Vừa qua, hệ thống giáo dục Học mãi tổ chức chương trình “Chào tân sinh viên 2017”, với chủ đề “Học tập suốt đời - Kỹ năng học tập tự định hướng”, cung cấp những kiến thức quan trọng cho các tân sinh viên.
Diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình thu hút sự tham gia của 600 tân sinh viên từ các trường, hơn 20 thầy giáo giỏi cùng đại diện nhiều trường ĐH lớn trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trong phần giao lưu giải đáp, một câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bạn sinh viên: “ĐH có cần thiết, quan trọng nữa không khi đa số sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề?".
Trả lời câu hỏi này PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Học đại học nói riêng và việc học nói chung luôn cần thiết, quan trọng. Cũng có những tỷ phú không qua trường ĐH, nhưng họ đều là những con người xuất chúng. Họ có khả năng làm việc, tư duy và nỗ lực rất lớn.
Còn đại đa số chúng ta là những người bình thường, ĐH vẫn là cái nôi để trưởng thành. Sinh viên ra trường thất nghiệp liên quan rất nhiều vấn đề. Nhưng trước hết ở bản thân các em”.
“Chúng ta cần làm rõ vấn đề: Học ĐH có quan trọng không? Bằng cấp có quan trọng không? Học ĐH rất quan trọng, như thầy Tớp đã nói. Nhưng nếu chỉ học vì bằng cấp, khả năng thất nghiệp cao hơn. Vì vậy, hãy tận dụng những tháng năm trên giảng đường để hoàn thiện bản thân, cố gắng học những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc khi ra trường”, TS. Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FuNix nhấn mạnh.
“Sinh viên hay có tâm lý sau 12 năm đèn sách, lên ĐH được xả hơi. Nhưng đó là một sai lầm. Với sự cạnh tranh cao như hiện nay, các em phải nỗ lực từng ngày, đừng bao giờ ngủ quên trong chiến thắng. Đại học chỉ là bước khởi đầu, còn trên ghế nhà trường không thể nói: Ta đã thành công”, thầy Tớp bổ sung.
Thầy Lê Việt Thủy, Phó phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Sinh viên cần học một cách chủ động, đừng để cuốn theo hồi cấp 3 - đọc chép. Ở ĐH, tự học là quan trọng nhất. Ngoài ra kỹ năng ngoại ngữ, tin học, thuyết trình, đều là những điều các em phải nắm chắc”.
Trước câu hỏi của em Nguyễn Thu Hường: "Em đang rất lo lắng, vì ở trường yêu cầu nhiều kỹ năng từ tin học, mà em lại "mù" kỹ năng đó, em phải làm sao?", TS. Nguyễn Thành Nam giải đáp: “Cần phải học từ nền tảng cơ bản, đừng sợ, cũng giống như chiếc điện thoại, xe máy, ngày đầu các em sử dụng đều bỡ ngỡ. Ngày nay có rất nhiều những khóa học trực tuyến, em có thể học ở nhà, sự chăm chỉ trong 6 tháng sẽ có kỹ năng ổn”.
Em Nguyễn Thế Việt đưa ra câu hỏi: “Em học chuyên ngành tự động hóa, vậy việc thực hành với ngành sẽ phải làm thế nào?”
Giải đáp câu hỏi này PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết: “Em học tự động hóa, với đặc thù môn kỹ thuật thì không thể không có thực hành, kiến thức. Tuy nhiên, thực hành trên lớp chưa đủ. Thầy biết nhiều sinh viên mua những thiết bị rất rẻ ở khu đồng nát, "chợ trời" là có thể thực hành làm quen được rồi. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực các em có thể học hỏi các anh, chị đi trước để được giúp đỡ. Điều đó cũng cần sự năng động, đam mê của các em”.
Bên cạnh những kiến thức bổ ích được cung cấp, các tân sinh viên còn được tham dự nhiều trò chơi thú vị.
Đặng Thủy - Thứ Lưu