Cả bốn đều thông minh, đĩnh ngộ. Người con cả là Khắc Hiếu có khả năng sắp đặt công việc và chỉ huy người làm đâu ra đó nên được cha mẹ cho cai quản gia sự. Khắc Đễ, con thứ hai, có óc doanh thương được cấp vốn đi buôn bán các nơi. Người con thứ ba là Khắc Trung học một biết mười, thi một lần đậu ngay tú tài lại có ý muốn ra làm quan nên được vợ chồng Sung Quý cho ăn học để thi cao lên nữa. Còn Khắc Tín người con út đã hiếu học lại được Khắc Trung hết lòng chỉ bảo thêm nên học hành cũng tấn tới vô cùng. Khắc Tín cùng một chí hướng với anh, nên hai người quý mến nhau rất mực, khi ăn ngủ lúc học tập chơi bời đều có nhau, người nọ không rời người kia nửa bước.
Những gia đình trong vùng có con gái đến tuần cập kê thấy Sung Quý là bậc đại phú lại có bốn con trai tuấn tú, giỏi giang nên đều mong ước được làm sui gia. Tương Quang Quốc, một phú hộ trong phủ Tây An, rất muốn con gái mình là Tương Thục Trinh sánh duyên cùng Khắc Trung, con trai thứ ba nhà Sung Quý. Tương Quang Quốc và Sung Quý vốn là bạn thâm giao nên trong một lần trà dư tửu hậu đã mang chuyện trăm năm của đôi trẻ ra bàn, không ngờ hai ông bố đều một ý như nhau. Ít lâu sau, Sung Quý chọn ngày lành tháng tốt cậy người mai mối tới hỏi Thục Trinh cho Khắc Trung. Vợ chồng Tương Quang Quốc hoan hỉ nhận lời và hôn lễ được cử hành sau đó không lâu.
Qua hai mùa xuân hương mặn nồng, thấm thoắt đã đến ngày Khắc Trung phải tạm lìa tổ ấm lên đường vào kinh ứng thí. Năm ấy trái với sự tin tưởng của mọi người, Khắc Trung thi rớt! Về đến nhà Khắc Trung sinh ra buồn bã rồi ít lâu sau sanh bệnh nặng, nằm liệt giường liệt chiếu.
Nàng Thục Trinh đáng thương (ảnh minh họa).
Khắc Tín, em trai Khắc Trung và cũng là con trai út của vợ chồng Sung Quý thường xuyên vào phòng thăm anh nhưng làm như không biết đến chị dâu. Ngay từ lúc mới về nhà chồng, Thục Trinh cũng cảm thấy Tín không ưa mình. Thoạt đầu nàng không hiểu nguyên do, mãi sau Thục Trinh mới biết là Khắc Tín có ý ghen với chị dâu, xem nàng như kẻ đã đoạt mất người anh mà mình quý mến. Thục Trinh hết sức mềm mỏng mà chẳng được, Khắc Tín vẫn hậm hực với nàng. Chuyện Khắc Trung thi rớt, trở về nhà lại lâm trọng bệnh càng khiến Tín thêm ghét Thục Trinh vì cho rằng tất cả đều do lỗi của chị dâu mà ra.
Dù đã được các vị danh y thay phiên nhau chạy chữa nhưng bệnh trạng của Khắc Trung ngày càng trầm trọng, không thể qua khỏi.
Thục Trinh thương tiếc chồng, vật mình than khóc thảm thương. Suốt mấy tuần dài nàng không chịu ăn uống, khi sụt sùi, lúc nức nở, một mình một bóng âm thầm đau đớn nơi chốn khuê phòng, thân hình tiều tụy, sắc đẹp tàn phai. May nhờ bố mẹ chồng lo khuyên giải lại đến bố mẹ đẻ vỗ về an ủi mãi Thục Trinh mới vơi bớt cơn sầu, chịu ăn cơm cháo, nhờ đó mà bình phục dần và xem ra lại có phần đẹp hơn ngày trước. Nàng nói năng dịu dàng đi đứng khoan thai, tối ngày lo vun vén việc nhà chồng nên mọi người càng thương mến.
Qua năm sau, cận ngày giỗ đầu của Khắc Trung, Tương Quang Quốc đem lễ vật sang nhà sui gia lập đàn tràng để tế rể hiền tỏ lòng thương nhớ người bạc phận. Họ Tương sai đứa cháu đến chùa Tử Vân rước ba thầy chùa cùng họ đến tụng kinh siêu độ. Trong số các nhà sư có Nghiêm Huê Ngươn là người làm vườn trong chùa cũng đi theo để mang vác đồ đạc cho các nhà sư. Tên này chẳng phải là người đứng đắn, hàng ngày tới lui nơi cửa thiền, cuốc vườn, trồng rau phụ giúp nhà chùa kiếm chút tiền công, nhưng tối lại về nhà thường hay kết bạn với phường vô loại, chơi bời đàng điếm.
