Hơn một thập kỉ qua, truyện tranh chuyển ngữ từ nước ngoài như Conan, Đôrêmon, Nữ hoàng Ai Cập... luôn chiếm ưu thế áp đảo so với các truyện dân gian cổ tích trong nước như Cô tiên xanh, Thần đồng Đất Việt. Tuy nhiên, thị trường truyện tranh thuần Việt bắt đầu khởi sắc và có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi một số tác phẩm văn học được huyển hóa thành công.
Hình ảnh Chị Dậu và Chí Phèo trong phiên bản truyện tranh
Mở đầu là các tác phẩm viết về tình yêu lứa tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lối viết giản dị, trong sáng, tự nhiên của những truyện ngắn như: "Bồ câu không đưa thư", "Nữ sinh", "Bong bóng lên trời" đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng với phiên bản truyện tranh. Các khán trẻ đã đón nhận những cuốn sách này một cách nồng nhiệt, xem đây như một kênh tiếp cận mới đối với các kiến thức văn học.
Tuy nhiên, khi phiên bản truyện tranh của tác phẩm Tắt Đèn và Chí Phèo ra đời, không ít bạn đọc giật mình, sửng sốt với sự sáng tạo thái quá thậm chí lệch lạc của tác giả. Chị Dậu được vẽ trông như nữ sinh trung học, Chí Phèo được dị dạng hóa theo kiểu siêu nhân. Không gian truyện tranh thì hoàn toàn xa lạ với nông thôn miền Bắc những năm 30 của thế kỉ trước. Ngôn ngữ nhân vật được viết một cách tục tĩu khiến không ai còn nhận ra nguyên bản của tác phẩm văn học nổi tiếng này.
Nhiều phụ huynh tỏ ra e ngại khi cho con tiếp cận truyện tranh Chí Phèo, Tắt Đèn. Như vậy, truyện tranh hóa đang tạo ra một kênh kiến thức mới hay làm biến dạng ngôn ngữ tiếng Việt?. Có lẽ đây đang là câu hỏi tạo ra khá nhiều tranh luận trong thời gian gần đây.
Chí Phèo, Tắt Đèn rất khó để truyện tranh hóa
Theo GS Văn Như Cương, do đặc trưng thể loại, những tác phẩm nêu trên không dành cho trẻ em mà dành cho những người lớn tuổi hơn. Truyện tranh khó có thể chuyển tải hết nội dung của những tác phẩm. Có những chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà với lứa tuổi nhi đồng, các em khó có thể hiểu được. Nếu tác giả thay đổi nội dung đơn giản hơn để các em dễ tiếp thu thì vô tình đã bóp méo kết cấu, nội dung của truyện. Những tác phẩm văn học có yếu tố hài hước như Xuân Tóc Đỏ may ra mới có thể tranh hóa thành công. Phải xem tác phẩm nào có thể tranh hóa thì làm. Đừng có ồ ạt ra đời… loãng. GS Văn Như Cương cũng băn khoăn vấn đề bản quyền tác giả. Liệu các nhà xuất bản đã thực sự quan tâm và thực hiện đúng bản quyền?. Không ít tác phẩm đã bị hạ thấp giá trị, mai một và rơi rớt về ý nghĩ khi chuyển thể sang truyện tranh. Vì vậy, cần phải có quy định rõ ràng khi cho xuất bản một quyển truyện tranh. Phải bảo vệ danh dự cho những nhà văn quá cố
Ông Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa thư) chia sẻ: "Các truyện tranh được phóng tác từ tác phẩm văn học lại không giữ đúng tinh thần với nguyên tác là vi phạm bản quyền. Tôi cho rằng, tiếng Việt đang bị tối nghĩa và bị "dâm hóa" trong một số bộ truyện tranh. Lỗi đó thuộc về trách nhiệm của người làm sách. Hơn nữa, Nhà nước cũng đang thiếu sự quan tâm đến vấn đề quyền tác giả. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng quản lí cần có biện pháp mạnh tay để xử lí thích đáng với những hành vi vi phạm, để loại trừ các thảm họa như "Sát thủ đầu mưng mủ". Trên hết, các biện pháp đó còn giúp đảm bảo tính chuẩn xác của kiến thức, bảo vệ danh dự của những nhà văn tài năng đã quá cố mà chúng ta cần nâng niu, trân trọng. Sáng tạo phải dựa trên tinh thần của nguyên tác
Theo ông Đoàn Tử Huyến, giám đốc trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội): "Tôi ủng hộ sự sáng tạo, ủng hộ cái mới nhưng là cái mới tích cực và là sự sáng tạo đúng nghĩa. Không thể đánh đồng việc chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả với việc sáng tạo nghệ thuật. Những người làm sách này, một là có chuyên môn kém, hai là vì mục đích kinh doanh nên đánh trúng vào tâm lí của một bộ phận độc giả, thích đọc những thứ hời hợt, dễ dãi. Chí Phèo, Tắt Đèn là những tác phẩm nghệ thuật đã được thời gian kiểm nghiệm suốt mấy chục năm qua, nếu được phóng tác cũng phải dựa trên tinh thần của tác phẩm. Khi truyện tranh hóa tác phẩm văn học, cần phải có những cam kết: Trung thành đến đâu và sáng tạo đến đâu?. Ngôn ngữ rất cần sáng tạo, sự mới lạ để bổ sung cho những thứ đã có. Ngôn ngữ ở mỗi thời đều có những quy chuẩn khác nhau. Ngôn ngữ ở thời này, người ta gọi là ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ @, nghĩa là càng ngày người ta càng gần gũi hóa ngôn ngữ. Nhưng sự thân thiện, gần gũi khác xa với sự tục tĩu, xuề xòa, hời hợt. Trẻ em dễ bắt chước cái mới lạ
TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) nhận xét: "Những lời thoại thiếu trong sáng trong một số truyện tranh sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các độc giả nhỏ tuổi. Do đặc trưng tâm lí, các em rất dễ bắt chước theo những cái mới, lạ. Đặc biệt, lứa tuổi này rất mê đọc truyện tranh nên sự ảnh hưởng càng dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu tiếp cận qua truyện tranh, trẻ sẽ bị lệch lạc về kiến thức, hiểu không đúng về ý nghĩa của tác phẩm văn học. Điều này rất nguy hiểm, ai cũng biết, lợi ích của truyện tranh là mang đến cái nhìn sinh động. Tuy nhiên, sự trong sáng, chính xác vẫn phải đặt lên hàng đầu. Cách tốt nhất hiện nay là các bậc phụ huynh nên lựa chọn đúng sách cho con mình". Giải trí là phải phóng đại lên Giám đốc một công ty sách cho rằng: "Những đầu sách mang tên Chí Phèo, Tắt Đèn sẽ hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn đọc. Nhưng nếu nội dung truyện tranh giữ đúng như trong nguyên tác sẽ làm mất đi tính sáng tạo. Độc giả luôn có tâm lý chờ đợi cái mới, chưa cần biết cái đó đúng hay không, chỉ cần đánh trúng tâm lí tò mò của độc giả, nghĩa là đã thành công. Những người làm sách kiểu này, họ không quá quan tâm đến giá trị nhân văn hay nghệ thuật, chỉ cần sách bán chạy, họ có lợi nhuận, thế là đủ. Tôi cho rằng, cũng không nên quá khắt khe hay áp đặt những chuyện kiểu như phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong những cuốn sách này. Bởi chúng chỉ mang ý nghĩa giải trí, mà muốn giải trí, là phải có nói quá, có phóng đại". |
Đào Bích