Khi kẻ xấu lợi dụng tập tục
Trong quan niệm sống của người dân tộc Mông nơi đây, Giàng là đấng linh thiêng nhất, là nơi cứu cánh cho tất cả mọi lỗi lầm và đau khổ. Mỗi khi có người phụ nữ đi khỏi nhà và không có tin tức gì, người trong gia đình lại có một thói quen an ủi cố hữu. Họ cho rằng, người thân của mình đi giúp việc cho Giàng một thời gian rồi sẽ trở về.
Câu chuyện được chúng tôi ghi nhận tại xã Nậm Có. Anh Lý Chu Lầu, có vợ là Giàng Thị Dính bỏ nhà đi từ tháng 12/2012, đến nay chưa có tin tức gì vẫn khăng khăng tin rằng vợ mình chỉ đi "dạo chơi đâu đó một thời gian nữa sẽ về". Thậm chí, anh thường xuyên an ủi các con của mình và nói với mọi người xung quanh rằng vợ mình được Giàng ưu ái gọi đi "giúp việc" lớn. Tuy nhiên, đến khi có cán bộ đến bản, vào tận nhà vận động mãi, anh Lầu mới chịu để tên vợ mình được ghi vào danh sách bỏ nhà đi khỏi địa phương không có lý do và chưa trở về.
Những người phụ nữ Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thường xuyên đi khỏi bản không có lý do và không hẹn ngày về.
Có một điều mà chính người bản không thể lý giải nổi là vì sao, những đối tượng lạ mặt có thể biết được hầu hết các số điện thoại của những cô gái trẻ tuổi hay cả điện thoại của những người phụ nữ lớn tuổi cũng bị kẻ lạ mặt kiểm soát. Qua những cuộc điện thoại này, người phụ nữ bị rủ rê, và thường có những lời hứa hẹn về một cuộc sống sung túc hay những công việc nhàn hạ, kiếm nhiều tiền. Nhưng sau khi họ đi thì không thấy quay trở về địa phương nữa.
Chị Sa Thị Ngần, Phó chủ tịch hội Phụ nữ huyện cho biết: Người Mông vùng cao Mù Cang Chải vẫn còn gìn giữ tục bắt vợ đã tồn tại từ lâu đời. Chính từ nét văn hóa đặc biệt này, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để đem lời dụ dỗ những người phụ nữ. Phần lớn trong số này là con gái chưa có chồng. Theo đó, tục bắt vợ là cơ hội cho những người con trai, con gái có thể tự do tìm hiểu nhau qua những lễ hội hay những ngày tết, thậm chí cả những ngày bình thường. Người con gái có thể bị người con trai kéo về nhà mình một vài tuần, thậm chí một vài tháng, ăn ở với nhau và nếu hợp nhau, muốn đi đến xây dựng hạnh phúc với nhau thì sau đó người con trai sẽ dẫn người con gái về nhà đẻ, xin phép gia đình và chuẩn bị các thủ tục cho lễ cưới hỏi chính thức.
Chính từ tập tục này, nhiều gia đình khi có con gái "mất tích" trong một thời gian dài đã không mảy may suy nghĩ đến việc mất tích và tìm kiếm. Họ nghĩ đơn giản con họ đã được ai đó hợp, ưng nên kéo về nhà làm vợ. Thậm chí có gia đình còn cảm thấy vui với suy nghĩ đó. Họ tin con gái họ đã tìm được chốn nương thân gửi phận và cảm thấy an lòng chờ đợi một ngày chàng rể mới xuất hiện.
Bà Sa Thị Ngần - PCT hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải.
