Quá trình "tiến hóa" của máy bay chiến đấu đã trải qua 5 thế hệ, với thế hệ thứ 6 hiện đang được phát triển.
Các máy bay phản lực thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 là loại tiên tiến nhất hiện nay, nhưng thời của những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 như NGAD (viết tắt của từ "Thống trị không quân thế hệ tiếp theo") đã ở phía trước, được hình dung có khả năng có các tùy chọn không người lái, hợp nhất dữ liệu và kết nối mạng.
Theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của công nghệ, câu hỏi đặt ra là liệu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 7 có thể xuất hiện hay không.
Câu trả lời cho câu hỏi này vẫn chưa chắc chắn, vì chính những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ máy bay không người lái (UAV/drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra một cú "bẻ lái" hoàn toàn khỏi máy bay có người lái trong những thập kỷ tới.
Máy bay chiến đấu tiếp theo sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi liệu có bao giờ có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 7 không, tác giả Harrison Kass của tạp chí National Interest cho rằng điều này "hiện tại rất khó để nói, vì chưa có ai tạo ra máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6".
"Nhưng khi công nghệ máy bay không người lái (UAV/drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) tiến bộ, chúng ta dường như đang tiến gần đến một bước ngoặt - một thời điểm nào đó làm thay đổi quỹ đạo có thể dự đoán được của sự phát triển hàng không vũ trụ", tác giả Kass cho biết trên tạp chí Mỹ hôm 2/8.
Trước khi nói về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, cần phải biết hiện tại thế giới đang có những thế hệ máy bay nào.
Các thế hệ máy bay phản lực không được phân định rõ ràng và có một số tranh luận về vị trí của các ranh giới. Nhưng nhìn chung, có sự đồng tình rộng rãi rằng công nghệ máy bay phản lực chiến đấu đã tiến triển dần dần qua 5 thế hệ, bắt đầu từ năm 1943 với sự ra đời của máy bay phản lực chiến đấu đầu tiên, Messerschmitt Me 262 do Đức chế tạo.
Máy bay phản lực thế hệ đầu tiên là những cỗ máy đơn giản, không khác gì máy bay piston xuất hiện ngay trước đó. Hầu hết các máy bay thế hệ đầu tiên đều có cánh thẳng. Tất cả đều bay ở tốc độ dưới âm và mang theo vũ khí thông thường. Ví dụ bao gồm DH Vampire và P-80 Shooting Star.
Thế hệ thứ 2 thường được hiểu là bắt đầu vào năm 1953 với sự ra đời của khả năng cận âm/siêu âm, tên lửa không đối không và radar. Các loại tiêm kích thế hệ thứ 2 bao gồm F-86 và MiG-15.
Thế hệ thứ 3 bắt đầu từ đâu vẫn còn gây tranh cãi, nhưng thường được gắn với sự ra đời của máy bay ném bom chiến đấu đa năng vào những năm 1960. Ví dụ bao gồm F-4 Phantom, MiG-23 và Mirage F1.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 về nhiều mặt vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Thế hệ này được tích hợp hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, vũ khí hiện đại và khả năng cơ động cao. Ví dụ bao gồm F-14, F-15, F-16, MiG-29 và Mirage 2000, tất cả đều được phát triển trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1990.
Hầu hết các chuyên gia và nhà sản xuất hàng không vũ trụ đều có mô tả về thế hệ 4,5 – khung máy bay hơi tiên tiến hơn một chút so với thế hệ thứ 4, nhưng không hẳn là thế hệ thứ 5. Máy bay thế hệ 4,5 thường được thiết kế vào những năm 1980 và 1990 và bao gồm các loại như F/A-18, Su-30, Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale và MiG-35.
Sau đó là thế hệ thứ 5, được giới thiệu vào thế kỷ 21 và có công nghệ tàng hình, siêu hành trình, điều hướng lực đẩy và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Cho đến nay, thế hệ này chỉ bao gồm 4 mẫu tiêm kích: F-22, F-35, Su-57 và J-20.
Ngày nay, máy bay thế hệ thứ 5 là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đang hoạt động. Nhưng các nhà phát triển hàng không vũ trụ ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đã và đang nỗ lực phát triển nền tảng thế hệ thứ 6.
Các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai
Rất có thể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ thực sự xuất hiện trong tương lai gần. Hiện vẫn chưa rõ thế hệ thứ 6 sẽ bao gồm những gì, nhưng tất nhiên sẽ tiên tiến hơn thế hệ thứ 5, có thể có tùy chọn không người lái, hợp nhất dữ liệu và kết nối mạng.
Liệu có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 7 không? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời. Theo tác giả Kass, có lẽ sẽ không có thế hệ tiếp theo nào xuất hiện trong vòng 30-40 năm nữa, vì khi đó những chú "chim sắt" như ngày nay vẫn thấy có thể sẽ trở thành dĩ vãng.
Máy bay không người lái (UAV/drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến triển với tốc độ mà phi công bằng xương bằng thịt có thể sẽ bị máy móc công nghệ thay thế một phần hoặc toàn bộ trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn.
Nếu có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 7, nó có thể không bao gồm phi công là con người, tác giả Kass kết luận.
Minh Đức (Theo National Interest)