STEAM tận dụng lợi ích của STEM nhưng thông qua nghệ thuật để đưa STEM lên một tầm cao mới giúp ngay cả trẻ lứa tuổi mầm non cũng có thể tiếp cận và phát triển toàn diện.
STEAM và STEM
STEM là:
Science (Khoa học)
Technology (Công nghệ)
Engineering (Kỹ thuật)
Math (Toán học)
Mô hình giáo dục STEM là quá trình tích hợp kiến thức giữa các môn khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ, qua đó xây dựng cho học sinh các kỹ năng được kết hợp hài hòa từ kiến thức của các bộ môn nói trên để sử dụng khi làm việc trong thế giới công nghệ ngày nay.
Đồng thời STEM trang bị cho người học những kỹ năng về tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc theo nhóm; khả năng tư duy chiến lược và định hướng mục tiêu; kỹ năng quản lý thời gian, nhằm chuẩn bị cho học sinh những tri thức thiết yếu nhất của thế kỉ 21, những kỹ năng có thể giúp tăng đáng kể ưu thế cạnh tranh của lao động ở mỗi quốc gia.
Học sinh ở các cấp tiểu học và THPT trong các chương trình STEM có thể có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm nhưng chúng chỉ giới hạn ở khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Nền kinh tế của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn chỉ hiểu biết về những lĩnh vực này, bởi cần sự áp dụng, sáng tạo và thông minh. Vì thế, yếu tố nghệ thuật (Arts) cần thiết để bổ sung và đưa vào mô hình giáo dục mới này. STEM vì thế đã dần chuyển thành STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học).
STEAM với trẻ mầm non
Con đường tới STEAM vô cùng thú vị. Quan sát một đứa trẻ khi được trải nghiệm thực làm cùng STEAM sẽ thấy chúng tập trung, say sưa, trí tưởng tượng được sáng tỏ, trí tò mò được thỏa mãn và hơn hết tình yêu, niềm đam mê với khoa học và công nghệ được nảy sinh. Tuy nhiên cũng có thể khó khăn nếu các nhà giáo dục bao gồm cả cha mẹ không thực sự hiểu rõ về STEAM và quan trọng hơn là hiểu về cách học của chính những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non để có cách hỗ trợ trẻ tốt nhất. Cha mẹ có thể tìm thấy rất nhiều các hoạt động STEAM trên mạng Internet, qua sách báo... nhưng tổ chức các hoạt động này như thế nào cho hiệu quả với trẻ mầm non thì có lẽ còn cần nhiều lời giải đáp.
Một số gợi ý trong việc tổ chức cho trẻ chơi, học, thực làm cùng STEAM như sau:
Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những lời nói suông, giảng giải mà chúng học qua chính những trải nghiệm - thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Vì thế, khi cho trẻ quan sát và thực hiện một thí nghiệm khoa học, hãy chỉ tập trung vào việc đặt câu hỏi để trẻ tự nói ra những thay đổi, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy. Tránh giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học mà hãy tập trung vào việc giúp trẻ phát hiện những thay đổi, những diễn biến của hiện tượng. Với các nguyên lý khoa học phức tạp trẻ sẽ tiếp tục được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.
Lưu ý khi đặt các câu hỏi cho trẻ nên là sử dụng những câu hỏi ở dạng “mở” để trẻ có thể trả lời được, tránh những câu hỏi mà trẻ chỉ là lời “có” hoặc “không”. Ví dụ: Không hỏi những câu như “Đây có phải là viên kẹo bị loang màu không?”, “Quả cam này tròn à?”, “Xe ô tô này chạy được vì cái bánh xe đúng không?”.
Nên hỏi những câu hỏi giúp trẻ huy động vốn kinh nghiệm, hiểu biết như “Con gì đây?”, “Con biết gì về quả cam”, “Con có thể kể cho mẹ nghe con đã xếp ngôi nhà này như thế nào không?”... hay các câu hỏi kích thích trẻ tìm hiểu, thử nghiệm như: “Tại sao con không thử làm xem?”... hay khuyến khích trẻ suy luận, phán đoán, như “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho một ít giấm vào cốc bột nở (baking soda) này nhỉ?”... hay khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ kiểu “Con có thấy đĩa kẹo bây giờ giống với thứ gì đó mà con đã biết không?”.
Tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ những kiến thức đã tìm hiểu với những người xung quanh, đây là cách để trẻ “tự hào” về những điều mình “phát kiến”.
Linh Nhi