Dễ như mua “máy diệt cá”
Chỉ cần gõ cụm từ “máy kích điện”, lập tức hiện ra vô số trang web kinh doanh loại máy này. Click vào trang web có tên maykichca.xxx, PV không khỏi ngạc nhiên khi trang này rao bán công khai rất nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm ngàn cho tới cả chục triệu đồng, tùy theo công năng của máy. Phần lớn các loại máy này đều in chữ Trung Quốc chằng chịt.
Liên lạc qua đường dây chăm sóc khách hàng ghi trên trang web, PV được người đàn ông tên M. (tự xưng là chủ trang web) cho biết máy kích điện có nhiều loại, nhiều mức giá. Khi PV nói muốn mua loại máy có công suất lớn để đi biển, M. bảo loại máy đó hơi đắt, giá từ 7 triệu đồng trở lên.
Theo ông M., máy kích điện của ông có tầm ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 1 mét và thể bắt được cá từ 15 đến 20kg. Máy này do Trung Quốc sản xuất. M. cho biết mình thường xuyên sử dụng máy kích điện vì nó “rất an toàn”.
Khi PV nói sản phẩm này bị cấm sử dụng, M. động viên: “Anh cứ yên tâm đi, chả ai bắt anh vì chở máy kích điện cả. Cơ quan chức năng chỉ “sờ tới” khi anh mang máy ra biển hoặc ra sông hồ sử dụng để đánh bắt cá thôi. Em đảm bảo và chịu trách nhiệm giao hàng đến tận tay anh”.
Thấy PV tỏ ý lo ngại về sự an toàn của loại máy kích điện này, ông M. nhiệt tình mời PV tới “trụ sở” của ông ta tại Cầu Cư, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) để thử hàng. M. không quên dặn PV: “Nếu anh mua hàng thì phải đặt trước 4 ngày vì mặt hàng này đang “cháy” ở bên Trung Quốc. Anh chuyển qua tài khoản cho em trước 600.000 đồng gọi là tiền đặt cọc, khi nào nhận được hàng thì thanh toán nốt”.
Rao bán công khai…
Để tìm hiểu sâu hơn về thị trường máy kích điện online, PV không khỏi ngạc nhiên khi biết ngay cả trang web thương mại điện tử có tên Sxxx cũng rao bán loại máy này.
Theo quan sát của PV, không những rao bán công khai máy kích điện, trang thương mại điện tử này còn quảng cáo rầm rộ về mục đích sử dụng của máy kích điện. Máy nào cũng có hình ảnh mô tả hình dáng, cấu tạo, cách sử dụng…
Sau khi liên hệ với kho hàng có tên công ty TNHH dịch vụ Thống Nhất có địa chỉ tại 92/5C Nguyễn Thị Thành, Tam Đông 3, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP.HCM, PV được 1 người đàn ông xác nhận máy kích diện mà công ty đang bán có xuất xứ từ Trung Quốc.
Về cách sử dụng, người này hướng dẫn PV: “Anh mua máy về rồi kiếm 2 thanh tre hoặc cây trúc nối vào 2 đầu dây của máy rồi gí xuống nước. Máy này dùng ắc quy, khi nào hết điện thì thay. Nếu anh muốn máy vừa kích được cá vừa sạc được ắc quy thì phải chế lại”.
Theo nam nhân viên trên, loại máy kích điện này có khả năng kích điện rất cao, điện áp có thể lên tới 500, 600V. Với mức độ đó, loại cá nào cũng có thể bị “ngất ngay tại trận”!
PV tiếp tục gọi điện cho một kho hàng nữa tại TP.HCM. Nghe máy là một giọng nữ. Khi biết PV ở ngoài Bắc, chị này nói: “Anh đặt hàng ở trên Sxxx hả, nếu thế thì anh vô cái mục giao hàng nhanh để đặt”.
Khi biết PV lo ngại về việc mua loại máy bị cấm này, người phụ nữ nọ cười nói: “Trên Sxxx đăng và bán công khai mà. Em đã giao mấy cái cho khách ở ngoài Bắc rồi. Khi nào anh đi kích cá mà bị phát hiện thì mới bị xử lý”!??
Tận diệt thủy hải sản
Sẽ không có gì để nói nếu máy kích điện được sử dụng vào mục đích dân sinh theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã coi loại máy này là phương tiện phổ biến dùng để đánh bắt thủy hải sản. Thậm chí việc quảng cáo, rao bán máy kích điện để đánh cá diễn ra công khai trên các trang web và các trang thương mại điện tử. Chỉ cần đặt hàng trên mạng, khách có thể nhận hàng ở tận…cửa nhà.
Theo tìm hiểu của PV, trong những lời quảng có về loại mặt hàng này, hầu hết các trang đều không nói gì về việc sử dụng máy này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường, thậm chí là tính mạng của con người khi sử dụng vào mục đích đánh cá.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Phó Chánh văn phòng cục Quản lí thị trường (bộ Công Thương) cho biết, cần phải xem trang kinh doanh thương mại điện tử đó có phép hay không phép, từ đó mới kết luận được trang đó bán hàng có hợp pháp hay không.
“Nếu là trang thương mại điện tử hợp pháp thì phải chịu trách nhiệm về các loại hàng hóa có đăng bán trên đó. Nếu trang thương mại điện tử không dám trách nhiệm về mặt hàng mà mình bán ra thì đó hàng lậu. Lúc đó quản lí thị trường sẽ vào cuộc xử lý”, vị Phó Chánh văn phòng phân tích
Đại diện cục Quản lí thị trường cho biết thêm, sau khi tiếp nhận thông tin của báo chí về việc mua bán máy kích điện để đánh cá, đơn vị sẽ báo cáo lãnh đạo Cục và phân công các phòng chức năng kiểm tra, rà soát.
Nghiêm cấm sử dụng xung điện để khai thác thủy hải sản
Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là hành vi mang tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt. Theo tính toán của các chuyên gia, để đánh bắt được một con cá bằng xung điện sẽ giết chết 200 con (loài) khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra... thậm chí gây ra cái chết thương tâm cho những người sử dụng loại công cụ này. Do đó, từ năm 1998, Chính phủ đã nghiêm cấm việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản dưới mọi hình thức.
Có thể bị phạt tới 3 năm tù
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện và từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản. Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hành vi sử dụng dòng điện để đánh bắt thủy sản mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến