Khi con mồi dao động, hoang mang, chúng giả dạng cơ quan thuế, cục công an thuyết phục chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản riêng để được bảo vệ an toàn.
Tóm gọn băng nhóm tội phạm quốc tế
Ngày 6/12, gần 100 cảnh sát thuộc các phòng nghiệp vụ và lực lượng đặc nhiệm công an TP.HCM phối hợp với công an quận 2 (TP.HCM) bất ngờ ập vào 2 ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng và ngôi biệt thự F13 nằm trong khu biệt thự Thảo Điền 1 đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) tổ chức kiểm tra.
Cơ quan CSĐT nghi ngờ tại đây có một băng nhóm siêu lừa đảo xuyên quốc gia gồm nhiều đối tượng người nước ngoài tham gia hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bằng các thiết bị công nghệ cao.
Đúng như nhận định của cơ quan CSĐT, tại ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng, lực lượng công an bắt quả tang tại trận một nhóm lừa đảo gồm 22 nam, 5 nữ là người Đài Loan và Trung Quốc đang trực tiếp vận hành các thiết bị công nghệ cao như voice IP, bộ đàm, máy tính, máy dò tín hiệu, internet gọi cho những doanh nhân hoặc người có tài sản đang sống và làm việc ở Trung Quốc, Đài Loan và hàng loạt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để tổ chức lừa đảo chiếm đoạt các tài khoản ngân hàng trị giá hàng chục ngàn USD.
Ngay khi thấy lực lượng công an ập vào kiểm tra, nhóm đối tượng bỏ chạy nháo nhào, một đối tượng liều mạng nhảy qua cửa sổ chạy trốn.
Tang vật cơ quan CSĐT thu giữ từ các đối tượng lừa đảo.
Tuy nhiên, lực lượng công an đã chuẩn bị lực lượng từ trước và lên phương án tác chiến nên sau đó tất cả các đối tượng này đã bị khống chế hoàn toàn. Khai thác nhanh tại chỗ, nhóm đối tượng khai nhận kẻ cầm đầu của băng lừa đảo xuyên quốc gia này vừa nhảy qua cửa sổ chạy trốn.
Ngay lập tức, một nhóm trinh sát giỏi được cắt cử đi truy bắt. Quan sát cửa sổ đối tượng nhảy xuống, lực lượng trinh sát phát hiện đối tượng đang chạy qua bên vệ đường tìm cách liên lạc với tổng đài của hãng xe taxi nhằm đào tẩu khỏi tổ chức truy đuổi. Ngay sau đó, đối tượng bị bắt giữ ngay tại chỗ và di lý về cơ quan CSĐT để lấy lời khai.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT, băng nhóm siêu lừa đảo xuyên quốc gia này còn có 1 nhóm đối tượng đặt căn cứ hoạt động tại biệt thự F13 trong khu biệt thự Thảo Điền 1, chịu sự chi phối, phân công của nhóm đối tượng ở biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng.
Thời điểm ập vào kiểm tra biệt thự trên, cơ quan CSĐT ập vào biệt thự F13 bắt quả tang thêm 19 nam, 4 nữ cũng đang dùng công nghệ cao để lừa đảo. Các đối tượng thấy lực lượng công an Việt Nam liền có hành vi chống cự để tháo thân nhưng đã bị lực lượng công an khống chế tại chỗ.
Tại hiện trường 2 ngôi biệt thự, cơ quan CSĐT tiến hành thu giữ một số lượng lớn tang vật dùng cho hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia gồm: 21 laptop xịn, 18 modem dùng kết nối mạng internet, 58 voice IP, 77 điện thoại bàn, 25 ĐTDĐ các loại, trên 6.000 USD, 127.400 nhân dân tệ và 77,8 triệu đồng Việt Nam.
Đặc biệt trong vụ bắt quả tang này, điều gây chú ý với cơ quan CSĐT là khi khám xét 2 ngôi biệt thự phát hiện có đến 200 kịch bản được nhóm đối tượng soạn sẵn với từng nội dung cụ thể để thực hiện cho những phi vụ lừa đảo xuyên quốc gia sắp tới. Ngay sau đó, các đối tượng được đưa về cơ quan CSĐT để điều tra, làm rõ.
Các đối tượng được đưa về cơ quan CSĐT để điều tra, làm rõ.
Đã lừa đảo tại hàng loạt quốc gia
Tại cơ quan CSĐT, nhóm đối tượng khai nhận bằng thủ thuật sử dụng các thiết bị công nghệ cao đã qua mặt lực lượng cảnh sát quốc tế để thực hiện hàng ngàn cuộc gọi để săn con mồi tại nhiều quốc gia.
Ngoài ra, để tránh bị cơ quan cảnh sát địa phương theo dõi, phát hiện, nhóm đối tượng thường xuyên luân chuyển địa bàn hoạt động, địa bàn bọn chúng thường ưu tiên chọn là Việt Nam.
