Thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Nội) gồm có hai chùa là Sùng Đức và Sùng Ân. Được mệnh danh là chùa cổ với tuổi thọ hơn 600 năm, xưa kia, chùa Sùng Đức (còn gọi là chùa Vạc, thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vốn chỉ là một ngọn chùa nhỏ được xây dựng lâu đời và xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên chùa khi đó chỉ là một vùng đất cây cối rậm rạp um tùm và lồi lõm. Ngoài ra, khuôn viên chùa vốn là nơi an táng hài cốt của người dân nên có khá nhiều mộ chí.
Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, toàn thể nhân dân đã cùng nhà chùa vận động di dời mộ chí sang nơi an táng khác và cùng san lấp mặt bằng tại khuôn viên để trùng tu xây dựng.
Sư thầy Thích Đạo Tú, người trông coi chùa Sùng Đức
Từ khi có tranh chấp về việc trùng tu và tiếp quản chùa, phía sư trụ trì và các tăng ni phật tử chùa Sùng Đức đã chịu bao phen khốn khó. Thêm vào đó, còn có lời nguyền do phía tăng ni phật tử đang tranh chấp với chùa Sùng Đức thêu dệt, đồn đoán rằng, hễ ai dám động vào chùa cũ thì thanh niên trai tráng trong làng chết hết. Nếu ai không theo đoàn phật tử chùa Sùng Ân sang chùa Sùng Đức gây rối thì sau chết không ai đưa tang.
Sự việc làm cho cánh trai làng lo sợ, hoang mang bởi chùa Sùng Đức nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng. Sư thầy Thích Đạo Tú khẳng định, những câu chuyện này hoàn toàn chỉ là thêu dệt, chùa Sùng Đức xưa nay là nơi linh thiêng, lưu giữ những giá trị văn hóa của làng Văn Khê, không có chuyện trai làng bị hành khi có người phạm vào chùa cũ.
Phía sau chùa có tòa nhà Tam Bảo cũ xây theo kiểu kiến trúc thấp nền chừng 50cm, vin vào cớ này, những người tranh chấp chuyện trùng tu đưa tin chùa đang chôn cất vàng. Dân trong làng thấy vậy thì kéo đến xây tường bao quanh chùa cũ. Sư thầy Thích Đạo Tú khẳng định, phần được coi là hầm cất giấu vàng thực chất là tầng trệt của tòa nhà, đây là lối kiến trúc người Tàu xây dựng từ xưa, hoàn toàn không có tiền vàng như lời đồn thổi, thêu dệt.
Trước đó, năm 1963, khi lấy đất làm đường người ta phát hiện tại khu vực này có một kho nhỏ. Phía bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã về khảo sát, khai quật thì không hề có vàng mà chỉ có mấy chiếc chum vại thời xưa.
"Cũng có nhiều thông tin xôn xao rằng, nhà chùa xây tầng hầm để chứa bom đạn, vũ khí để hễ dân ở chùa bên (chùa Sùng Ân) sang thì bắn. Kèm theo đó là rất nhiều lời đồn ác ý được truyền đi với tốc độ chóng mặt càng làm cho tình hình rối ren. Đám người lạ còn mang cả hung khí như tuýp sắt, xăng vào chùa đe dọa, đánh đuổi nhà sư và đốt bụi trúc của chùa…", sư thầy Thích Đạo Tú kể lại.
Theo tư liệu mà thầy Thích Đạo Tú cung cấp và cũng trùng với thông tin mà ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch xã Nghĩa Hương cung cấp thì phía ban trùng tu của chùa Sùng Đức chỉ mới hạ cấp sân Tam Bảo và dỡ cánh cửa, hoành phi câu đối để trùng tu. Ngay sau khi có phản ứng gay gắt từ phía tăng ni phật tử chùa Sùng Ân và dân làng, nhà chùa đã ngay lập tức cho lắp cửa, hoành phi câu đối, trả lại hiện trạng cũ.
Theo đó, ngôi Tam Bảo hiện nay được trùng tu theo kiểu mới toanh, lại được gắn biển di sản văn hóa một cách tùy tiện trong khi chùa chỉ là chùa cổ, chưa được công nhận di tích. Việc tăng ni phật tử và những người đại diện chùa Sùng Ân ngang nhiên đi quyên góp tiền ủng hộ trùng tu chùa với danh nghĩa di sản văn hóa hoàn toàn trái phép, chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Dương Yến