Phản ứng mạnh mẽ quá mức của cơ thể
Cơ thể con người được coi là tiến hoá nhất, hoàn hảo nhất và luôn sẵn sàng phản ứng bảo vệ chính mình trước các mối nguy hại từ bên ngoài. Khi vật lạ xâm nhập cơ thể, phản ứng để bảo vệ nhẹ nhất được gọi là dị ứng, nặng nhất là sốc phản vệ. Phản ứng bảo vệ nhìn chung là có lợi.
Ví dụ: khi bạn ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, phản ứng của cơ thể là nôn ói, đi cầu nhiều lần, tiêu chảy… nhằm loại bỏ tác nhân độc hại là lũ vi khuẩn. Khi tay bạn chạm phải vật nóng, phản xạ tự nhiên là co tay lại để tránh xa. Khi bị đau do tổn thương, cơ thể tiết ra một chất gọi là morphin nội sinh có tác dụng giảm đau ngay tức thì. Nếu bị mất máu, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách co mạch máu nhỏ lại để hạn chế chảy máu... Nhưng đôi khi, phản ứng mạnh mẽ, rầm rộ, ngay lập tức lại trở thành phản ứng có hại, điển hình là hiện tượng sốc phản vệ bởi diễn tiến rầm rộ, ngay tức thì ở nhiều cơ quan gây tổn hại nghiêm trọng và nguy cơ tử vong rất cao do thiếu oxy não không hồi phục.
Nguyên nhân không chỉ do dùng thuốc
Nói đến sốc phản vệ, chúng ta thường hay nghĩ đến sốc do thuốc. Điều này không hoàn toàn đúng, vì ngoài thuốc, có rất nhiều chất có thể gây phản ứng dị ứng mà biểu hiện nặng nề nhất là sốc phản vệ. Ví dụ: găng tay y tế, nhựa latex, trái cây, thịt bò, sữa đậu nành, nọc ong... Không chỉ có thuốc kháng sinh mới gây sốc, nhiều loại thuốc khác, thậm chí rất “lành” như các loại vitamin cũng có nguy cơ tương tự.
Cũng cần kể đến các thuốc hay dùng trong bệnh viện như: vắcxin, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc cản quang, thuốc giãn cơ, dịch truyền (hay gọi là nước biển), dịch nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch... Thậm chí, ngay cả thuốc dùng chống sốc cũng có thể gây sốc phản vệ. Vì vậy, phải thận trọng nếu bạn có thói quen tự mua thuốc về dùng hay sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, dùng thuốc theo quảng cáo cũng là một nguy cơ phải phòng tránh.
Sốc phản vệ là phản ứng quá mức của cơ thể
Nguy cơ tiềm ẩn, hậu quả khó lường
Phản ứng dị ứng không trừ một ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, ngay trong bệnh viện hay bất kỳ nơi nào khác. Cũng giống như người tham gia giao thông vậy, cho dù bạn di chuyển bằng máy bay hay đi bộ, thời tiết tốt hay xấu, ban ngày hay ban đêm thì yếu tố nguy cơ luôn luôn thường trực.
Biểu hiện của phản ứng dị ứng rất đa dạng: đỏ da, nổi mề đay, ho, sưng phù mắt, phù miệng, khó thở, mệt mỏi... đến suy hô hấp thậm chí ngưng tim. Đôi khi, tử vong là khó tránh khỏi. Phản ứng dị ứng có khi xảy ra ngay tức thì hoặc có thể xảy ra muộn hơn sau một vài giờ tiếp xúc với chất lạ, đôi khi nó chỉ có thể xảy ra ở các lần tiếp xúc sau. Biểu hiện của phản ứng dị ứng có thể ở một cơ quan, nhưng đôi khi biểu hiện ở nhiều cơ quan cùng lúc, có thể quy thành hội chứng được ghi nhận trong y văn thế giới như hội chứng Steven – Johnson hoặc hội chứng Lyell...
Cấp cứu sốc phản vệ phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ con người và dụng cụ hỗ trợ, trong đó không thể thiếu bác sĩ và hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử dị ứng thì hãy nói với bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần biết cách nhận diện các dấu hiệu sớm về dị ứng như đã nêu và nói với bác sĩ ngay khi chúng mới xuất hiện. Sốc phản vệ có thể xảy ra sớm, đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1 – 2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống.
Chúng ta nên chủ động tự bảo vệ bằng cách tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc hoặc khi thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào sau khi cơ thể tiếp xúc với vật lạ, thức ăn lạ, thuốc hay côn trùng, vật nuôi... kể cả khi bạn đang được chăm sóc trong các cơ sở y tế như phòng mạch, phòng khám, bệnh viện.
Theo BS.CK1 Bùi Hạnh Tâm (Sài Gòn tiếp thị)