Người về nức nở
Khó xác định lý do người phụ nữ rời bản Phó Chủ tịch hội phụ nữ huyện Mù Cang Chải, bà Sa Thị Ngần cho biết: "Huyện vẫn ghi nhận tồn tại hiện tượng phụ nữ Mông bỏ nhà đi, nhưng việc ra đi đó có đúng là bị buôn bán ra nước ngoài hay không thì chỉ chờ đợi phía công an điều tra mới biết. Chúng tôi chỉ biết vận động, tuyên truyền chị em phụ nữ tránh lời rủ rê của người lạ, hạn chế tối đa việc chị em bỏ đi". |
Giàng Thị Dé, 16 tuổi, người xã Dế Xu Phình kể lại câu chuyện suýt sa vào động quỷ của mình bằng giọng thổn thức và còn nguyên sự sợ hãi. Dé tâm sự, hôm đó, Dé đi chăn trâu ở xa bản thì thấy chuông điện thoại hiện lên số lạ. Phía đầu dây bên kia là một giọng nói trầm ấm, thể hiện sự chững chạc của người đàn ông đã có tuổi. Người đầu dây bên kia trò chuyện hỏi thăm Dé rất thân tình nhưng không cho biết tên họ và địa chỉ ở đâu. Dé chỉ biết đó là người đàn ông đã có vợ, lớn tuổi và nói tiếng Mông rất tốt, nhưng không chắc đã là người dân tộc Mông trong cảm nhận. Sau buổi hôm đó, Dé về nhà có gọi điện lại cho số điện thoại kia vì tò mò và cảm thấy nhớ nhớ, nhưng rất tiếc số điện thoại đó đã không liên lạc được.
Sau mấy ngày bặt tin, vào một buổi chiều khác, khi Dé đang đi chợ huyện chơi lại tiếp tục nhận một cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhưng vẫn là giọng của người đàn ông hôm trước. Lần này, người đàn ông đó ngỏ lời rủ Dé đi chơi, nhưng Dé đã từ chối vì còn hơi sợ. Dé nói về nhà hỏi ý kiến bố mẹ rồi mới đi chơi nhưng người đàn ông nói tuyệt đối không được cho bố mẹ biết cuộc trò chuyện giữa hai người vì bố mẹ sẽ cấm đoán và không có cơ hội nói chuyện với nhau nữa.
Lần thứ ba, đúng hôm Dé bị cha mẹ mắng vì chuyện nấu hỏng một nồi cơm nếp cho cả nhà ăn đi nương dài ngày thì "người a lô" (người đàn ông chưa hề gặp mặt - PV) lại gọi điện. Biết Dé đang buồn và cần người tâm sự, người đàn ông đã chủ động rủ Dé đi đến một nơi chỉ có niềm vui và không bao giờ bị ai mắng. Người đàn ông hẹn gặp Dé ở địa điểm thuộc tỉnh Lai Châu và bảo Dé bắt xe ô tô sang đó sẽ có người đón. Vì chưa đi đâu bao giờ nên Dé không hề biết địa điểm "người a lô" hẹn em là đường biên giới sang Trung Quốc. Dé lẳng lặng bỏ nhà đi, thậm chí không mang theo dù chỉ là bộ quần áo để thay đổi vì "người a lô" nói với Dé sẽ cung cấp đầy đủ tư trang cá nhân "xịn" cho Dé dùng.
Hai ngày, Dé lặn lội tìm hỏi đường đến nơi "hò hẹn". Khi sử dụng hết những đồng tiền cuối cùng trong túi, Dé phải đi bộ men theo đường rừng núi. Đôi chân tứa máu vì lội suối băng rừng, người đã gầy rộc đi, mệt mỏi nhưng nghĩ đến một "thiên đường" đang chờ đợi mình ở phía trước, Dé lại dồn hết sức cố gắng đi đến đích cuối cùng của lời hẹn.
Tuy nhiên, vào cái lúc quyết định sinh tử, Dé như bừng tỉnh sau cơn u mê dài ngày. Dé kể lại: "Khi đến gần cửa khẩu, người đàn ông gọi điện nói đi qua bên kia sông theo đường mòn sẽ có người đón và không được để cho ai nhìn thấy. Nhưng hình ảnh một người phụ nữ khác đang trở về từ chiếc xuồng nhỏ được các anh bộ đội biên phòng đưa về đã khiến Dé giật mình nghĩ đến những cuộc buôn bán người mà lâu nay thi thoảng đi chợ huyện, Dé có nghe đám thanh niên hay đọc báo nghe đài ngoài thị trấn đồn thổi.
Không còn nghĩ đến bất cứ điều gì, Dé chạy đến chỗ những người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ và kể lại đứt đoạn câu chuyện của mình. Được giải cứu trở về, Dé mới biết mình vừa thoát khỏi con đường dẫn đến tử thần mà người ta gọi là nạn buôn bán người qua biên giới. Và cũng lúc đó, Dé mới biết mình đã may mắn đi lạc đường đến "cửa khẩu", chứ không phải con đường mòn mà "người a lô" chỉ dẫn...
Dương Thu - Phạm Hạnh