Tại mỗi quốc gia, cả nhóm chỉ ở khoảng từ 1-3 tháng thông qua visa du lịch. Thủ đoạn lừa đảo của băng tội phạm quốc tế này là khi săn được con mồi, bọn chúng giả danh người của lực lượng công an, cơ quan thuế vụ hoặc ngân hàng lớn tại Trung Quốc... rồi dùng voice IP để thông báo cho nạn nhân là công an hoặc sở thuế đang theo dõi vì nghi ngờ có tội phạm mạng đang tìm cách chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Khi nạn nhân gọi điện lại, băng nhóm này cho nạn nhân số điện thoại (mã vùng của Trung Quốc).
Nhóm đối tượng khai nhận thêm, khi nạn nhân gọi đến và trò chuyện thì băng tội phạm bật còi hụ giống như đang làm việc tại cục cảnh sát (Trung Quốc) và để một số đối tượng khác nói vọng vào điện thoại là đã bắt thêm hàng loạt tên lừa đảo, rồi bảo triển khai nhanh kế hoạch phá án các vụ chiếm đoạt tài khoản ngân hàng... khiến người ở đầu dây bên kia tưởng đang nói với cảnh sát thật.
Khi thấy nạn nhân rơi vào trận địa do mình tạo ra, nhóm tội phạm liền yêu cầu phải cung cấp ngay số tài khoản và mật khẩu của mình để được phong tỏa và không nhận ngay mà yêu cầu gửi cho nhóm đối tượng khác cùng số điện thoại khác.
Cuối cùng, khi nạn nhân gọi điện thoại cho nhóm đối tượng cuối cùng trong băng nhóm tội phạm, lúc này nhóm tội phạm liền cho người tổ chức rút toàn bộ tiền trong tài khoản rồi cao chạy xa bay. Trong "giáo trình" của nhóm tội phạm này còn soạn sẵn 200 kịch bản khác nhau để ứng phó với "con mồi".
Cơ quan CSĐT cho biết, trong 52 đối tượng bị bắt giữ, có 49 người Đài Loan, 3 người Trung Quốc. Bước đầu mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT đã xác định được 5 đối tượng cầm đầu có vai trò chỉ huy, lên kế hoạch lừa đảo và huấn luyện đồng bọn tổ chức các phi vụ lừa đảo, đồng thời tạm giữ một đối tượng người Việt Nam (có nhiệm vụ chuyên đi thuê nhà cho băng nhóm tội phạm ăn, ở tại Việt Nam).
Điều tra ban đầu cho thấy, băng nhóm tội phạm này hoạt động xuyên quốc gia, từng gây ít nhất 200 vụ lừa đảo nhằm vào người giàu sinh sống ở một số thành phố lớn tại quốc gia này và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Indonesia.
Hiện vụ án vẫn đang được cơ quan CSĐT mở rộng điều tra nhằm xem xét mức độ thiệt hại, số nạn nhân vì mỗi ngày băng tội phạm trên gọi hàng ngàn cuộc điện thoại đến các quốc gia xung quanh để lừa đảo.
Trước đó, thượng tá Nguyễn Sỹ Quang, phó chánh văn phòng công an TP.HCM, cho biết nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao mới vào Việt Nam theo diện du lịch, hoạt động chưa được một tháng thì bị phát hiện.
Để thực hiện thành công các vụ lừa đảo, các băng nhóm này tuyển thành viên thuộc đủ vùng miền, giọng nói khác nhau để con mồi không nghi ngờ khi chúng xưng là cơ quan chức năng ở địa phương đó.
Trước đó, công an phía Trung Quốc, Đài Loan đã thông tin với công an Việt Nam về các nhóm tội phạm dạng này hoạt động ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và từng bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ.
Văn phòng Interpol Việt Nam cũng cho biết trong thời gian qua tội phạm người nước ngoài lợi dụng con đường thăm thân nhân, du lịch để vào Việt Nam lẩn trốn và tổ chức các hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao có chiều hướng gia tăn.
Trong thời gian tới, Interpol Việt Nam sẽ hợp tác với các nước tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng hộ chiếu giả. Ngoài ra, Interpol Việt Nam tiếp tục hợp tác với các nước để hỗ trợ nhau trong việc huấn luyện đào tạo lực lượng để triệt phá các vụ lừa đảo xuyên quốc gia.
Hoạt động kín đáo Ngày 8/12, PV ghi nhận thông tin từ một số người dân ngụ gần 2 ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng và ngôi biệt thự F13 nằm trong khu biệt thự Thảo Điền 1 đường Nguyễn Văn Hưởng thì được biết trong thời gian các đối tượng trên thuê nhà ở đây rất ít khi ra khỏi nhà vào ban ngày. Anh H. ngụ gần ngôi biệt thự F13 cho biết: "Từ khi thấy nhóm người này đến thuê nhà thì ở hẳn bên trong, hàng ngày có 1 người phụ trách công việc đi chợ, mua đồ dùng, thức ăn đem về. Cứ vài ngày, vào buổi tối, lại có taxi đến để đưa họ đi đâu đó. Đến hôm nay, khi thấy lực lượng công an bắt tại chỗ, tôi và nhiều người dân mới biết họ là băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia”. Người dân ngụ gần ngôi biện thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng cho biết trước khi bị công an bắt những người ngụ tại đây hầu như không ra ngoài, thỉnh thoảng có người ra ngoài mua thức ăn, nước uống mang về. |
Trúc Ly