PV: Chào Thanh Xuân! Bạn từng được độc giả biết đến với những tác phẩm có tựa đề dễ thương như: Đợi đông gõ cửa em sẽ nói yêu anh, Những con búp bê biết khóc, Tay nắm tay buông, yêu người không nên yêu,…và gần đây nhất cuốn sách Chênh vênh tuổi thanh xuân tiếp tục ra mắt độc giả. Vậy thì cơ duyên nào đã đưa chị đến với viết lách?
Thanh Xuân: Nói đến cơ duyên, có lẽ là các cuộc thi viết đã đưa mình đến với nghiệp viết lách. Mình bắt đầu viết về mẹ hồi năm lớp 10 trong cuộc thi viết “Nét bút tri ân” và may mắn nhận giải Nhất tuần.
Sau đó, khi tiếp cận với internet và tham gia các diễn đàn, mình bắt đầu thử sức ở những cuộc thi viết do diễn đàn tổ chức, thỉnh thoảng cũng được giải và nhận được khá nhiều lời khen, động viên từ người đọc.
Từ ngày nhận thức được mình có chút năng khiếu về viết văn, con đường mình đi dù rẽ theo hướng nào thì mình vẫn may mắn được tiếp xúc với viết lách. Chẳng hạn như khi vào đại học mình theo ngành học Kinh doanh, nhưng lại thiên về xuất bản nên có cơ hội tiếp xúc với những môi trường cần đến viết lách. Khi đi làm, công việc cũng là làm nội dung, biên tập viên truyền thông... Thấy có duyên với viết lách nên mình quyết tâm theo đuổi đến cùng.
PV: Với nhiều những tác phẩm đã xuất bản, tác phẩm nào đã đánh dấu cái tên Greenstar đến gần hơn với độc giả? Chị có thể giới thiệu một chút về cuốn sách cho độc giả cùng biết?
Thanh Xuân: Với cuốn sách đầu tay “Đợi đông gõ cửa, em sẽ nói yêu anh” mình nhận được khá nhiều sự đồng cảm từ độc giả. Đây là cuốn tản văn có nội dung chia làm 2 phần rõ ràng, một phần là mình gom nhặt cảm xúc từ người khác kể lại để viết thành, một phần là cảm xúc của riêng mình.
Khi cuốn sách được thực hiện, mình không kỳ vọng nhiều vì là lần đầu tiên, chỉ cố gắng hết sức để hoàn thiện. Nhưng không ngờ chỉ trong 3 tháng phát hành, cuốn sách đã bán được hơn 2000 cuốn và nhận được nhiều phản hồi tốt. Mình nghĩ đối với một tác giả lần đầu ra sách như mình thì đây là thành công và điều đáng tự hào.
PV: Có lúc nào đang viết mà chị cảm thấy bế tắc khi chưa tìm ra cách thể hiện ý tưởng không? Và chất liệu chính trong những tác phẩm của chị là gì?
Thanh Xuân: Có chứ, nhất là khi phải làm và nghĩ đến nhiều việc khác nữa. Mình có một kho riêng gọi là “Chưa hoàn thành” – chứa những tác phẩm chưa thể viết hoàn thiện và số lượng này cũng nhiều bằng nửa tác phẩm đã hoàn thành.
Chất liệu chính để mình viết nên các tác phẩm là từ cuộc sống của người khác, của bản thân mình. Những lúc bế tắc ý tưởng, mình hay đi uống cà phê với người quen hoặc người biết nhưng chưa từng gặp để lắng nghe câu chuyện của họ. Mình nghĩ, là một người viết thì tỉ lệ biết lắng nghe phải chiếm đến 70% so với nói.
PV: Có một số ít ý kiến cho rằng: “Hiện nay, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ xuất bản ồ ạt nhưng lại không hề chứa đựng những giá trị văn học, không hề có ích đối với đối tượng độc giả trẻ”. Chị nghĩ sao về điều này?
Thanh Xuân: Mình rất ngại chia sẻ về tác phẩm của người khác, vì mình là người viết nên hiểu cảm giác “đứa con tinh thần” của mình bị chê bai sẽ buồn thế nào, vậy nên mình chỉ cho ý kiến và nhận xét khi tác giả đó có lời yêu cầu góp ý.
Bản thân mình là cây viết trẻ, từng có thời điểm trong 1 năm ra 3 cuốn sách và hẳn sẽ có nhiều tác giả khác cũng thế. Nhưng không phải mình viết 3 cuốn sách cùng lúc mà chỉ là may mắn 3 nhà phát hành, nhà xuất bản cùng chọn tác phẩm của mình ra cùng 1 năm, còn thực tế để hoàn thiện 3 bản thảo này, mình phải mất 3 – 4 năm viết.
Khi viết, mình hay các tác giả khác cũng không lường trước được tác phẩm này có được yêu thích hay không, chỉ mong đừng bị tẩy chay, đừng vi phạm. Chắc chắn lúc viết, tác giả nào cũng mong truyền tải được thông điệp ý nghĩa về một vấn đề nào đó đến độc giả, chỉ là không may chưa làm tốt hoặc chưa đúng ý người đọc nên trở thành không có giá trị.
PV: Chân dung của một Greenstar trên những trang viết với một Greenstar ở ngoài đời thường có khác nhau nhiều không?
Thanh Xuân: Khác mà cũng không khác. Ở ngoài mình hơi điên một chút, kiểu sống lạc quan quá nên bị mọi người nhận xét là suy nghĩ màu hồng. Nhưng khi viết, mình hay đi từ bi quan đến lạc quan.
Nghĩa là mọi vấn đề trong lúc viết đều phải bắt nguồn từ điểm tối nhất, sau đó mới tìm ra những điểm sáng để bàn luận, để kết luận. Vậy nên, điểm không khác ở đây là suy nghĩ lạc quan trong mọi vấn đề.
PV: Được biết chị mới ra mắt một cuốn sách với tựa đề “Chênh vênh tuổi thanh xuân”, chỉ sau một thời gian gần 1000 cuốn sách đã đến tay với những người yêu thích truyện cũng như thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Vậy sau khi ra mắt cuốn sách, sắp tới chị có dự định, ấp ủ ra mắt thêm sản phẩm nào nữa không?
Thanh Xuân: Cuốn “Chênh vênh tuổi thanh xuân” cũng phải mất 2 năm mới đến với độc giả, bạn thấy đấy, có thể viết không vất vả lắm nhưng thời gian chờ đợi hoàn thiện cuốn sách sẽ rất hồi hộp, mỏi mòn. Cuốn sách được đón nhận có lẽ vì chất chân thật, bởi cuốn sách là tuyển tập những trải nghiệm thật trong cuộc sống của mình trong suốt 6 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Sài Gòn.
Mình đã hoàn thành 1 bản thảo truyện dài, nhưng khi gửi đi thì “được” 2 nhà phát hành từ chối vì chưa phù hợp với phong cách của bên họ. Mình gọi là “được” vì sau khi mình ra sách thì liên tục 3 năm đã ra 6 cuốn mà không có một lời từ chối nào, nhưng lần này bị từ chối đến 2 lần khiến mình có thời gian để nhìn lại cách viết.
Hơn nữa truyện dài là thể loại mình mới viết lần đầu nên chắc chắn sẽ có thiếu sót, vậy nên phải dành thêm thời gian để nghiên cứu và hoàn thiện hơn. Hy vọng sẽ sớm đến tay độc giả.
Phương VY