Để đẩy nhanh quá trình ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa yêu cầu các địa phương rà soát vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh.
Yêu cầu này vừa được Cục Bảo vệ thực vật gửi qua văn bản cho các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Theo báo Đầu tư, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Các đơn vị kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi (quả có vỏ xanh, dừa gọt vỏ) và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; sau đó gửi kết quả tổng hợp danh sách về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.
Theo dự thảo nghị định thư, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, năng lực bảo quản các kho cấp đông bảo đảm đạt -35 độ C trong thời gian 1 giờ (tấn/ngày) và kho lạnh để bảo quản -18 độ C (tấn).
Đối với các vùng trồng dừa tươi phải áp dụng biện pháp quản lý 16 sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm như bọ dừa, rầy phấn trắng, rệp sáp, mọt cọ đỏ...
Đối với các cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu, cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ đóng gói; quy trình kiểm soát và nhận diện sinh vật gây hại; quy trình đóng gói và truy xuất nguồn gốc.
Theo Thanh Niên, hiện tại, Việt Nam mới xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc, giá trị đạt 2,1 tỷ USD. Theo các chuyên gia, nếu 2 mặt hàng này sớm được cấp phép có thể đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng thêm khoảng 600 - 800 triệu USD trong năm nay. Nhiều đơn vị kinh doanh các mặt hàng này đã sẵn sàng để đưa hàng vào thị trường Trung Quốc ngay sau khi ký nghị định.
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam đạt 158 triệu USD tăng 233% so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu bình quân 4.438 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 137 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân là 2.632 USD/tấn. Trong 2 tháng đầu năm 2023 mặt hàng sầu riêng đông lạnh đạt 13 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Giá sầu riêng đông lạnh xuất khẩu chỉ có 3.966 USD/tấn, tăng 47% so với cùng kỳ. Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam chủ yếu được xuất sang Thái Lan để phục vụ khách du lịch nước này vào thời điểm thiếu hụt nguồn cung nội địa và các hoạt động chế biến.
Đối với trái dừa tươi, hiện nguồn cung trong nước đang dồi dào nếu xuất khẩu thuận lợi có thể mang về nguồn thu lớn, giúp cải thiện thu nhập cho người trồng dừa ở nhiều địa phương trong cả nước.
Hiện tại, mới có 11 mặt hàng của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, chỉ bằng một nửa so với Thái Lan. Gần đây nhất, Trung Quốc ký nghị định thư cho quả dưa hấu Việt Nam vào cuối năm ngoái.
Minh Hoa (t/h)