Những ngày qua, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đang nóng lên bởi những bức xúc của phụ huynh về việc một số trường ngoài công lập yêu cầu đóng các khoản phí "giữ chỗ" khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên khi rút hồ sơ, họ sẽ không được trả lại khoản tiền này hoặc chỉ được hoàn lại một phần trong số đó.
Theo báo Lao Động, trong diễn đàn giáo dục “Tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội: Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?” do hệ VOV2 tổ chức ngày 6/7, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT Hà Nội đã lên tiếng về điểm nóng này.
Ông Phạm Quốc Toản cho rằng các trường tư thục, ngoài hoạt động theo Luật Giáo dục còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng trong giáo dục đòi hỏi sự nhân văn.
“Đối với lĩnh vực giáo dục, lòng tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường là điều rất quan trọng. Đồng thời, mặc dù trường tư thục được thực hiện các công tác tự chủ trong nhiệm vụ tuyển sinh, nhất là về tài chính nhưng phải có tính chất nhân văn của giáo dục trong đó. Tính chất nhân văn bao giờ cũng là yếu tố quan trọng giúp cho uy tín của nhà trường được củng cố vững vàng hơn”, ông Toản nói.
Ông Toản cho rằng, xảy ra những điểm nóng trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội đến từ hai phía.
Thứ nhất, về phía nhà trường, cách thức tuyển sinh của một số trường ngoài công lập đâu đó vẫn chưa đầy đủ, cẩn thận, do đó đặt ra những giải pháp tuyển sinh còn thiếu nhân văn. Thứ hai về phía cha mẹ học sinh, do quá lo lắng, sốt ruột nên chưa có sự tìm hiểu kỹ càng.
Nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Quốc Toản cho biết, sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn rất đầy đủ, cập nhật và ban hành rất sớm.
Và khi có hiện tượng cha mẹ học sinh phản ánh và báo chí nêu, ngay lập tức Sở đã có thêm các văn bản cá biệt gửi các trường.
Thông tin về vấn đề trên, VOV cho hay trường THCS-THPT Lương Thế Vinh công bố điểm trúng tuyển và thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26/6. Cùng với đó, thông tin mỗi học sinh khi làm thủ tục nhập học phải nộp các khoản tổng cộng hơn 6 triệu đồng.
Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ được đưa nộp về quỹ khuyến học của trường.
Sau sự việc trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ không được trả lại đủ số tiền đã đóng góp, số ít khác chỉ nhận được 1/3 số tiền đã đóng góp.
Luật sư Đào Thị Lan Anh (công ty luật Thiên Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng trường Lương Thế Vinh yêu cầu học sinh đóng khoản giữ chỗ là không đúng với quy định của bộ GD&ĐT.
Trường Lương Thế Vinh thông báo về việc thu tiền giữ chỗ gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng.
Về vấn đề này, vị nữ luật sư cho rằng, chưa xét đến việc, khi phụ huynh nộp tiền giữ chỗ có được ký một văn bản thỏa thuận dân sự hay chỉ được đọc thông báo của trường trên trang web, facebook… nhưng trường Lương Thế Vinh gọi đây là một thỏa thuận dân sự thì chưa đúng.
Vì theo nguyên tắc thỏa thuận trong bộ luật dân sự được quy định như sau: Khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Luật sư Lan Anh cho rằng, quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Trên thực tế, trường Lương Thế Vinh chỉ thông báo trên trang web và facebook, phụ huynh khi đến nộp hồ sơ và phải đóng tiền giữ chỗ theo sự áp đặt của nhà trường. Khi họ đến rút hồ sơ, trường chỉ trả lại số tiền 2 triệu đồng (tiền đồng phục, tiền mua sách vở) cho những trường hợp xin rút hồ sơ từ ngày 3/7 trở đi, số tiền còn lại trường không trả mà thực hiện việc thỏa thuận lúc đầu là đưa vào quỹ khuyến học là trái với quy định của pháp luật.
Theo quan điểm luật sư, trường Lương Thế Vinh chỉ được phép thu khoản lệ phí tuyển sinh để làm chi phí cho việc tiếp nhận hồ sơ.
Xem thêm >> Trường THPT Lương Thế Vinh phớt lờ chỉ đạo của sở GD&ĐT Hà Nội?
Đ.V (Tổng hợp)