Tuy nhiên, không phải ai ăn chay cũng hiểu rõ nguồn gốc của việc ăn chay, ý nghĩa và tất cả các vấn đề liên quan đến việc này. Vậy nên tôi cũng muốn chia sẻ cùng mọi người một chút hiểu biết của tôi, đã cóp nhặt được trong thời gian tìm hiểu về vấn đề này. Để mọi người có thêm những thông tin hữu ích khi cần .
Ăn chay có truyền thống lâu đời tại Ấn Độ và Kỳ nam giáo và một số giáo phái chính của Ấn độ giáo xem ăn chay như là một hành vi đạo đức. Đối với các tôn giáo này thì ăn chay chủ yếu dựa trên các luật về không hành hạ, không gây thương tích hay giết chết các loài vật. Phật giáo nhìn chung không cấm ăn thịt tuy nhiên chỉ được ăn những thứ thịt thỏa mãn điều kiện 'tam tịnh nhục', Phật giáo đại thừa khuyến khích ăn chay để mang lại lợi ích cho sự phát triển của lòng từ bi.
Ngày trước, tuy Phật giáo nguyên thủy không kiêng thịt nhưng Phật giáo cấm sát sinh và tránh mọi khổ đau cho chúng sinh cho nên trên căn bản Phật giáo khuyến khích việc ăn chay nhưng cũng không cấm ăn mặn. Phật giáo nguyên thuỷ thường không ăn chay. Tuy nhiên, những người xuất gia nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết để thết đãi mình thì không được ăn, nếu ăn thì sẽ phạm vào giới luật. Ngoài ra đức Phật cũng cấm không được ăn 10 loại thịt: thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu.
Trong một số kinh sách, Đức Phật dạy các đệ tử của mình không được ăn thịt cá. Tuy nhiên, mỗi tông phái của Phật giáo Đại thừa lựa chọn những kinh điển khác nhau để làm theo, cho nên một số tông phái, bao gồm cả phần lớn các tông phái đều ăn thịt, trong khi nhiều tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc thực hành ăn chay.
Nguồn gốc của việc ăn chay có thể bắt nguồn từ Vua Lương Võ Đế (502 - 536). Ông Vua này là một người rất tín ngưỡng Phật giáo và đã có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc; lập đàn tràng trai tăng chẩn tế và thay mặt Tăng già giảng kinh nói pháp, chú giải kinh điển.
Ông đã từng ban ra tổng cộng 4 sắc lệnh với nội dung bắt Tăng Ni phải triệt để ăn chay. Từ đó, Tăng Ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản cũng đều ăn chay, không ăn mặn.
Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau như đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế…. Nhưng nhìn chung việc ăn chay là một việc tốt mà người người nên làm .
Ở Việt Nam, danh từ “chay” được đọc chệc từ từ “trai” có nghĩa là “ thanh tịnh”. “Ăn mặn” là đọc chệch từ “ ăn mạng”, tức là ăn mạng sống của loài vật hữu tình. Và người Việt chúng ta hiểu danh từ “ăn chay” là chế độ ăn uống không có thịt động vật, nhưng với người phương Tây, có đến 3 nhóm ăn chay. Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sũa. Nhóm thứ hai là lacto cũng có chế độ ăn uống như nhóm ovo-lacto, nhưng không ăn trứng. Nhóm thứ ba là vegan, hoàn toàn không ăn đạm động vật, có lẽ là nhóm gần như “ăn chay” theo cách của người Việt hay các tu sĩ Phật giáo đại thừa.
Ăn chay và sức khỏe
Thời gian gần đây, qua báo chí phương Tây, một số người bày tỏ quan tâm đến sức khỏe của người ăn chay, vì họ cho rằng ăn chay có thể bất lợi cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay không có ảnh hưởng tiêu cực đến xương; ngược lại, ăn nhiều chất đạm động vật có thể là yếu tố nguy cơ của loãng xương và gãy xương.
Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đều cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe, vì giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến “hiện đại hóa” như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, và ung thư. Chế độ ăn chay, do sử dụng nhiều rau quả, thường hàm chứa ít chất béo và cholesterol hơn chế độ ăn mặn. Chất béo và cholesterol là hai yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Do đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy người ăn chay ít mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư hơn những người ăn mặn. Trong một nghiên cứu trên 47.000 người Mĩ, nhóm ăn chay có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhóm ăn mặn khoảng 20%. Ăn chay và ăn nhiều rau quả còn giảm nguy cơ tai biến mạch máu não đến 22%. Ngoài ra, ăn chay còn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ruột, và phổi so với chế độ ăn mặn.
