Nông nghiệp từng là chủ đề nóng trong suốt khoảng thời gian trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), diễn ra hồi tháng 6 năm nay.
Khi đó, các chính đảng đua nhau đưa ra lời hứa về thu nhập cao hơn cho nông dân, lập trường cứng rắn hơn về thương mại, và giảm bớt thủ tục hành chính về trợ cấp cho ngành này.
Đáng chú ý, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu đã tự cho mình là "đảng của nông dân", và thành viên cấp cao của đảng này là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhiều lần nhấn mạnh mối quan tâm của bà đối với nông nghiệp.
Nhưng khi sức nóng của cuộc bầu cử nguội đi và các cuộc biểu tình nông dân rầm rộ trước đó ở một loạt cường quốc hàng đầu EU như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan… cũng trở nên mờ nhạt, thì mối quan tâm đặc biệt của EU đối với nông nghiệp dường như một lần nữa lại đang lụi tàn.
Dấu hiệu rõ ràng nhất được thể hiện ở việc bầu chọn nhân sự cho vị trí Cao ủy Nông nghiệp EU.
Có vẻ là hầu như không có sự cạnh tranh nào – chứ đừng nói đến sự ganh đua khốc liệt – giữa các quốc gia thành viên cho vị trí giờ đây được ví như "củ khoai lang nóng bỏng tay" chưa ai muốn nhận.
Nông dân biểu tình lái máy kéo tới trước trụ sở của EU ở Brussels vào ngày 26/2/2024. Ảnh: Le Monde
Thực ra, trên toàn bộ khối gồm 27 quốc gia, chỉ có một ứng cử viên bày tỏ sự quan tâm đến vai trò này cho nhiệm kỳ 5 tiếp theo (2024-2029). Vị trí Cao ủy Nông nghiệp EU hiện do ông Janusz Wojciechowski của Ba Lan đảm nhận.
Câu hỏi về việc ai sẵn sàng làm người đứng đầu ngành nông nghiệp rộng lớn của EU vẫn còn bỏ ngỏ.
Cho đến nay, hầu hết các quốc gia thành viên EU đang phải vật lộn cạnh tranh các danh mục kinh tế và tài chính, trong khi nông nghiệp đã tụt xuống cuối danh sách ưu tiên.
Theo cổng thông tin Euractiv, những ứng cử viên hàng đầu có thể đến từ Ireland, Bồ Đào Nha và Áo – những nước được cho là có hứng thú với vị trí này, nhưng họ đã đề cử những ứng viên có ít hoặc không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, khiến các lựa chọn khả thi trở nên khan hiếm.
Ứng cử viên được chọn có khả năng là một thành viên Đảng EPP. Điều này sẽ thu hẹp phạm vi xuống còn ứng cử viên Christophe Hansen của Luxembourg và ứng cử viên Wopke Hoekstra của Hà Lan.
Kinh nghiệm của ông Hoekstra với tư cách là Ủy viên Khí hậu có thể hữu ích cho vai trò Ủy viên Nông nghiệp.
Hơn nữa, nông nghiệp cũng đóng vai trò trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị của chính phủ Hà Lan, đặc biệt là khi Đảng Phong trào Nông dân-Công dân (BBB) là đối tác trong liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, Amsterdam đang nhắm tới một vị trí mạnh hơn trong bộ máy điều hành EU, có thể là trong lĩnh vực kinh tế hoặc tài chính.
Trong khi đó, ông Hansen – ứng cử viên được Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden lựa chọn – cho đến nay là ứng cử viên duy nhất bày tỏ sự ưu tiên cho nông nghiệp.
"Còn quá sớm để suy đoán về phạm vi có thể có của Ủy ban này, nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi đặc biệt thích nông nghiệp", ông Hansen trả lời phương tiện truyền thông quốc gia tuần này.
Ông Hansen đã giải quyết một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp với tư cách là Thành viên của các ủy ban thương mại và môi trường quốc tế của Nghị viện châu Âu, bao gồm quy định chống phá rừng của EU và các kế hoạch chiến lược quốc gia của Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) đã được cải cách.
Nếu ứng cử viên của Luxembourg đảm nhận vai trò này, cách tiếp cận của ông đối với chính sách nông nghiệp – đặc biệt là trước các cuộc đàm phán cho CAP sau năm 2027 – dường như phù hợp với xu hướng hiện tại là ít tập trung hóa hơn, cho phép các quốc gia thành viên linh hoạt hơn.
"Không phải tất cả các quốc gia đều có những hạn chế giống nhau; chúng ta cần đề xuất một chính sách linh hoạt hơn", ông Hansen nói, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách nông nghiệp mới phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các quốc gia như Luxembourg và các quốc gia thành viên Nam Âu.
Mặc dù không có ảnh hưởng lớn như các danh mục kinh tế khác, nhưng nông nghiệp chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của EU để giám sát chương trình trợ cấp nông nghiệp của khối.
Các cuộc biểu tình gần đây của nông dân ảnh hưởng đến các chiến dịch bầu cử châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực này, đặc biệt là trong các phe cánh hữu.
Theo truyền thống, vai trò Cao Ủy Nông nghiệp EU không bao giờ thuộc về một trong "Tứ cường EU" gồm Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha, những nước cùng với nhau chiếm hơn một nửa sản lượng nông nghiệp của EU.
Trong 3 thập kỷ qua, vị trí này đã được lấp đầy bởi ứng cử viên từ các quốc gia nhỏ hơn như Áo, Đan Mạch, Ireland, Latvia, Luxembourg, Ba Lan và Romania.
Minh Đức (Theo Euractiv, Euronews)