Thực trạng tại các đại lý lớn
Sim “rác” là cụm từ để gọi các sim điện thoại đã được kích hoạt sẵn hay nói theo cách khác chính là những sim điện thoại được cập nhật thông tin “khống” của một người sử dụng bất kỳ rồi được bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ. Thường thì những sim rác này được người mua sử dụng hết số tiền có sẵn trong tài khoản hoặc hết thời hạn khuyến mãi thì sẽ được bỏ đi.
Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực, tức vào ngày 24/4/2018 vừa qua, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này. Tuy nhiên, bất chấp việc Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã có hiệu lực pháp lý thì vấn nạn Sim “rác” vẫn cứ lộng hành.
Sáng ngày 2/5, PV đã dạo quanh một vài đại lý kinh doanh sim, thẻ điện thoại trên địa bàn TP.Hà Nội cũng như cửa hàng đại diện của các nhà mạng để nhờ nhân viên tư vấn về nhu cầu mua sim để sử dụng. Khi biết PV có nhu cầu mua những chiếc sim “rác” để sử dụng hoặc nhập số lượng lớn để bán lại thì chỉ nhận được cái lắc đầu đến từ phía nhân viên cửa hàng.
Nhân viên cho biết tất cả các loại sim được in trên catalog đều là những sim phải đăng ký thông tin thì mới có thể kích hoạt, và toàn bộ đều không có tiền trong tài khoản nên nếu muốn sử dụng thì PV phải nạp tiền. Tỏ vẻ không hiểu về vấn đề trên thì nhân viên đã giải thích cặn kẽ hơn về việc Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực pháp lý, đại lý đã không còn kinh doanh các loại sim “rác” như trước đây nữa và hướng dẫn PV đi đến các cửa hàng bán nhỏ, lẻ trên thị trường.
Sim “rác” vẫn dễ mua như “rau”
Rời khỏi các cửa hàng, đại lý kinh doanh sim, thẻ lớn, PV tiếp tục tìm kiếm các cửa hàng nhỏ hơn có kinh doanh mặt hàng này. Ghé vào một cửa hàng có treo tấm biển bán sim, thẻ kết hợp sửa chữa điện thoại nằm ở khu vực trung tâm TP.Hà Nội, cũng với nhu cầu mua sim “rác” để sử dụng nhưng lần này PV lại nhận được cái “gật đầu”.
Chủ cửa hàng cho biết hiện anh này “chỉ còn” vài chiếc sim điện thoại đã kích hoạt sẵn gồm hai loại sim của nhà mạng Vietnamobile và MobiFone, mua về chỉ việc cắm vào máy là sử dụng mà đặc biệt là không bao giờ sợ bị khóa sim vì đã được bổ sung thông tin đầy đủ. Anh này còn giải thích cặn kẽ tất cả các ưu đãi, các gói khuyến mại của từng nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone.
Đặc biệt là loại sim “rác” sử dụng gói khuyến mại C90 của nhà mạng MobiFone, cụ thể, từ tháng 8/2017, MobiFone đã cung cấp gói cước khuyến mãi này với ưu đãi về cước gọi thoại và Data truy cập internet tốc độ cao với chi phí chỉ 60.000 đồng/tháng. Gói cước C90 MobiFone miễn phí toàn bộ cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút, thêm 50 phút liên mạng trong 30 ngày. Thêm nữa, trong gói khuyến mãi còn tặng 60GB Data truy cập Internet trên nền 3G hoặc 4G.
“Loại sim này được bán rất chạy, riêng bản thân tôi cũng đang sử dụng một sim như thế mà không bao giờ lo bị khóa thuê bao vì tất cả thông tin đã được bổ sung sẵn rồi. Nếu cần thì tôi có thể cập nhật thông tin giúp anh tại đây luôn”, chủ cửa hàng cho biết.
Mỗi một chiếc sim “rác” của nhà mạng MobiFone được kích hoạt sẵn thông tin có giá dao động từ 120.000 – 160.000 đồng một chiếc còn các loại sim “rác” của nhà mạng khác thì được bán với giá rẻ hơn.
Trước đó, ngày 24/4/2017 Nghị định 49/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, theo đó Nghị định này quy định phạt tiền tổ chức cá nhân đến 40.000.000 đồng khi bán, lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ; bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền.
Các hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt từ 80.000.000 đồng – 100.000.000 đồng.
Với mức phạt “nặng” như vậy nhưng nhiều nơi vẫn bất chấp kinh doanh loại sim “rác” với giá rất rẻ này. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là những chiếc sim này được kích hoạt thông tin từ người sử dụng nào? Liệu nhà mạng có biết việc sim “rác” vẫn tràn lan trên thị trường bất chấp việc chính các nhà mạng đang ráo riết bổ sung thông tin người dùng theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP hay không?
Tiểu Phàm