Nhà văn tập trung khai thác hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân trên cả hai phương diện: con người cần mẫn, hết lòng vì công việc, vì cuộc sống bình yên của người dân và con người của những mưu mô toan tính đậm chất đời thường.
Tuyến nhân vật thứ hai có thể tạm coi là mặt trái, đó là tính vun vén cá nhân, toan tính vị kỷ, tiêu biểu là Chuẩn úy Thứ, Trung úy Liễn. Lý sự của Thứ có vẻ rất “đắc địa”: Nhà nước trả lương không đủ ăn, phải tự xoay xỏa thêm, chẳng qua tự lo để mà sống mà làm việc cho Nhà nước. Quan niệm sống của Thứ là: “Thanh niên cần một cách sống đàng hoàng có cuộc sống tạm đủ đầy… Lính lát không có đặc ân đặc sủng, vì vậy suốt ngày phải loay hoay tìm cách xoay xoay”. Với cái ngành rất “gần dân” là Cảnh sát khu vực, anh tìm đủ cách để tranh thủ những nhà buôn bán trong khu phố. Do linh lợi, năng động, Thứ xin thêm được chân giữ xe ngoài giờ hành chính ở bãi giữ xe của phường.
Cuộc sống của Thứ có thể coi là tạm đủ cho sinh hoạt gia đình. Người dân trong khu phố mến và thích gần Thứ cũng bởi cái tính năng động của anh ta. Trong khi đó, Năm Liễn là một tính cách hoàn toàn khác. Anh ta nổi tiếng là quan cách, khó gần dân. Theo nhận xét của cô giáo Thy thì “anh ta đúng là con người không ngay thật”. Anh luôn lo cho tổ hợp kinh doanh của vợ nhiều hơn là công việc của phường. Không những không ủng hộ, Liễn đố kỵ ganh ghét với những việc làm giúp ích cho dân của Thiếu úy Kỳ.
Cuốn tiểu thuyết “Sống để đời yêu” của nhà văn Phùng Thiên Tân.
Trong giai đoạn mới thống nhất đất nước, sắp đặt lại trật tự xã hội, cuộc sống còn nhiều rối ren, phức tạp tất yếu sẽ kéo theo những quan niệm sống sai lệch. Người chiến sỹ Công an nhân dân có trách nhiệm sắp đặt lại những sai lệch ấy. Nhà văn Phùng Thiên Tân tập trung xây dựng hình tượng Thiếu úy Kỳ, có thể coi đây là hình mẫu lý tưởng của người Công an: tận tụy với công tác, tận tâm với nhân dân. Trong bối cảnh phường Đường Rầy đầy những cái xấu xa, giữa những đồng chí luôn mang những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, con người Kỳ gần như miễn nhiễm với môi trường. Anh gần quần chúng, giúp những đứa trẻ thường sống bằng nghề trộm cắp vặt trở nên lương thiện hơn; anh vận động bà con khu phố ủng hộ tiền giúp đỡ mẹ con chị Trinh; anh cùng với cô giáo Thy mở lớp dạy văn hóa cho lũ trẻ bụi đời; anh luôn là tấm gương sáng để những đồng đội học tập. “Mình là đảng viên phải thông cảm với hiện trạng khó khăn của đất nước. Đảng kêu gọi mình hy sinh bằng xương máu, mình còn sẵn sàng. Nhẽ nào bây giờ Đảng chỉ yêu cầu mình thắt lưng buộc bụng để xây dựng lại đất nước mà mình nỡ chối từ”.
Trong mắt người đọc, Kỳ là nhân vật lý tưởng nhưng “lạc điệu” giữa cuộc đời. Cuốn tiểu thuyết kết lại bằng cái chết của Kỳ và tiếng gào thét thảm thiết của chị Trinh là một tấn bi kịch nhưng đúng với logic trong tác phẩm. “Anh nhìn đời giản đơn quá và dễ tin người quá. Căn bệnh của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng trong chiến tranh thành mãn tính trong anh rồi”. Kỳ là người bước ra từ chiến tranh, việc hòa nhập vào cuộc sống hòa bình không phải dễ. Nỗ lực cải tạo khu phố của anh rất lớn, đáng ghi nhận. Đó là những việc làm cao cả gắn với trách nhiệm của người Cảnh sát khu vực.
Tiểu thuyết Sống để đời yêu mang thông điệp sâu sắc, đậm chất triết học: Con người phải sống cho tròn bổn phận của mình. Nó tương tự như thuyết Chính Danh của Nho giáo, đại để trong xã hội ai cũng có địa vị, bổn phận của người ấy, ai ở vị trí nào cũng phải làm tròn bổn phận của mình ở cương vị đó.
Theo quan niệm của nhân vật Kỳ, “mỗi người hãy làm tròn bổn phận của mình đi thì xã hội chúng ta sẽ khá lên, kỷ cương nề nếp, an ninh đảm bảo, kinh tế cường thịnh”. Theo đó, anh luôn luôn muốn thực hiện và hoàn thành tốt bổn phận của mình. Với người Cảnh sát khu vực, bổn phận ấy không chỉ là giữ bình yên cho khu dân cư mình quản lý mà còn phải chăm lo cho hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Ngay trong quan điểm sống (mà Kỳ tự cho là thực dụng) của mình, anh cũng gắn bổn phận vào lẽ sống: “Quyền lợi chính là sự thực hiện được mục đích. Mục đích là làm tròn bổn phận của mình. Tôi vui hay tôi buồn, tôi sung sướng hay tôi ân hận là với cái cụ thể mà tôi đã làm, chứ không phải với cái mà người ta nói cho tôi, nói về tôi”.
Bất chấp việc mỗi khi say rượu, chị Trinh vẫn thường đến trụ sở Công an phường chửi bới, thậm chí còn đánh anh bị thương, anh vẫn quan tâm, lo lắng cho cuộc sống của 8 miệng ăn trong nhà chị. Kỳ vận động bà con quyên góp ủng hộ gia đình chị Trinh, khuyên thằng Hòa, thằng Hiệp trở lại cuộc sống lương thiện, tạo cho mẹ con chị có việc làm… Và như vậy, tiếng gào thét như điên dại trước cái chết của Kỳ phát ra ở cuối tác phẩm đem tới nhiều thông điệp. Với người Công an, họ thầm lặng cống hiến và thầm lặng hy sinh, thậm chí cả tính mạng của mình.
Tính chất luận đề trong tác phẩm thể hiện ở chỗ nhà văn không hề giấu giếm ý định của mình, trực tiếp nêu vấn đề và luận nó. Cái nhìn, tính tư tưởng bộc lộ trực tiếp trên trang giấy. Mọi tình tiết đưa ra đều mang tính sắp đặt, phục vụ cho mục đích “luận” của tác giả. Vấn đề của độc giả là sự lựa chọn…
Và cũng cần phải nói thêm rằng, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Phùng Thiên Tân được hoàn thành vào thời điểm khá “nhạy cảm” - Một nghìn chín trăm tám sáu.
Thụy Nguyên (Theo Công an Nhân dân)