Nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động chính trị theo sau cuộc khủng hoảng thiết quân luật.
Khi số phận chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được nhìn thấy là sẽ còn trong tình trạng bấp bênh lâu hơn dự kiến, mối lo ngại đang gia tăng về các biện pháp kinh tế đang chờ được xử lý để "xốc lại" tăng trưởng.
Số phận chính trị chưa ngã ngũ
Sau cuộc bỏ phiếu bất thành của quốc hội về việc luận tội ông Yoon vào ngày 7/12, ông Han Dong-hoon, lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, vào ngày 8/12 tuyên bố rằng ông sẽ thúc đẩy việc từ chức của Tổng thống.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đã kêu gọi ông Yoon từ chức ngay lập tức, đe dọa sẽ đệ trình các động thái để phế truất ông "mỗi tuần".
Vào thứ Hai (ngày 9/12), hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng cảnh sát đang cân nhắc cấm Tổng thống Yoon rời khỏi đất nước trong bối cảnh cuộc điều tra về nỗ lực áp đặt thiết quân luật của ông đang diễn ra.
Bất chấp các lời kêu gọi từ chức và nhiều động thái chống lại mình, cũng như tuyên bố từ chính đảng của ông rằng ông đã bị đình chỉ chức vụ, ông Yoon dường như vẫn tiếp tục thực thi quyền hạn của Tổng thống.
Ông Yoon được cho là đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Nội vụ vào ngày 8/12 – một động thái mà phe đối lập cho biết "chứng tỏ" rằng ông đã không từ bỏ nhiệm vụ chính thức.
"Điều này chứng tỏ rằng Tổng thống Yoon, người đang phải đối mặt với cáo buộc kích động nổi loạn, vẫn thực hiện quyền của Tổng thống đối với việc thay đổi nhân sự, duy trì vị thế là tổng tư lệnh quân đội", ông Lee Jae-myung của Đảng DP đối lập cho biết.
Bộ quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận vào ngày 9/12 rằng ông Yoon vẫn là Tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc.
Đảng DP gọi lệnh thiết quân luật của ông Yoon là "vi hiến, nổi loạn bất hợp pháp hoặc đảo chính". Đảng này đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát chống lại ít nhất 9 người, bao gồm ông Yoon và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, về cáo buộc nổi loạn.
Mặc dù Tổng thống hầu như được miễn trừ khỏi bị truy tố khi còn đương nhiệm, nhưng điều đó không mở rộng đến các cáo buộc nổi loạn hoặc phản quốc.
Các công tố viên Hàn Quốc hôm Chủ Nhật (ngày 8/12) đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Kim, người bị cáo buộc đã khuyến nghị ông Yoon ban bố thiết quân luật.
Hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế
Các vấn đề kinh tế vốn đang chờ được xử lý vào thời điểm quan trọng, do tác động của vụ thiết quân luật kéo dài 6 tiếng đồng hồ vừa qua, đã bị gạt sang một bên.
Trong đó, những điều quan trọng nhất bao gồm cuộc đàm phán bị đình trệ về kế hoạch ngân sách nhà nước trị giá 677 nghìn tỷ won (471 tỷ USD) năm 2025 và thông báo sắp tới của chính phủ về các định hướng chính sách kinh tế sẽ là kim chỉ nam cho các ngành công nghiệp Hàn Quốc về cách vượt qua môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng vào năm 2025.
Thủ tướng Han Duck-soo vào ngày 8/12 đã kêu gọi xử lý nhanh chóng đề xuất ngân sách trong khi cam kết sẽ điều hành một hệ thống khẩn cấp để giám sát chặt chẽ thị trường tài chính và tiền tệ.
"Để các vấn đề quốc gia hoạt động bình thường ngay cả trong thời điểm khẩn cấp, việc thông qua kế hoạch ngân sách do chính phủ đệ trình và các dự luật đi kèm là cần thiết hơn bất kỳ điều gì khác", ông Han cho biết.
"Chỉ khi ngân sách được hoàn thiện càng sớm càng tốt và mỗi bộ chuẩn bị thực hiện đúng thời hạn, nền kinh tế và sinh kế của người dân mới có thể phục hồi kịp thời trong thời điểm khó khăn này".
Sau cuộc họp với các bộ trưởng vào đầu ngày 8/12, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cũng đã đưa ra một tuyên bố riêng, tái khẳng định: "Hệ thống kinh tế của Hàn Quốc rất vững chắc, với việc các biện pháp dự phòng của chính phủ đang hoạt động hiệu quả".
"Ưu tiên hàng đầu là mức tín nhiệm mà bên ngoài nhìn vào", ông Choi nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ có kế hoạch hợp tác trực tiếp với các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế, cử các phái đoàn hợp tác tài chính đến các tổ chức và quốc gia toàn cầu quan trọng và tổ chức các cuộc họp báo cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán và ngoại hối, thước đo hướng đến tương lai của các điều kiện kinh tế, đã chao đảo vì cú sốc vào tuần trước.
Việc sử dụng các công cụ chính sách phù hợp để ổn định thị trường tài chính sẽ là nhiệm vụ quan trọng để ngăn chặn sự biến động lan sang nền kinh tế thực, do đất nước này hiện đang phải chịu áp lực về giá như đồng USD mạnh.
"Phá vỡ chu kỳ tiêu cực là một vấn đề quan trọng. Tác động tiêu cực từ biến động chính trị đối với thị trường tài chính có thể dẫn đến sự suy giảm tiêu dùng và trì hoãn đầu tư, sau đó gây ra hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế thực", bà Lee So-ra, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc, cho biết.
Những người theo dõi thị trường dự đoán rằng thị trường chứng khoán Hàn Quốc sẽ đi xuống cho đến hết năm 2024 vì sự bất ổn chính trị đang gia tăng áp lực lên thị trường, vốn đã căng thẳng do sức cạnh tranh yếu kém của các ngành xuất khẩu chính của quốc gia như chất bán dẫn và pin dự phòng, cũng như chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Những dự báo ảm đạm từ các tổ chức kinh tế toàn cầu và các ngân hàng đầu tư cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% có thể là mức "bình thường mới" đối với Hàn Quốc.
Vào ngày 6/12, Văn phòng Nghiên cứu và Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự đoán rằng, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% vào năm 2025. Ước tính này không tính đến các biến số liên quan đến quá trình luận tội và tuyên bố thiết quân luật trong tuần này.
Các ngân hàng đầu tư lớn đã hạ dự báo của họ. Citigroup đã cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm 2025 từ 1,8% xuống còn 1,6%. UBS, Nomura và JP Morgan đã cắt giảm dự báo của họ xuống còn 1,9%, 1,7% và 1,7%.
Minh Đức (Theo Korea Herald, SCMP)