Nói 30% công chức ngồi chơi là có căn cứ
Theo ĐBQH Lê Nam - Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa: con số 30% cách đây khoảng hai năm, được các nhà khoa học đưa ra tại một hội thảo của Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đây là con số công bố dựa trên kết quả điều tra, khảo sát.
Ông Nam cho biết thêm, con số 30% công chức ngồi chơi được dư luận quan tâm bởi chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến đầu tiên.
"Có thể không phải là 30% mà là 25% hay 28%, nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận là có một số lượng rất lớn cán bộ, công chức không làm được việc, chắc chắn không phải là 1%", ông Nam khẳng định.
PGS.TS Võ Kim Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia.
Còn PGS.TS Võ Kim Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia cho rằng con số 1% công chức không làm việc chỉ là "đáp số giả" vì chỉ dựa vào báo cáo chung chung của cả cơ quan chứ không phải riêng cá nhân mỗi công chức.
PGS.TS Võ Kim Sơn nói rằng, nghiên cứu về hiệu quả sử dung công chức của Bộ Nội vụ 2 năm về trước sẽ không bao giờ tìm ra con số trung thực vì chưa ó phương pháp nghiên cứu tối ưu nào để cho ra kết quả chính xác bao nhiêu phần trăm công chức không làm được việc.
Nếu điều tra theo cách này thì có thể 30-50% công chức không làm được việc, nhưng theo cách khác tỉ lệ lại tụt xuống không tưởng.
Trong khi đó, ông Châu Minh Tỷ - nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng: Có thể giảm ngay 20% số lượng công chức hiện nay.
Ông Tỷ chỉ ra rằng, nhiều thủ trưởng nói có khoảng 30% cán bộ, công chức không đáp ứng được nhu cầu công việc. Những người này, thủ trưởng có phân công việc nhưng chỉ là những việc đơn giản, tránh để họ ngồi không.
Nhược điểm lớn nhất của cán bộ, công chức của ta hiện nay là chưa làm việc hết lòng. Những người làm việc tốt chưa được đánh giá đúng, chưa được hưởng thù lao tương xứng. Nhiều khi người làm việc tích cực, hết mình còn bị cô lập trong tập thể. Tại không ít cơ quan chỉ có khoảng 30% công chức làm việc tích cực, 40% làm việc trung bình và 30% làm việc yếu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Gánh nặng mang tên "bộ máy hành chính"
Theo thống kê, bình quân 12 năm (2001 - 2012) chi cho hoạt động của bộ máy hành chính là 55,37% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đó là lý do, hầu hết các hiến kế chống thâm hụt ngân sách cho năm 2014 đều nhấn mạnh việc phải tinh gọn bộ máy hành chính, cắt giảm biên chế. Nhưng muốn làm được việc này, phải biết chính xác chỗ nào cồng kềnh, chỗ nào dư thừa, người nào làm việc thiếu hiệu quả để cắt giảm.
Nếu là 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" thì sẽ có khoảng 700.000 người buộc phải cho thôi việc, tiết kiệm 17.000 tỉ đồng như đại biểu Chu Sơn Hà tính toán tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 20/11.
Còn nếu chỉ 1% thì con số cần cho thôi việc tương ứng là 2.400 người, số tiền tiết kiệm cũng sẽ ít hơn. Nhưng sự thật, tới lúc này chúng ta vẫn không biết chính xác bộ máy công chức đang "phình" ở chỗ nào thì rất khó để thực hiện việc tinh giản như mục tiêu của QH.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói rằng "giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở". Đồng thời, ông Bình phủ nhận độ chính xác về con số 1% công chức không làm được việc do chính mình công bố vào tháng 9/2013.
Và câu trả lời cuối cùng theo bộ trưởng là "đến thời điểm nhất định, có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này". Với cách làm việc này, có thể hiểu tại sao, sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế, cán bộ công chức đã tăng trên 20%.
Có bộ có tới... 9, thậm chí 11 thứ trưởng; hàng chục cục phó; Các cấp - ngành "vẽ" ra quá nhiều ghế khiến ngân sách phải "giật gấu vá vai"... Đó là những điều mà các đại biểu QH nêu cụ thể ngay lại kỳ họp này và đó cũng chính là thực trạng nhức nhối của bộ máy công chức cồng kềnh, tạo gánh nặng cho ngân sách hiện nay.
Vậy thì việc xác định tỷ lệ công chức ngồi chơi hưởng lương là 1%, 30% hay bao nhiêu phần trăm liệu có quá khó khăn đối với Bộ Nội vụ?
Theo Đất Việt