Trước đây, sau một lần được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời của Thục Trinh, Huê Ngươn đã đem lòng ham muốn, nhiều lần tìm cách tiếp cận mà không được. Cho nên, biết các hoà thượng đến hành lễ ở nhà Thục Trinh hắn liền xin quẩy gánh kinh kệ, mõ chuông giúp nhà chùa với mong muốn được gặp lại người đẹp năm xưa, không quên mang theo một chai thuốc nhỏ. Trong buổi lễ, Huê Ngươn mê mẩn ngắm nhìn thiếu phụ góa bụa, trẻ đẹp đang nức nở khóc chồng trước bàn thờ vong. Hắn lần tay vào túi soát lại chai thuốc rồi từ từ lẻn ra ngoài chỗ hành lễ, lẻn vào phòng góa phụ quan sát một lát rồi lại chạy xuống, trở về chỗ cũ dán mắt nhìn Thục Trinh. Nhìn điệu bộ Huê Ngươn, Khắc Tín đã nghi tên này có tà ý song vì phải ngồi lại dự lễ nên không thể theo sát được hắn.
Sau buổi lễ, chờ lúc mọi người dùng bữa vừa xong, Huê Ngươn xin phép về trước. Lúc này trời đã tối hẳn, hắn lủi vào lùm cây rồi lẻn vào phòng Thục Trinh đợi sẵn. Tranh thủ lúc Thục Trinh vừa về phòng, lúi húi sắp xếp đồ đạc, tên khốn khiếp Huê Ngươn từ trình nhà tuột xuống đổ chai thuốc nước lên người nàng rồi ôm thật chặt. Thục Trinh bị ngấm thuốc, mất hết tự chủ trong vòng tay của kẻ lạ mặt. Thì ra tên ác ôn này đã dùng tà dược khiến người góa phụ bị vết bùn nhơ. Gà vừa gáy sáng thì thuốc mê cũng hết tác dụng. Lúc này, Thục Trinh mới biết mình mắc mưu kẻ gian dâm. Nàng uất hận, cắn lưỡi tự tử. Đợi mãi không thấy Thục Trinh xuống nhà, gia nhân vào phòng lay gọi thì đã thấy Thục Trinh nằm chết trong cảnh lõa thể.
Vì quá thương con, lại biết chuyện Khắc Tín rất ghét chị dâu nên Tương Quang Quốc một mực cho rằng chính Khắc Tín là kẻ đã hãm hiếp, giết hại Thục Trinh. Ông liền chạy đi báo quan, đồng thời tố cáo tội ác của Khắc Tín. Sau nhờ Bao Công điều tra ra chân tướng sự việc nên Khắc Tín đã được minh oan, tên dâm tặc Huê Ngươn bị chém bêu đầu giữa chợ. Tương Quang Quốc vu cáo cho người vô tội cũng bị xử phạt 50 trượng.
Luật nay: Nghiêm Huê Ngươn phạm tội hiếp dâm
Thương thay cho nàng Thục Trinh xinh đẹp, đoan trang, một lòng tận trung với chồng, tận hiếu với bố mẹ chồng lại bị kẻ ác hãm hại, làm vẩn đục thanh danh mà phải chết một cách oan khiên, tức tưởi. Giận thay kẻ dâm tặc Nghiêm Huê Ngươn, để thỏa mãn thú tính đã dùng thủ đoạn đê hèn, hãm hiếp góa phụ bằng thuốc kích dục khiến người đó vì quá hổ thẹn phải cắn lưỡi mà chết.
Xét theo Điều 111 (Bộ luật Hình sự Việt Nam), Nghiêm Huê Ngươn đã phạm vào tội hiếp dâm. Điểm c, khoản 3 của điều luật này quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Nghiêm Huê Ngươn là kẻ háo sắc, lòng đầy tà dâm, lại mưu mô xảo quyệt, thủ đoạn bỉ ổi, dùng thuốc dâm kích thích Thục Trinh để thỏa mãn thú tính của mình. Hành vi phạm tội của Huê Ngươn lại không phải là hành động nhất thời mà đã được tính toán kỹ lưỡng, sắp đặt chu đáo từ trước cho thấy hắn là một kẻ phạm tội vô cùng nguy hiểm. Tội ác của Huê Ngươn càng không thể tha thứ khi khi việc làm sai trái của hắn không những hủy hoại thanh danh, trinh tiết một đời của người góa phụ trẻ đoan chính mà còn dẫn đến cái chết đau lòng của nàng, khiến Khắc Tín suýt chút nữa bị mất đầu vì tội hãm hiếp, giết chết chị dâu. Xét quá trình phạm tội cũng như hậu quả nghiêm trọng mà tên dâm tặc Nghiêm Huê Ngươn đã gây ra, hắn phải chịu mức án cao nhất của cung hình phạt là tù chung thân.
Về phần Tương Quang Quốc, chưa rõ thực hư đã vội kết tội Khắc Tín hiếp, giết con mình, theo Điều 122 BLHS, ông đã phạm tội vu khống. Theo quy định tại điểm e, khoản 2 của điều luật này, người nào bịa đặt, loan truyền điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội nghiêm trọng và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tù từ một đến bảy năm.
Dương Dung