Đảm bảo vắc-xin ngừa Bạch hầu và nhiều bệnh truyền nhiễm
Liên quan đến thông tin lan truyền, trên địa bàn tỉnh Bình Dương lượng vắc-xin phòng ngừa bệnh Bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm khác đang khan hiếm, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức đoàn kiểm tra việc chuẩn bị vắc-xin cho công tác tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thông tin ban đầu, từ đầu tháng 7/2023, thông tin về dịch Bạch hầu xuất hiện và gây ra ca tử vong cho một người mắc phải đã khiến nhiều người dân, dư luận lo lắng.
Tại tỉnh Bình Dương, để phòng ngừa bệnh người dân cũng tìm hiểu và lên phương án tiêm phòng vắc-xin phòng chống bệnh Bạch hầu và nhiều bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, máu… điều này dẫn đến tình trạng đông đúc tại một số cơ sở tiêm chủng và xuất hiện thông tin lan truyền về việc không thể tiêm chủng do các cơ sở thông báo hết vắc-xin Bạch hầu.
Trao đổi với Người Đưa Tin ngày 24/7, Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương khẳng định, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương không hề thiếu vắc-xin ngừa bệnh Bạch hầu.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh có 191 cơ sở tiêm chủng, trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều đợt dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa, cũng như ý thức của người dân nâng cao hơn về công tác tiêm ngừa, phòng chống bệnh qua công tác tiêm chủng ngày càng cao, nên việc các trung tâm tiêm chủng có số lượng người dân, khách tới tiêm chủng cao và có thể xảy ra tình trạng quá tải.
Về vấn đề thông tin lan truyền không chỉ thiếu vắc-xin ngừa Bạch hầu mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác Bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết, trong sáng 24/7, Sở Y tế đã lập Đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến các cơ sở tiêm chủng công lập và ngoài công lập trên địa bàn để giám sát chặt chẽ công tác tiêm chủng; đánh giá tình hình triển khai kế hoạch tiêm chủng cho người dân trong thời gian tới.
Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng việc chuẩn bị vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em và người lớn, đặc biệt là vắc-xin Bạch hầu.
"Qua kiểm tra, Sở Y tế ghi nhận các cơ sở y tế tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai tốt công tác tiêm chủng, chủ động chuẩn bị đầy đủ các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chương trình và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân, bao gồm cả vắc-xin Bạch hầu", bác sĩ Chín thông tin.
Cũng theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở tiêm chủng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Bạch hầu
Các cơ sở phải cập nhật số liệu tiêm chủng thường xuyên báo cáo kịp thời cho Sở Y tế để có thể theo dõi, điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng phù hợp; quản lý chặt chẽ nguồn vắc-xin đảm bảo vắc-xin được bảo quản và sử dụng đúng quy định.
Chưa phát hiện bệnh Bạch hầu
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Bạch hầu, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Bình Dương) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong) và Bắc Giang (1 ca). Phía CDC tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận ca bệnh mắc Bạch Hầu.
Theo lãnh đạo CDC Bình Dương, bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu như: sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Bạch hầu là bệnh được đánh giá rất nguy hiểm, bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề. Bạch hầu lây qua hô hấp, qua sinh hoạt chung, sử dụng chung đồ dùng nên có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.
Bác sĩ CKII, Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: "Sau khi thông tin bệnh Bạch hầu khiến bệnh nhân tử vong và lan truyền qua người khác được công bố, Sở Y tế đã yêu cầu CDC Bình Dương và các cơ sở y tế trong tỉnh nghiêm túc rà soát kiểm tra để sớm phát hiện các ca bệnh. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở người dân trên địa bàn thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm chung tay bảo vệ sức khoẻ, đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm".
Ngành Y tế tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm vắc-xin Bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh; Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Người dân trong vùng dịch cần chấp hành nghiêm túc việc điều trị dự phòng, cách ly và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bệnh Bạch hầu nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm ngừa vắc-xin đủ liều và đúng lịch sẽ có tác dụng rất lớn.