Theo Guardian, cuộc khủng hoảng mà chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang phải đối mặt một phần do Covid-19 chặn đứng nguồn thu từ ngành du lịch. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, hơn 200.000 người mất kế sinh nhai trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Đất nước này cũng mất đi nguồn thu nước ngoài quan trọng từ du lịch, vốn thường đóng góp hơn 10% GDP.
Bên cạnh đó, chi tiêu của chính phủ ở mức cao, thất thu do giảm thuế, các khoản trả nợ lớn cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ cũng góp phần vào tình trạng hiện nay. Trong khi đó, việc chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài đã khiến lạm phát leo thang.
Vào tháng 10/2021, Ngân hàng Thế giới ước tính hơn 500.000 người ở Sri Lanka rơi vào đói nghèo do Covid-19, tương đương bước lùi 5 năm của chương trình xóa nghèo.
Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021 và giá cả hàng hóa tăng chóng mặt đã khiến nhiều người khá giả trước đây giờ phải vật lộn để nuôi sống gia đình, trong khi nhiều người khác không mua nổi những món hàng phục vụ nhu cầu cơ bản.
Dù Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế, triển khai quân đội để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu - bao gồm gạo và đường - được bán theo giá chính phủ ấn định nhưng tình hình vẫn rất khó khăn.
"Rất khó để tôi trả nợ khi còn phải trả hóa đơn điện, nước và mua đồ ăn. Tôi chẳng còn đồng nào cả", tờ Guardian dẫn lời anh Anurudda Paranagama, một tài xế ở Thủ đô Colombo.
Anh cho biết anh đã phải làm 2 việc nhưng gia đình vẫn phải giảm từ ăn 3 bữa xuống còn 2 bữa mỗi ngày. Tại khu anh ở, các chủ tiệm tạp hóa phải phân gói sữa bột 1kg thành các bịch nhỏ 100g vì khách không đủ tiền mua cả gói.
Anh Anushka Shanuka, một người có mức sống thoải mái trước đại dịch, cũng than thở rằng tình hình trở nên khó khăn hơn. "Chúng tôi không thể sống như trước đại dịch", anh nói về việc giá rau củ đã tăng hơn 50%.
Tình hình trở nên tồi tệ đến mức nhiều người dân đang tìm cách ra nước ngoài, chủ yếu là người trẻ và có học thức. Đối với những công dân lớn tuổi hơn, tình trạng hiện tại gợi nhớ đến đầu những năm 1970, khi sản lượng hàng hóa thấp trong nước cùng với việc kiểm soát nhập khẩu gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cơ bản. Người dân khi đó đã phải xếp hàng dài để mua bánh mì, sữa và gạo.
Trong khi đó, quyết định đột ngột của Tổng thống Rajapaksa hồi tháng 5 về việc cấm phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, buộc nông dân sử dụng sản phẩm hữu cơ, đã khiến ngành nông nghiệp - vốn rất thịnh vượng trước đây - phải điêu đứng.
Nhiều nông dân quen sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không kịp xoay xở để tìm ra phương pháp thay thế. Nhiều người thậm chí đã bỏ nghề. Các yếu tố này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở Sri Lanka.
Đến cuối tháng 10/2021, chính phủ đã phải “quay đầu”, nông dân đang vật lộn để trang trải chi phí cao cho phân bón nhập khẩu mà không có sự trợ giúp. “Chi phí trồng lúa đã tăng lên một cách chóng mặt. Chính phủ không có tiền để trợ cấp phân bón. Nhiều người trong chúng tôi không muốn đầu tư vì không biết có lời hay không”, Ranjit Hulugalle, một nông dân, cho biết.
Nhằm giảm bớt tình trạng khó khăn, chính phủ đã đưa ra các biện pháp cứu trợ tạm thời, chẳng hạn như các khoản tín dụng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu từ Ấn Độ; hoán đổi tiền tệ từ Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh; hay các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman. Tuy nhiên, các khoản vay này mang tính ngắn hạn và phải được hoàn trả nhanh chóng với lãi suất cao, làm tăng thêm gánh nặng nợ của Sri Lanka.
“Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và vượt quá khả năng giải quyết, không thể tránh khỏi việc đất nước sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính. Cả hai đều sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, khi mà sản lượng hàng hóa giảm và không thể nhập khẩu do khan hiếm ngoại hối. Vào thời điểm đó, đây sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương WA Wijewardena cảnh báo.
Chồng lên những điều đó là khoản nợ khổng lồ mà Sri Lanka đang mang. Nước này đang nợ Trung Quốc 5 tỷ USD và năm ngoái phải vay thêm 1 tỷ USD để đối phó với khủng hoảng tài chính. Trong 12 tháng tới, Sri Lanka sẽ phải trả khoản nợ đáo hạn lên đến 7,3 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của nước này hiện còn khoảng 1,6 tỷ USD.
"Đất nước này sẽ hoàn toàn vỡ nợ", ông Harsha de Silva, một chính trị gia đối lập và nhà kinh tế của Sri Lanka, cảnh báo.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Zing)