoạt động theo mô hình mới. Nhiều bác sĩ có chuyên môn cao đã lần lượt rời đi vì nhiều lý do. Như trường hợp bác sĩ Lê Tuyên Hồng Dương, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện, hiện đã chuyển công tác sang một bệnh viện tư nhân khác mặc dù trước đó ông từng phát biểu “sẽ đưa bệnh viện GTVT trở thành bệnh viện đa khoa với trình độ khoa học tiên tiến tương đương với bệnh viện lớn trong khu vực”.

Trước đó, bệnh viện GTVT được cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ với vốn điều lệ 168 tỷ đồng, tương ứng 16,8 triệu cổ phần. Khi cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ bệnh viện. Những người lao động gắn bó với bệnh viện nhiều năm được mua ưu đãi cổ phần, họ từ người làm thuê lên làm chủ với việc nắm giữ hơn 10% vốn.

Ngoài ra, bệnh viện đón nhận thêm sự góp mặt của nhà đầu tư chiến lược là tập đoàn T&T với tỷ lệ sở hữu 30%. Gần 30% còn lại được thực hiện bán công khai ra công chúng và bệnh viện đã thành công vang dội khi lượng cổ phần này đạt giá trúng thầu thành công trung bình 23.597 đồng/cổ phần, thu về trên 116 tỷ đồng. Hiện, người giữ chức Chủ tịch HĐQT bệnh viện là ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn T&T và ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Sau cổ phần hóa, bệnh viện vẫn được kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã ban hành trong lĩnh vực y tế công lập như miễn tiền thuê đất; áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, khi không còn là một cơ sở y tế công lập, thì bệnh viện GTVT cũng phải chấp nhận đối mặt với việc bị cắt khoản hỗ trợ thường xuyên và không thường xuyên hàng năm của Nhà nước khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời, việc phải thực hiện trích khấu hao tài sản, dẫn đến chi phí, giá thành tăng lên cũng gây cho đơn vị này những khó khăn nhất định.

“Bệnh viện vẫn hoạt động bình thường”

Trao đổi với phóng viên báo ĐS&PL về những bất cập trên, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc kinh doanh Marketing của bệnh viện GTVT cho biết, ông không nắm rõ và cũng không có thẩm quyền trả lời về những số liệu tài chính của bệnh viện nhưng nếu nói về tăng trưởng thì bệnh viện vẫn đang tăng trưởng và chất lượng khám chữa bệnh cũng đang đi lên.

“Những con số tài chính không đủ để đánh giá hết mức độ tăng trưởng của bệnh viện. Ví dụ như Dự án tòa nhà điều trị kỹ thuật cao của chúng tôi không được liệt kê vào báo cáo tài chính, có phải là nợ hay không nghe to tát nhưng đối với chúng tôi thì không có ảnh hưởng gì lớn” – ông Quang Anh nói.

Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL dưới góc độ kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận định, bộ GTVT đã rất tích cực trong việc tiến hành cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp có thu và các đơn vị sự nghiệp công ích như bệnh viện, trường học. Thế nhưng, trong phương án cổ phần hóa bệnh viện GTVT vẫn tồn tại một số vấn đề bất cập như tại thời điểm định giá doanh nghiệp, Dự án tòa nhà điều trị kỹ thuật cao sử dụng vốn vay Quỹ OPEC với giá trị quyết toán là 294,1 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thiện đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khiến bệnh viện phần nào bị thiệt thòi.

Sau khi hoàn tất cổ phần hóa, Dự án này lại được đưa vào và trở thành khoản nợ phải kế thừa của bệnh viện. Tuy HĐQT bệnh viện đang trình phương án tăng vốn để chuyển khoản nợ này thành vốn cổ phần nhưng sẽ còn rất nhiều vướng mắc chưa thể xử lý trong một sớm một chiều. Do đó, dự án này trước mắt vẫn là khoản nợ mà bệnh viện GTVT phải gánh.

“Trước cổ phần hóa, bệnh viện GTVT mỗi năm nhận khoản hỗ trợ khoảng 60 tỷ đồng từ Nhà nước. Với doanh thu 140 tỷ đồng mà được “bơm” 60 tỷ đồng là rất lớn. Vậy mà từ năm 2016 khi khoản này bị cắt hẳn, mọi hoạt động chủ yếu dựa vào vốn tự có của nhà đầu tư chiến lược thì bệnh viện GTVT dù không mấy tiếng tăm nhưng vẫn tự chủ được tài chính và đang làm rất tốt công việc của mình. Cần phải hiểu rằng, doanh thu của bệnh viện không thể so với doanh thu của đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó đây là nỗ lực đáng ghi nhận” – Phó Chủ tịch VAFI nhận định.

Vị này cũng cho biết thêm, theo tìm hiểu của ông, bệnh viện GTVT từ khi cổ phần hóa đã quán triệt tinh thần “nói không với phong bì”. Ông Hải đánh giá, đây là điểm tích cực mà chúng ta cần phải ghi nhận.                                               

“Chảy máu chất xám” – không lạ!

Về thông tin cho rằng nhiều bác sĩ chuyên môn cao lần lượt xin nghỉ sau khi bệnh viện cổ phần hóa, Giám đốc Marketing bệnh viện GTVT cho hay, thực tế hiện tượng này đã xảy ra từ những giai đoạn bắt đầu lên phương án cổ phần hóa và cũng không phải vấn đề lớn. Khi có thay đổi về mặt chính sách và chất lượng theo quy mô cổ phần hóa là hướng đến mô hình của những bệnh viện tư cao cấp thì điều tất yếu là môi trường và cung cách làm việc cũng thay đổi. Nhiều bác sĩ, y tá, nhân sự của bệnh viện có thể do không cảm thấy thoải mái với cơ chế và cách làm việc mới nên họ cũng sẽ có những lựa chọn khác phù hợp với mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bản thân hơn. Đứng trên góc độ quản trị, bệnh viện rất ủng hộ và tôn trọng những quyết định đó. Đến giờ phút này bệnh viện đang mời một số bác sĩ quay lại, tiếp tục cống hiến cho đơn vị. “Bệnh viện vẫn hoạt động bình thường” – ông Quang Anh khẳng định.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.