Nhiều vụ ngộ độc do xyanua
Ngày 6/7, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh viện này đang điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc xyanua. Trước đó, ngày 22/6, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Qua xét nghiệm phát hiện trong người bệnh nhân có chất xyanua.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cho biết, xyanua là chất độc cực mạnh, chỉ cần liều lượng 50-150mg có thể gây tử vong. Chất độc xyanua khi vào đến cơ thể có tốc độ hấp thu cực nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tử vong chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn kể từ khi nhiễm độc.
Với nồng độ rất nhỏ dưới ngưỡng 50mg, xyanua có thể gây tàn phế vĩnh viễn hoặc người bệnh có vấn đề về thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn, không thể chữa khỏi.
Trước đó, vào giữa tháng 10/2023, nam bệnh nhân (55 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu mức độ 3, suy hô hấp, phải thở máy, huyết động không ổn định, mạch nhanh, có tiền sử xơ gan, tăng huyết áp.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân đang khỏe mạnh bình thường, tiếp xúc (uống) sữa bột thì biến chuyển nhanh sau 15 phút. Ngoài ra, 2 người nhà của bệnh nhân cũng tử vong nghi ngờ liên quan loại sữa này. Các bác sĩ kết luận ngộ độc cấp trầm trọng trên bệnh nhân có bệnh nền xơ gan. Bệnh nhân được chỉ định thở máy nồng độ cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu theo phương pháp đặc biệt.
Qua triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, diễn biến bệnh, các bác sĩ nghi ngờ 5 loại độc chất theo thứ tự gồm xyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum. Tuy nhiên, không thể khẳng định là những chất này là tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa.
Xyanua độc hại như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thông tin về xyanua như sau: Đây là một hóa chất hoạt động rất nhanh, mạnh. Nó có khả năng gây chết người dưới các dạng hợp chất khác nhau.
Về mặt hóa học, xyanua có thể là một loại khí không màu, có thể kể đến như hydro cyanide (HCN) hoặc xyanua clorua (CNCI), hoặc một dạng tinh thể như Kali xyanua (KCN) hoặc Natri xyanua (NaCN).
Ngoài ra, xyanua cũng có trong một số loại thực phẩm và thực vật như hạnh nhân, đậu lima và sắn. Chất này còn có trong hạt của các loại trái cây phổ biến như mơ, táo và đào.
Xyanua còn có trong khói thuốc lá. Trong sản xuất, xyanua còn được sử dụng để sản xuất nhựa, giấy và dệt may. Khí xyanua thường được sử dụng để tiêu diệt sâu bọ và sâu bệnh.
Xyanua được xem là một trong những chất kịch độc của thế giới bởi khả năng gây chết người với liều lượng thấp.
Khi xyanua xâm nhập vào cơ thể, nó nhanh chóng liên kết với các ion sắt trong cytochrome c oxidase, một enzyme quan trọng trong quá trình hô hấp tế bào. Sự liên kết này ngăn chặn enzyme hoạt động, làm gián đoạn quá trình chuyển hóa oxy thành năng lượng. Kết quả là, tế bào không thể sử dụng oxy để tạo năng lượng, dẫn đến thiếu hụt oxy (hypoxia) và tử vong nhanh chóng.
Liên quan đến vụ đầu độc bằng xyanua tại tỉnh Đồng Nai, chiều 5/7, nạn nhân may mắn được cứu sống ngoạn mục sau gần 1 tháng điều trị. Cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai xác định và bắt tạm giam nghi phạm đầu độc xyanua là cô ruột của nạn nhân tên Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Đầu năm 2021, tại Bà Rịa Vũng Tàu xảy ra vụ nữ sinh viên đầu độc cha ruột bằng xyanua rồi mua gạch, xi măng đắp lên thi thể, giấu xác gây rúng động dư luận.
Vào năm 2020, Công an tỉnh Thanh Hóa từng công bố vụ án 2 người chết và 2 người bị đầu độc bằng chất xyanua có trong rượu. Trước đó, tại tỉnh Thái Bình, vụ án đầu độc bằng xyanua được bơm vào trà sữa đã khiến 1 người tử vong ngay sau vài phút uống phải đã từng gây xôn xao dư luận.