Bên cạnh các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, Sở GD&ĐT Tp.HCM phối hợp với Sở Y tế Tp.HCM tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho tất cả cơ sở giáo dục bậc mầm non, tiểu học và THCS.
Đồng thời, Sở tổ chức buổi tập huấn riêng về công tác phòng, chống dịch tại căn tin/bếp ăn, trong hoạt động bán trú và nội trú với sự tham gia trực tuyến của của lãnh đạo đơn vị, chuyên viên phụ trách công tác y tế trường học/nhân viên y tế trường học.
Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp, kế hoạch và phương án phòng, chống dịch Covid-19, được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, thẩm định và phê duyệt trước khi tổ chức học tập trực tiếp trở lại.
Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp trở lại ở bậc mầm non là 85,2%, bậc tiểu học là 99,8%, bậc THCS là 98,65% và bậc THPT là 100%.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, lý do một số cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học trực tiếp là cở sở vật chất chưa đảm bảo và chưa đủ nhân sự, đặc biệt là mầm non ngoài công lập. Trong đó có sự chưa đồng thuận của phụ huynh hoặc do học sinh chưa trở lại Tp.HCM.
Các phòng GD&ĐT cấp huyện đã có thống kê số lượng ca nghi nhiễm trong ngành giáo dục từ ngày 7/2 đến ngày 2/3 gửi đến Sở GD&ĐT Tp.HCM.
Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc ca nghi nhiễm là 3.689 ca; phát hiện tại trường 381 ca. Số lượng học sinh thuộc ca nghi nhiễm là 40.385 ca; phát hiện tại trường 2.160 ca.
Ở bậc mầm non, việc phối hợp với gia đình để thông tin đến cha mẹ trẻ đón trẻ về được đồng thuận cao. Giáo viên thường xuyên liên lạc với gia đình để tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà và báo cáo cho hiệu trưởng nhà trường.
Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức họp trực tiếp với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ để phổ biến kế hoạch và phương án đón trẻ đi học trở lại.
Còn các trường tiểu học, giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường, xây dựng lại nền nếp học tập cho học sinh, nắm bắt, phân loại các học sinh theo từng nhóm căn cứ vào thời lượng tham gia học tập trên môi trường Internet và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học trên môi trường Internet trong tuần đầu tiên.
Khi tổ chức dạy và học trực tiếp, giáo viên tổ chức ôn tập bổ sung kiến thức cho các em còn chưa nắm vững trong quá trình học trên Internet tại nhà, nhất là đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Sau khi các em cơ bản đã nắm được kiến thức, giáo viên từng bước dạy kiến thức, bài mới cho các em.
Các khối lớp trung học, hiệu trưởng trường trung học quán triệt đến toàn thể giáo viên, nhân viên trách nhiệm tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp và dạy học trên internet phù hợp tình hình dịch Covid-19 nhằm đảm bảo kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Văn bản của ngành giáo dục Tp.HCM chỉ ra, cơ sở y tế nhiều nơi không phối hợp kịp thời trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục.
Phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1 trong trường học như: Bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Sở GD&ĐT đã phối hợp Sở Y tế cấp kit xét nghiệm nhanh đợt 1 về trường công lập, tuy nhiên chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định.
Việc xét nghiệm cho F1 hiện nay vẫn còn là vấn đề lớn. Do nhiều nơi, y tế cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định việc sử dụng kít xét nghiệm của cơ sở y tế để xét nghiệm F1.
Vai trò nhân viên phụ trách y tế trường học trong gia đoạn hiện nay là rất quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách; giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại trường.
Thậm chí, một số cha mẹ học sinh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh trong thời gian học trực tiếp tại trường, gây cản trở trong công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường.
Do đó, Sở GD&ĐT kiến nghị HĐND Tp.HCM quan tâm đến chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý trường học, nhân viên y tế trường học, nhằm tăng cường lực lượng phục vục công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh tại cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Cùng thời điểm, Sở Y tế cũng có báo cáo đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Trong 2 tuần (15/2-2/3), Tp.HCM ghi nhận tình hình số ca nghi nhiễm cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn.
Các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm quận 1 (4.005 ca), quận Bình Thạnh (3483 ca), Tp.Thủ Đức (3.303 ca), quận 12 (3.222 ca) và quận Tân Phú (2.871 ca).
Báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM nhận định, hiện tại, số ca nghi nhiễm tại trường học được ghi nhận gia tăng, số cơ sở giáo dục trên địa bàn xã phường nhiều, việc này tạo áp lực công việc cho trạm y tế xã phường trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục.
Một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo. Phụ huynh học sinh thực hiện xét nghiệm tầm soát các học sinh không có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.