Đây là con số được ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin.
Thiệt đơn, thiệt kép
Xuất phát từ quy định tính lương hưu mới cho lao động nữ (LĐN), nhiều người lao động sẽ nghỉ hưu trong năm 2018 hoang mang vì bị giảm 4 – 10% lương hưu so với cách tính cũ.
Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 (BHXH), từ ngày 1/1/2018, LĐN nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 25 năm hưởng tối đa chỉ 69%, thay vì 75% như hiện nay.
Như vậy, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, LĐN phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa, nâng tổng số năm đóng BHXH là 30 năm.
Quy định nói trên ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Bà Nguyễn Thị Chinh (54 tuổi, công tác tại một cơ quan Nhà nước tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Đến nay, tôi đã đóng BHXH được 25 năm, theo quy định cũ thì sang năm tôi về hưu vẫn được hưởng đủ 75%. Nhưng theo quy định mới này tôi còn thiếu 4 năm nữa. Việc phải đóng thêm bảo hiểm 4 năm nữa trở thành gánh nặng đối với tôi, trong khi lẽ ra tôi đã yên tâm nghỉ tuổi già.”
Bà H.A.K. (cán bộ một viện nghiên cứu tại Hà Nội) cho biết: “Tôi sinh vào tháng 12/1962 và đã có 28 năm liên tục đóng BHXH. Lẽ ra theo quy định cũ thì năm 2018 nghỉ hưu tôi sẽ được hưởng đủ 75% mức lương đóng BHXH và còn được thừa ba năm thâm niên, mỗi năm thêm một tháng lương nữa. Nhưng áp dụng quy định mới này thì tôi vừa mất tiền thâm niên, vừa thiếu 2 năm, thiệt đơn thiệt kép. Do đó, tôi đã phải xin về hưu sớm hơn dự định để… "né" chính sách mới (!)".
Kiến nghị giãn lộ trình thực hiện
Nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, tăng số năm đóng BHXH… là những biện pháp "kinh điển" mà các nhà quản lý sử dụng để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn.
Điều đáng nói, theo quy định này, lao động nam cũng bị nâng thời gian đóng BHXH lên 35 năm để được hưởng mức lương hưu 75% như LĐN, tuy nhiên được giãn lộ trình theo từng năm.
Theo đó, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm đủ 31 năm (nếu nghỉ hưu năm 2018), đủ 32 năm (nếu nghỉ hưu năm 2019)… đủ 35 năm (nếu nghỉ hưu năm 2022).
Còn với LĐN thì quy định này lại phải áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình, khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Quy định nói trên đã gây hoang mang dư luận và gây ra những hệ lụy phổ biến là một số người chạy thủ tục để về hưu trước thời điểm 1/1/2018, một số khác chọn nhận lương hưu một lần thay vì để dành cho tương lai.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận, với quy định này, ngay cả người lao động có ngày sinh trong tháng 12, khi đã đủ 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam sẽ bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018, họ phải chịu cách tính tiền lương hưu từ năm 2018 là quá thiệt thòi. Nhiều người, chỉ sinh sau một đêm thiệt hại đến 10% lương hưu!
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, công thức tính lương hưu mới quy định tại Điều 56 luật BHXH 2014 là chưa hợp lý.
Ông Quảng cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có hơn 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm và số lao động nữ này sẽ bị giảm lương hưu từ 4 – 10% tùy theo thời gian đóng BHXH thực tế.
“Hiện tại chúng tôi đang tham mưu để lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam có văn bản kiến nghị cơ quan quản lý có nghị quyết, quy định quy trình sửa đổi điểm 1 điểm 2 Điều 56 Luật BHXH để lao động nữ không bị thiệt thòi", ông Quảng nói.
Dưới góc độ xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động - Xã hội cho PV báo Người Đưa Tin biết: “Việc kéo dài thời gian đóng BHXH của người lao động làm giảm nhiệt tình tham gia BHXH của người lao động. Thời gian đóng BHXH dài hơn cũng đồng nghĩa với mức lương hưu bị thấp đi và gây ra những hệ lụy xã hội nhất định, như tình trạng chạy thủ tục để về hưu sớm, khiến người sử dụng lao động cũng bị ảnh hưởng theo”.
Bà Hương cũng cho rằng, việc áp dụng chính sách lương hưu mới đối với NLĐ nữ quá đột ngột thể hiện sự bất bình đẳng về giới, do đó cần sự lắng nghe của cơ quan quản lý để điều chỉnh cho hợp lý.
Khoản 1, 2 - Điều 56. Luật Bảo hiểm Xã hội 2014: Mức lương hưu hằng tháng 1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. |