Viết sai hoặc bất nhất về chính tả
Như Người Đưa Tin Pháp luật đã đăng tải tại 2 bài viết SGK nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Dạy học sinh cứ thấy vàng là lấy? và SGK nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bao giờ hết “sạn”? ,ngoài những “hạt sạn”, 2 tập SGK Tiếng Việt 2 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống vẫn còn nhiều lỗi không đáng có .
Đó là việc viết sai chính tả và bất nhất , phủ nhận các nguyên tắc về chính tả :
Đơn cử: trong bài “Em học vẽ” trang 58, tập 1: Viết sai chính tả: “ông trăng”, “mặt trời”. Cần phải viết: ông “Trăng”, “Mặt Trời”. Vì tác giả bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, để các nhân vật sống động qua cách nhìn trẻ thơ. Ở trang 115, tập 1, lỗi sai tương tự. Viết sai chính tả: “ Ông dạy tôi vẽ cả ông mặt trời”. Cần phải viết: “Mặt Trời” mới chuẩn xác. Chưa hết, khi đọc đến trang 46-47, tập 2: “… diễn tả lại cảnh trời đặt tên cho các loài cây”. “Trời” là tên riêng của nhân vật, phải viết hoa. ( Cây cối mừng rỡ kéo nhau lên trời...Về sau, trời chỉ nói vắn tắt... Cây nhỏ liền thưa: Thưa trời...(Trang 46) , Diễn lại cảnh trời đặt tên cho các loại cây...Để được trời đặt tên....Nói lời đề nghị trời đặt tên (Trang 47)). Còn ở trang 71, tập 2: “Mặt trời thấy cô đơn...”.. Cần phải viết: “Mặt Trời thấy cô đơn”.
Chị bạn tôi là GV Tiểu học ở một trường tại Thủ đô thắc mắc, sao SGK viết sai thế nhỉ? Hay là họ không để ý khi biên soạn? Chị bảo câu chuyện “Sự tích cây thì là” được tác giả dân gian sử dụng biện pháp nhân hóa. Vậy tại sao SGK lại viết sai chính tả, trang 130, tập 2 lại ghi : “chỉ màu sắc của mặt trời”. Lẽ ra phải viết: “Mặt Trời” mới đúng.
Bên cạnh lỗi về chính tả , việc không thống nhất về cách phiên âm từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt : Cùng là từ mượn nhưng viết theo 2 cách khác nhau: “ô tô”, “lê-gô” ( trang 97-99, tập 1) cũng khiến nhiều người băn khăn. Hay cả việc không thống nhất cách viết chính tả ( trang 118, tập 2) “Cánh cò bay lả rập rờn” khi thì “sóng lúa vàng dập dờn” (trang 26-27, tập 2) cũng vậy.
Trong phần luyện tập, trang 60, tập 2, phần 3 có câu hỏi : Cần đặt dấu phẩy vào những vị trí nào trong những câu sau? Lẽ ra phải viết : Cần đặt dấu phẩy vào vị trí nào trong những câu sau: , bởi ở mục 2 trong phần luyện tập trên , SGK lại viết : Viết lời xin lỗi trong tình huống sau : (...). Đây là sự bất nhất về chính tả, không theo nguyên tắc chính tả tiếng Việt. Trong khi trẻ em bắt đầu đến trường rất cần sự thống nhất, chuẩn xác của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Lỗi về dùng từ, đặt câu
Trang 31, tập 1, mở đầu truyện “Cây xấu hổ” như thế này: “Bỗng dưng gió ào ào nổi lên.” Không thể tin là một cây bút già dặn như Trần Hoài Dương lại mở đầu truyện của mình như vậy. Chắc là truyện đã bị SGK rút bớt số chữ cho phù hợp với trình độ học sinh lớp 2. Nhưng không thể rút đến tận xương để biến lợn lành thành lợn què như thế này.
Hay ở trang 35, tập 1, giải nghĩa từ “dự bị” như sau: “Dự bị: chưa phải là thành viên chính thức, có thể thay thế hoặc bổ sung khi cần”. Giải thích thế này thì không hiểu là “ai thay thế ai (hoặc cái gì)” và “bổ sung cho cái gì”.
Là người cẩn trọng về chữ nghĩa, nên thầy X. ở Phú Thọ cũng băn khoăn, trang 41, tập 1: “Nói câu thể hiện tình cảm của em đối với thầy cô giáo”. SGK đang dạy học sinh bài thơ “Cô giáo lớp em”, theo thầy X., sao không yêu cầu học sinh nói 1 – 2 câu thể hiện tình cảm đối với cô giáo mà lại phải thể hiện tình cảm biết ơn đối với “thầy cô giáo”? Học sinh biết thầy của cô giáo là ai mà cảm ơn? Đó là chưa kể cách diễn đạt “Nói câu thể hiện tình cảm …” rất thiếu chuẩn mực.
