Tại một sự kiện gây quỹ chính trị gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có kế hoạch sớm công bố mức thuế "lớn" đối với các loại dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
"Chúng tôi sẽ sớm công bố mức thuế quan lớn đối với dược phẩm", truyền thông Mỹ dẫn lời ông Trump phát biểu hôm 8/4, tại bữa tối của Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa tại quốc hội (NRCC) ở Washington, DC.
"Và khi họ nghe thấy điều đó, họ sẽ rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ rời khỏi những nơi khác, bởi vì… hầu hết sản phẩm của họ được bán ở đây, và họ sẽ mở nhà máy ở khắp mọi nơi trên đất nước chúng ta – chúng tôi sẽ công bố điều đó", ông tiếp tục.
Hoạt động sản xuất dược phẩm tại Mỹ đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), hoạt động sản xuất hầu hết các thành phần hoạt tính trong thuốc đã chuyển sang Trung Quốc và các quốc gia khác, chủ yếu là do chi phí lao động và các bộ phận khác của quy trình thấp hơn.
Không rõ những mức thuế quan mà ông Trump định áp dụng sẽ như thế nào, nhưng trước đó, Tổng thống Mỹ đã phát biểu trên chuyên cơ Không lực Một vào tuần trước rằng mức thuế quan đối với dược phẩm sẽ đạt "mức mà các vị chưa từng thấy trước đây", theo CNBC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện gây quỹ chính trị của Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa tại quốc hội (NRCC) ở Washington, DC, ngày 8/4/2025. Ảnh: Getty Images
Mặc dù ông Trump vừa tuyên bố tạm hoãn áp thuế quan "có đi có lại" đối với nhiều quốc gia trong 90 ngày, nhưng hôm 9/4, nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định rằng ông vẫn nghiêm túc về việc áp thuế đối với dược phẩm để thúc đẩy sản xuất thuốc của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ áp thuế đối với các công ty dược phẩm và tất cả họ sẽ muốn quay trở lại", ông Trump cho biết khi phát biểu từ Phòng Bầu dục.
Nguyên liệu thô của hầu hết các loại thuốc đều được sản xuất ở nước ngoài, ngay cả đối với các loại thuốc được sản xuất tại Mỹ. Điều này nghĩa là thuế quan có thể làm tăng chi phí của một số loại thuốc, như thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc kháng sinh, thuốc tim và thuốc hen suyễn trên thị trường Mỹ.
Trên ABC News, các chuyên gia về dược phẩm và kinh tế cảnh báo, thuế quan cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và thậm chí có khả năng làm đình trệ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của ngành.
Chi phí phát sinh
Các chuyên gia cho biết, bất kỳ chi phí phát sinh nào cũng sẽ được chuyển cho người tiêu dùng.
Ông Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế tại The Budget Lab tại Yale, một trung tâm nghiên cứu chính sách phi đảng phái, nói với ABC News rằng, một hộ gia đình trung lưu chi trung bình 4.200 USD cho thuốc theo toa vào năm 2024. Con số đó bao gồm sự kết hợp giữa chi phí tự trả và chi phí được bảo hiểm chi trả.
Ông Tedeschi cho biết, một đánh giá từ The Budget Lab cho thấy rằng nếu thuế quan là 25%, nó sẽ làm tăng giá dược phẩm trung bình 15%.
"Dựa trên đánh giá của chúng tôi… chi phí cho thuốc theo toa sẽ tăng trung bình khoảng 600 USD mỗi năm cho mỗi hộ gia đình tại Mỹ", ông nói. "Bây giờ, không hẳn tất cả những thứ đó đều là tiền túi của một gia đình trung lưu… nhưng nếu một gia đình không trả đủ 600 USD, thì nghĩa là công ty bảo hiểm của họ sẽ trả phần còn lại".
"Vì vậy, ngay cả khi các gia đình không thấy giá thuốc tăng, họ vẫn có thể phải trả phí bảo hiểm cao hơn, và theo đó vẫn phải gián tiếp thanh toán phần chênh cao hơn do hậu quả của việc tăng thuế", ông Tedeschi nói.

Các chuyên gia cho biết, chi phí chăm sóc sức khỏe cũng có thể tăng do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thiết bị y tế, nhưng họ lưu ý rằng tác động sẽ khó khái quát hơn nhiều so với tác động lên giá thuốc. Ảnh: Fox News
Thiếu hụt thuốc
Thuế quan cũng có thể tác động đến các nhà sản xuất thuốc gốc hoạt động với biên lợi nhuận thấp, theo Tiến sĩ Erin Fox, phó giám đốc dược tại Đại học Utah Health, người chuyên theo dõi tình trạng thiếu hụt thuốc.
Cụ thể, bà Fox nói với ABC News rằng, bà lo lắng về các loại thuốc vốn đã thường xuyên thiếu hụt, bao gồm cả thuốc tiêm. Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn với các loại thuốc như lidocaine, được dùng để giảm đau bằng cách gây tê tại chỗ.
Bà cho biết, các loại thuốc mà mọi người dùng hằng ngày, thường ở dạng viên, ít có khả năng bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian tới, vì có rất nhiều nhà cung cấp các sản phẩm đó, không giống như thuốc tiêm. "Một sản phẩm thuốc tiêm có thể chỉ có tối đa 2-3 nhà cung cấp", bà nói.
Bà Fox cho biết, hầu hết các công ty sản xuất thuốc gốc đều có nguồn cung hoạt chất dược phẩm trong vòng 6-12 tháng và một số công ty có thể đã mua thêm một số sản phẩm để chuẩn bị cho các mức thuế quan này.
"Điều này không nhất thiết sẽ là tác động ngay lập tức mà chúng ta sẽ thấy, nhưng khi đến thời điểm mua lô nguyên liệu thô tiếp theo, câu hỏi đặt ra là liệu nó có bị áp mức thuế quan cao không, và liệu công ty có đủ khả năng chi trả hay không?", bà lập luận.
Ít nghiên cứu và phát triển hơn
Tiến sĩ William Padula, phó giáo sư về chính sách y tế và kinh tế tại Đại học Nam California (USC) và là học giả tại Viện Schaeffer của USC, cho biết, ông không tin rằng mức thuế quan sẽ có tác động lớn đến người tiêu dùng, nhưng có thể tác động đến các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của các công ty dược phẩm.
Ông giải thích rằng các công ty dược phẩm không chỉ sản xuất thuốc mà còn sản xuất các công cụ khác bao gồm vắc-xin, sản phẩm y sinh và thậm chí cả các sản phẩm không kê đơn, chẳng hạn như băng y tế.
Các công ty này sử dụng lợi nhuận của mình theo những cách khác nhau, bao gồm đầu tư vào hoạt động R&D, ông nói thêm.
"Nếu họ có ít tiền nghiên cứu và phát triển hơn vì ít người mua thuốc có giá cao hơn do thuế quan, thì về lâu dài, họ sẽ phải rút các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và theo đó có thể dẫn đến ít cải tiến hơn", vị chuyên gia nói với ABC News.
"Kết quả là, chúng ta có thể rơi vào tình huống không có nhiều phương pháp điều trị mới cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác nhau", ông bổ sung.
Minh Đức (Theo ABC News, CNBC)