Phụ huynh căng thẳng, đau đầu lo cho con vào đầu năm học
Những ngày qua, câu chuyện về bộ đồng phục của học sinh trường tiểu học Văn Bình ở Thường Tín (Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận. Theo đó, mức giá cho bộ đồng phục mùa hè (váy áo với nữ, quần áo với nam) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: Lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng. Theo một số phụ huynh, tiền đồng phục đáng giá bằng cả "tạ thóc" nhưng không đóng không được.
PV Người Đưa Tin đã có chuyến công tác ra ngoại thành Hà Nội tới nhiều trường đều ghi nhận những khoản thu đầu năm cao ngất ngưởng, trong khi đại bộ phận người dân ngoại thành làm nghề nông mới thấy nỗi lo của người làm cha mẹ đầu năm học. Chị Nguyễn Thị H. có hai con học lớp 3 và lớp 6, trường tiểu học và THCS ĐH (Đông Anh- Hà Nội). Hoàn cảnh chị thật đáng thương, chồng mới mất chị một mình nuôi hai con. Vào năm học, số tiền phải nộp theo yêu cầu của nhà trường là hơn 5 triệu đồng cho hai con bằng cả hơn 2 tháng lương (công nhân dọn vệ sinh) của chị. Còn nhà anh Nguyễn Văn T. đóng góp các khoản đầu năm học cho ba con học lớp 3, lớp 5 và lớp 9 tổng cộng hơn 12 triệu đồng.
Chị H. cho tôi xem những khoản thu tự nguyện của nhà trường thoả thuận với phụ huynh học sinh (nói là tự nguyện nhưng thực tế, các khoản thu cứ liệt kê ra một danh sách dài, phát cho cha mẹ học sinh nhân dịp họp phụ huynh đầu năm và thu tiền): Tiền đồng phục, xây dựng nhà trường, sách giáo khoa, vở viết, bút, mực, nước uống… tất cả cộng dồn thu hết một lần. Đây là những khoản "xã hội hoá giáo dục", nên trường nào cũng cố "vẽ ra" công trình nào đó để yêu cầu phụ huynh đóng góp cho hợp lý.
Đầu năm học cha mẹ "cõng" nhiều khoản thu
Nếu như các trường nội thành nhạy cảm hơn với việc thu tiền vì sợ… sở Giáo dục kiểm tra thì các trường ở khu vực ngoại thành, nông thôn vẫn… mạnh tay thu. Chẳng hạn như, nhiều trường nội thành quần áo đồng phục thu 550 ngàn đồng nhưng học sinh nào không mặc vừa quần áo năm trước mới phải mua thêm còn ở nhiều trường ngoại thành năm nào cũng bắt học sinh phải mua đồng phục mới.
Ở các trường ngoại thành, tất cả đồ dùng học tập của học sinh nhà trường cũng "phân phối" luôn. Những khoản thu cộng dồn như vậy khiến phụ huynh học sinh đau đầu, không ít nhà phải đi vay mượn để nộp tiền học cho con. Trường hợp nhà chị H., hoàn cảnh khó khăn có viết đơn xin miễn giảm học phí cho con, nhưng nhà trường cho biết: Nhà trường không thu học phí nên không có cơ sở để miễn giảm, còn khoản thu đầu năm là khoản thu thoả thuận giữa nhà trường và gia đình nên buộc học sinh phải đóng trừ trường hợp gia đình thuộc diện nghèo (có chứng nhận) mới được xem xét. Chị H. vẫn chờ đợi xem có được miễn giảm phần nào các khoản thu đầu năm hay không nên vẫn chần chừ chưa đóng tiền cho con.
Đó là với trường công. Trường tư thì còn muôn hình vạn trạng các khoản thu "khủng". Có trường, riêng tiền đồng phục đã lên tới 4 triệu đồng… Trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS.TS Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế bộ GĐ&ĐT cho rằng: "Thực trạng mượn danh nghĩa "xã hội hoá giáo dục" để lạm thu dịp đầu năm học là "căn bệnh" của các trường học. Điều này, đòi hỏi Sở, Bộ phải có giải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh".
Ranh giới mong manh giữa lạm thu và xã hội hoá
Sẽ buộc trả lại tiền cho các bậc phụ huynh từ những khoản thu không đúng quy định Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh Thanh tra sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm học vừa qua Hà Nội vẫn có tình trạng một số đơn vị trường học chưa quản lý tốt nguồn kinh phí đóng góp của học sinh, thu chưa đúng công văn chỉ đạo... Có những trường chưa thực hiện đúng hướng dẫn về huy động các khoản đóng góp tự nguyện, để xảy ra việc Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thu các khoản đóng góp tự nguyện theo hình thức bổ đầu và thu trái quy định. Để khắc phục tình trạng này, ông Chính cho biết, sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương để triển khai thanh tra, kiểm tra các khoản thu chi ngoài học phí đầu năm, phát hiện các khoản thu không đúng quy định và buộc phải trả lại cho phụ huynh. |
Nhìn nhận thực tế các khoản đóng góp, ông Chu Hồng Thanh cho rằng: "Quy định bắt buộc phải đóng tiền là sai nhưng luật Dân sự cho phép đóng góp tự nguyện. Như vậy, ranh giới giữa đóng góp tự nguyện và chuyện ép buộc, hay có quy định phụ huynh phải đóng tiền lại rất mong manh. Hiện nay, nhiều nơi gợi ý thu tiền quỹ mỗi người phải đóng bao nhiêu nhưng phụ huynh từng lớp họp với nhau tự thảo luận, tự xác định mức thu. Trong xác định mức thu ấy, cũng không thể ép buộc được. Đấy là cái quỹ lớp. Còn nếu nhà trường ngoài nguồn thu quy định ra thì bắt buộc phụ huynh phải đóng một khoản nào đó mang tính chất bình quân thì hoàn toàn sai. Điều này đã được quy định trong luật Giáo dục. Nghị định 75 hướng dẫn luật Giáo dục cũng quy định: Ngoài những khoản thu nhà trường công bố công khai thì không được thu thêm khoản gì khác.
Tuy nhiên, luật Dân sự lại cho phép tự nguyện đóng góp nên Hội phụ huynh học sinh có thể vận động mọi người đóng góp. Nếu người ta đóng góp "tự nguyện" thì về mặt pháp luật hoàn toàn không sai. Nhưng khi thảo luận xong, bổ bình quân đầu người nếu phụ huynh nào không có điều kiện thì không thể ép buộc họ. Dù đã thảo luận nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, biểu quyết. Có người không đóng mức tối thiểu mà tự nguyện đóng nhiều hơn gấp đôi, gấp ba cũng là bình thường, phù hợp với luật Dân sự, luật Giáo dục. Vì thế, ranh giới giữa ép buộc và tự nguyện rất mong manh và dễ bị lợi dụng. Có trường biến tướng soạn một số mẫu "tôi tự nguyện" đóng góp thứ này, thứ khác rồi cho phụ huynh ký, đóng tiền là sai".
Ngay sau khi khảo sát một số trường của ngoại thành Hà Nội, PV Người Đưa Tin đã đặt câu hỏi về tình trạng lạm thu ở các trường ngoại thành với ông Nguyễn Hiệp Thống -Phó giám đốc sở GĐ&ĐT (Hà Nội) ông nói: "Tôi đang họp, tất cả những ghi nhận của phóng viên nên gửi tới hộp thư của Sở, chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và trả lời báo chí".
Minh Khánh