Lại tiếp về câu chuyện giải đố, trang 53, tập 1 SGK yêu cầu : “Giải câu đố để tìm các từ ngữ chỉ sự vật: Cái gì tích tắc ngày đêm / Nhắc em đi ngủ, nhắc em học bài / Một anh chậm bước khoan thai / Một anh chạy những bước dài thật nhanh? (Là cái gì?)”. Đang đố học sinh “cái gì” bỗng nhiên ở đâu chen vào 2 “anh” nữa, thế thì đố “cái gì” hay đố cả 2 “anh”? Mà đồng hồ thường có 3 kim, chứ có phải 2 kim đâu nhỉ? Còn về các từ ngữ chỉ sự vật mà học sinh cần tìm ở câu đố này thì đó là “cái đồng hồ” (hoặc “kim giờ, kim phút”) hay là cả các từ chỉ sự vật có trong câu đố: “ngày đêm”, “bài”, “anh”, “bước”?.
Chúng tôi cho rằng, trong văn học nói chung và văn học dân gian nói riêng, không thiếu những câu đố hay, có khả năng khơi dậy sự liên tưởng của trò, chứ không để học sinh hại não và tắc tỵ trong nhận biết như thế này...
Cũng về giải đố, trang 53, tập 1 có yêu cầu: “Giải câu đố để tìm các từ ngữ chỉ sự vật: Nhỏ như cái kẹo / Dẻo như bánh giầy / Học trò lâu nay / Vẫn dùng đến nó” (Là cái gì?)”. Cứ theo dữ liệu mà SGK đưa ra thì học trò có thể đoán là kẹo cao su, chứ không phải cục tẩy. Còn về các từ ngữ chỉ sự vật mà học sinh cần tìm ở câu đố này tì đó là “kẹo cao su” (hoặc “cục tẩy”) hay là cả các từ chỉ sự vật có trong câu đố: “cái kẹo”, “bánh giầy”, “học trò”? Có thể nói đây là câu đố gượng ép, với trường từ ngữ lổn nhổn, khiến trò suy luận khác hẳn mục đích mà SGK yêu cầu đạt đến. Đó là suy đoán ra...cục tẩy.
Hay ở trang 65, tập 1 có nói đến chim hoàng oanh. Trong tiếng Việt, không có con chim nào tên là “chim hoàng oanh” mà chỉ có “chim vàng anh”, “chim hoàng anh”, “chim oanh” mà thôi. Loài chim từ trong tưởng tượng này đã bay vào SGK, mặc nhiên học sinh phải tìm và tin vào sự tồn tại của nó.
Bài nghe - viết “Mùa vàng” (trang 27, tập 2) mở đầu: “Để có cái thu hoạch, người nông dân phải làm rất nhiều việc.” Chắc tác giả mượn lời một ông Tây mới bập bẹ tiếng Việt để viết bài này, chứ người Việt đâu có nói như vậy? Cũng lỗi về diễn đạt, trang 41, tập 2, bài nghe - kể: “Vật gì có ở vương quốc khiến nhà vua tự hào nhất?”. Khiến người đọc bất ngờ vì...tiếng Việt của người viết SGK Tiếng Việt sao lại ngô nghê như vậy ?. Còn ở trang 46, tập 2, bài 24 “Sự tích cây thì là” có cách xưng hô rất ngô nghê: “Thưa trời, khi nấu canh riêu cá hoặc làm chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon ạ.”.
Đặc biệt, tại trang 70, tập 2, SGK hỏi học sinh: “Những ai đã quan tâm, giúp đỡ cánh cam?”, “Họ đã làm gì và nói gì để an ủi cánh cam?”. Tiếng Việt không chỉ các con vật (như bọ dừa, cào cào, xén tóc trong bài thơ) là “ai”, là “họ”. Nhất là trong văn cảnh cụ thể này. Trang 87, tập 2: “In-tơ-nét” cần được viết hoa. Trang 86-87, bài “Từ chú bồ câu đến in-tơ-nét”: “Thời xưa, người ta đã gửi thư bằng những cách nào?”. Lại một lỗi nữa về sử dụng từ “đã”. Điều này chứng tỏ đây không phải lỗi của một tác giả.
Với việc mắc nhiều lỗi , cách viết ngô nghê, tùy tiện, không thống nhất... về chính tả của tác giả SGK đã khiến tiếng Việt lớp 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống phần nào thiếu đi tính chuẩn mực, khoa học.
Giữ gìn sự trong sáng và phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ của tiếng Việt, thiết nghĩ, cần bắt đầu từ những trang sách –nhất là SGK ngay từ những tháng năm đầu tiên đến lớp của học sinh. Rất mong các tác giả SGK tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong việc biên soạn SGK, để các em được học bộ sách tốt nhất.
Công Luân