Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ với danh nghĩa "diệt Trịnh phò Lê" kéo quân ra Bắc Hà. Thủy quân Tây Sơn tiến đến bến Tây Luông (nay là bờ sông Hồng, chỗ đầu bến Hàng Than, Hà Nội). Quận Thạc (tướng của Trịnh Khải) đem quân bản bộ đóng ở bến hồ Vạn Xuân (thuộc địa phận huyện Thanh Trì), thủy quân Tứ thị đến dàn thuyền ở đầu bến Thuý Ái. Trịnh Tông dốc quân trong thành ra bày trận ở dưới lầu Ngũ Long (nằm ở phía đông thành Thăng Long, vị trí ở khoảng giữa Hồ Hoàn Kiếm và bến Tây Luông). Chính chúa tự mình làm tướng, chia quân làm 5 đạo: Hiệu Tả bộ giữ mặt Đông Long; hiệu Hữu bộ giữ mặt Tây Hổ; hiệu Tiền bộ giữ mặt thành Tiền Lâu; hiệu Hậu bộ giữ mặt Hậu Lâu cạnh bờ hồ Thủy Quân (hồ Hoàn Kiếm). Còn hai hiệu Nhưng, Kiện ở trung quân để hộ giá.
Chu Sư của đội quân Tây Sơn thuận chiều gió thẳng tiến đến bến Đông Dư (thuộc địa giới huyện Gia Lâm ngày nay), rời khỏi thuyền đổ bộ, đánh úp quân thủy của chúa Trịnh Tông ở cửa sông Thuý Ái. Quân tiền bộ của Đoan Nam Vương Trịnh Tông nổ súng bắn, quân của Nguyễn Huệ cúi mình xuống tránh đạn, rồi xông vào giao chiến. Chúa Trịnh mình mặc áo chiến bào, xuống lầu, lên voi, tay cầm cờ lệnh chỉ huy các quân theo lệnh để đánh. Quân Tây Sơn bắn hoả hổ (ống phun lửa đốt bằng thuốc súng). Quân của Đoan Nam Vương kinh hãi chống cự yếu ớt rồi tan rã.
Chúa ở trên mình voi ngoái nhìn lại, thấy quân sĩ hy sinh, số còn lại đang tìm đường chạy trốn. Chúa Trịnh ngoắt đầu voi quay về phủ, quân Tây Sơn không biết đó là chúa Trịnh Tông, cứ hối hả tranh nhau xông vào phủ chúa. Chúa vội cởi áo trận lấy khăn quấn lên đầu, ngồi ra phía sau bành voi, ruổi nhanh đến cửa Tuyên Vũ thì thấy cờ xí của nghĩa quân Tây Sơn ở ngoài cổng phủ rồi. Chúa bèn quay đầu voi chạy ra cửa Yên Hoa (nay là ô Yên Phụ) đi về phía Chèm. Trên đường có Nguyễn Thưởng là gia thần của Chúa đón Chúa cùng đi.
Đi theo Chúa lúc này chỉ có một toán lính nhỏ và Lý Trần Quán. Toán lính đưa Chúa qua bến đò Chèm sang làng Hạ Lôi thuộc huyện An Lãng (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đến đây Lý Trần Quán có người học trò cũ tên là Nguyễn Trang, là người Hạ Lôi, vốn là tên đầu trộm đuôi cướp, hiện đang làm tuần huyện. Quán khi đi mộ quân thường dựa vào Trang. Bây giờ Quán nói dối Trang rằng: "Nay có quan tham tụng Bùi Huy Bích chạy loạn sang nhờ ta đây. Phiền anh bảo vệ và đưa ông ấy đi qua địa giới huyện này". Trang xin vâng, Quán dẫn Trang đến yết kiến Tông. Quán chỉ vào Trang và nói với Trịnh Tông: "Tôi có người này là môn hạ, có thể dùng kế sai bảo được". Rồi Quán lại bảo Trang: "Anh nên bảo vệ quan lớn đi qua địa phận huyện nhà cho tốt nhé". Trang đáp "vâng", Quán bèn từ giã Trang.
Trang vốn là kẻ đầu sỏ nghịch đảng hám công danh địa vị, khi Quán đã ra về Trang bèn đem 50 người dân binh là thủ hạ mình hộ vệ Trịnh Tông đi về phía Bắc. Khi đi đến chỗ nhà vắng của một thôn khác, Trang đã biết rõ đây không phải là Tham tụng Bùi Huy Bích như thầy Quán nói mà chính là Trịnh Tông mà Tây Sơn đang truy lùng. Trang dẫn Tông về nhà mình và sai người phi báo cho tiết chế Huệ nhà Tây Sơn biết, những người đi theo Tông đều bị giam. Dọc đường Trịnh Tông tự sát. Tây Sơn an táng chúa Trịnh theo lễ nghi vua chúa. Nghĩ mình là người có lỗi trong cái chết của chúa, Lý Trần Quán hết sức ân hận, tự dằn vặt dày vò khôn nguôi. Ông nghĩ: Kẻ bề tôi vì lầm lẫn nhầm người đến hại chúa thì chỉ có cái chết mới tỏ được tấm lòng tôi trung trước trời đất.
Luật nay: Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh
Lý Trần Quán và cái chết của ông, một cái chết tôi trung có thể nói khác lạ nhất trong những trường hợp tuẫn tiết vì đạo trung quân ở Việt Nam - ông tự chôn sống mình. Thời đại nào cũng có tiêu chí về đạo đức và nó mang dấu ấn của thời đại ấy. Việt Nam dưới thời, nước tôn sùng nho giáo, thì đạo bề tôi là phải hết lòng thờ vua, lấy chữ trung làm gốc, chứ kính làm đầu. Một thời có ai đó từng mỉa mai, coi cái chết của Lý Trần Quán là sự trung quân mù quáng. Chính sự giễu cợt, mỉa mai ấy mới là điều phi đạo lý, bôi nhọ lịch sử, ngược với đạo đức truyền thống của người Việt Nam ta. Lịch sử Việt Nam cũng ghi lại nhiều bậc trung thần quên mình vì chúa, sẵn sàng xả thân cho lý tưởng mình phụng thờ. Những gương ấy sẽ còn mãi mãi lưu truyền hậu thế, như Nguyễn Biểu, Lê Lai,...
Đặt giả thiết vụ việc đó xảy ra vào thời nay thì với Lý Trần Quán có bị khép vào tội gì theo quy định của pháp luật hay không?
Lý Trần Quán, như trên đã nói, ông là một bề tôi trung thành, việc ông tin là môn hạ khiến chúa phải thiệt mạng là điều ngoài ý muốn của ông. Đáng lẽ ra, công việc phò tá chúa là việc của ông. Ông phải là người trực tiếp làm việc đó. Lý Trần Quán được hiểu là một quân nhân thời nay, chính vì vậy mà việc ông tin vào môn hạ dẫn đến cái chết của chúa là một hành vi vi phạm vào Điều 317 BLHS.
Theo đó, Điều 317 quy định về tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh: Người nào chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Như vậy, việc Trần Quán lấy cái chết để bày tỏ sự trung thành là đáng tiếc. Khi mang ra tòa án quân sự xử tội thì cùng lắm ông cũng bị tù từ ba tháng đến ba năm.
Tường Linh