Cái đói quẩn quanh trong nếp nhà người Việt ở nhiều nơi, đâu cũng có. Ta cũng góp một phần trách nhiệm vì chính sự tiêu thụ thiếu chánh niệm, đã nhiều lần sử dụng những hàng xa xỉ, thừa mứa của mình...
Không những mình không phá rừng mà mình còn trồng cây xanh. Không những biết tắt đèn ở những chỗ không cần thiết mà còn nêu gương, dạy cho con cái mình biết tiết kiệm điện, đừng xài hoang phí, đừng xả rác. Không chỉ không sử dụng túi nilông khi có thể mà còn biết bỏ rác đúng nơi quy định… Một vài gợi ý như thế để rồi tiếp tục suy nghiệm về hành trình “sống thiện” bằng cách sống xanh mà mỗi người chúng ta (nhất là Phật tử) nhằm góp tay vào chăm sóc, cải tạo đất mẹ, hành tinh, bầu khí quyển của mình trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.
Chưa bao giờ vấn đề môi trường trở thành đề tài được nhắc đến nhiều như hiện nay vì những diễn biến về khí hậu, đất đai, không khí… đã thực sự tác động tới toàn cầu, với những “cảnh báo” về sự bất thường có thật, đã, đang gây cho con người những thiệt hại khôn lường về tính mạng, tài sản.
Ở châu Âu lạnh bất thường, ở Ấn Độ nắng nóng gây chết trên 500 người, hay ở Trung Quốc bão lũ, động đất thường xuyên những năm gần đây gây hoang mang cho người dân… Những “chỉ số” từ sự bất thường của tự nhiên ấy chính là kết quả của một quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà con người tập trung sức vóc, công nghệ vào khai thác, bào mòn, tận diệt thiên nhiên từ rừng cây, muôn thú đến khoáng sản, nhiên liệu trong lòng đất, dưới lòng đại dương mênh mông xanh thẳm…
Khi xã hội đã thừa mứa hàng hóa, tiền và và vật phẩm khác quá xa xỉ trong lối sống hàng ngày (tất nhiên, tập trung ở một số ít người) thì Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn thực phẩm, tương đương 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu, trong khi cứ bảy người có một người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Đó là một con số có thể làm lay động lòng người và làm cho ai suy nghĩ mà xót xa, giật mình vì sự tiêu thụ thiếu kiềm chế (do lòng tham) và từ một lối sống thiếu tiết kiệm vốn là nguyên nhân dẫn tới nghèo đói, bệnh tật của mình?
Không đâu xa, cái đói vẫn quẩn quanh trong nếp nhà người Việt ở nhiều nơi, đâu cũng có. Ta cũng góp một phần trách nhiệm vì chính sự tiêu thụ thiếu chánh niệm, đã nhiều lần sử dụng những hàng xa xỉ, thừa mứa của mình... Theo FAO, lãng phí thực phẩm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là 630 triệu tấn trên mỗi năm!
Những con số ấy không phải là khô khan mà nó là những con số biết nói, ít nhiều khơi gợi lòng trắc ẩn và để cho chúng ta có thể nhìn lại mình trong vai trò của người con Phật, học hạnh Đức Thế Tôn, luôn nằm lòng hai chữ “từ bi” để từ đó, có thể nghĩ về một lối sống xanh, thêm vào trong gạch đầu dòng của những tiêu chí tu tập hàng ngày để bảo hộ thân-tâm mình theo hướng “xanh hóa”. Bắt đầu bằng việc ăn chay (có thể là đã ăn rồi thì tăng số ngày lên), giảm tiêu thụ điện năng, xăng dầu nếu thấy không cần thiết, sử dụng túi nilông hợp lý và có cách xử lý phù hợp. Trong những lễ lạc hay tiệc tùng, đi ăn bên ngoài thì ý thức gắp đồ ăn, gọi thức uống cũng luôn biết tiết chế và không ngừng quán niệm về “một nơi nào đó họ đang đói, đang khát” để sử dụng cho hợp lý, không hoang phí.
Chủ đề cho Ngày môi trường thế giới 5-6 năm 2013 thuộc chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think. Eat. Save). Thiết nghĩ, chủ đề này phù hợp với sự quán niệm trong năm phép quán của nhà Phật trong mỗi bữa ăn.
Lòng biết ơn người lao tác cũng như nguyện ăn thức ăn trong chánh niệm, tỉnh thức sẽ giúp mình ăn rất có chất lượng, tránh ham vui mà thừa mứa, mà ăn quá nhiều rồi lãng phí trong chính sự dư thừa năng lượng dẫn tới béo phì hoặc bệnh tật. Nghĩ thế để thấy việc ăn cũng là việc tu chứ không phải đơn thuần chỉ là no, là nuôi thân. Việc quán niệm trong khi ăn hay nghĩ tới việc tiêu thụ thực phẩm và các dạng tiêu thụ khác (gồm đoàn thực và xúc thực) để còn biết thương đồng loại, chúng sinh đang đói, đang khổ chính là một cách tiếp xúc bằng tâm, giúp mình sống tử tế không chỉ với môi trường sống, với đồng loại, chúng sinh mà còn với chính mình.
Theo Giác ngộ Online