Trong Tam quốc diễn nghĩa La Quán Trung mô tả Quan Vũ được mô tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Quan Vũ được liệt đại hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau trận chiến ở Mạch Thành, Quan Vũ thất bại, bị quân Ngô chặt đầu rồi dâng cho Tào Tháo làm lễ vật. Ngựa Xích Thố của ông bị một viên tướng của quân Ngô là Mã Trung đã chiếm lấy với ý định sẽ trở về dâng lại cho Tôn Quyền.
Tuy nhiên, ngựa Xích Thố lại tuyệt thực rồi chết sau đó vài ngày. Chi tiết này như thể chứng tỏ lòng trung thành của chiến mã với người chủ trước đó cũng là bậc đại trung.
Chính vì hành động tuyệt thực này mà ngựa Xích Thố được người đời sau nhắc đến như một thần mã, bởi nó không chỉ là tuấn mã mà còn biết sống có nghĩa có tình, trung thành với chủ.
Thực tế, ngựa Xích Thố cũng đã già về tuổi thọ. Nếu theo các mốc thời gian trong Tam quốc diễn nghĩa thì ngựa Xích Thố do Đổng Trác giữ 2 năm, Lã Bố giữ 2 năm, Tào Tháo chiếm gần 10 năm và cùng Quan Vũ chinh chiến gần 20 năm.
Nhưng chúng ta biết rằng tuổi đời trung bình của loài ngựa chỉ khoảng 30 năm. Việc chiến mã Xích Thố không thể khỏe mạnh chinh chiến tiếp cũng là điều dễ hiểu.
Cùng chung số phận với ngựa Xích Thố, sau khi Quan Vũ chết Thanh long yển nguyệt đao đổi chủ. Cụ thể, nó được một tướng của quân Ngô tên là Phan Chương chiếm hữu. Người này trong chính sử được mô tả là viên tướng tuy dũng mãnh nhưng ham vật chất, thích vàng bạc, lối sống xa hoa, thậm chí sẵn sàng giết quân lính hoặc quan lại để chiếm đoạt của cải.
Tuy nhiên, Phan Chương không phải là người cuối cùng có được Thanh long yển nguyệt đao. Khi Phan Chương tham gia trận đánh Di Lăng mà quân Ngô chống lại sự tiến công của Lưu Bị. Phan Chương bị Quan Hưng là con trai Quan Vũ giết chết và đoạt lại Thanh long yển nguyệt đao của cha mình.
Tuy nhiên, sự kiện này hoàn toàn hư cấu, vì sử sách ghi Quan Hưng là quan văn, và Phan Chương năm 223 còn đánh Ngụy dùng hỏa công đại thắng, đến năm 234 mới mất.
Quốc Tiệp (t/h)