Một nghiên cứu khác trên 26.000 người Mĩ cho thấy người ăn chay có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn khoảng 25%. Vì chế độ ăn chay có chỉ số glycemic thấp, nên ăn chay còn được xem là một liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 652 bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ cho bệnh nhân ăn uống có rất thấp hàm lượng chất béo (dưới 10% năng lượng, tức như ăn chay), và họ ghi nhận rằng ở những bệnh nhân được điều trị bằng insulin, 40% không cần đến insulin nữa; trong số bệnh nhân điều trị do chỉ số glycemic thấp, 71% không cần tiếp tục điều trị. Trong cùng thời gian, nồng độ đường trong máu giảm 24%, cholesterol giảm 30%. Ảnh hưởng của chế độ ăn chay đến các chỉ số lâm sàng liên quan đến bệnh đái tháo đường tương đương với ảnh hưởng của các thuốc thông dụng trên thị trường. Vì ăn chay chẳng tốn kém gì nhiều, nên hiệu quả kinh tế của ăn chay có phần cao hơn so với một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
Trong một nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp, các nhà nghiên cứu Na Uy chia bệnh nhân thành 2 nhóm: nhóm ăn chay và nhóm ăn mặn. Sau 12 tháng theo dõi, bệnh trạng nhóm ăn chay giảm rõ rệt, trong khi nhóm ăn mặn không có thay đổi đáng kể. Dù cơ chế ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp chưa được hiểu rõ, nhưng có thể lí giải rằng vì chế độ ăn chay hạn chế năng lượng, đạm và một số chất khoáng có chức năng ức chế hệ thống miễn dịch, và ức chế hệ thống miễn dịch là một phương án điều trị các bệnh tự miễn, nên ăn chay có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân viêm thấp khớp.
Nói tóm lại, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe. Thật ra, người ăn chay tính trung bình có tuổi thọ cao hơn người ăn mặn. Các nghiên cứu mới nhất gợi ý rằng ăn chay còn có thể là một phương án thực tế để điều trị bệnh đái tháo đường và viêm khớp xương.
Albert Einstein (1879 - 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20 đã nói "Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay". Nhà danh họa và điêu khắc gia người Italy - Léonard Da Vinci (1452 - 1519) đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng thế giới thì quan niệm ăn chay là đạo đức của con người và tránh được những tội ác về sát sinh. Ông còn nhấn mạnh những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống. Trong nhật ký, ông thường viết những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn có những hành động thể hiện lòng yêu quý với các loài sinh vật khác.
Chay hay mặn là tùy duyên
Xuất phát từ góc nhìn từ bi và không phân biệt giữa các loài chúng sinh hữu tình, Đức Phật đã khuyên nhủ chúng ta nên ăn chay để mở long hiếu sinh với muôn loài, cho thấy sự bình đẳng giữa con người với phần còn lại của thế giới.
Hãy thử tưởng tượng,chúng ta đang sống yên vui thanh bình bên cạnh những người thân yêu của mình. Thế rồi một ngày, một nhóm người ở hành tính khác, đến bắt bớ giết chóc chúng ta. Chân tay chúng ta sẽ được bẻ gãy, thịt được băm nhỏ, da sẽ được chiên dòn, rồi chúng ăn thịt chúng ta , vừa ăn, vừa khen cái này ngọt, cái kia dòn, lúc đó chúng ta sẽ cảm giác thế nào ?
Một bậc hiền triết đã nói: “ Nghĩa địa vĩ đại nhất chính là dạ dày của người ăn mặn như chúng ta”.
Từ những góc nhìn đó, mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận được việc ăn chay hay ăn mặn có ý ngĩa như thế nào đối với mình. Và quan trọng, bạn có cho rằng ăn chay là một triết lý hay không? Không có ai bắt buộc bạn phải ăn chay, cũng như là không ai cấm bạn không được ăn mặn. Quan trọng là bạn sẽ trải nghiệm với chính quyết định của mình và hãy để cho cơ thể của bạn, trái tim của bạn mach bảo về sự đúng đắn của triết lý đó. Bởi “Ăn chay” hay “Ăn măn” là tùy duyên, là do bạn.
Tuệ Linh
(*) Tác giả bài viết là chủ nhà hàng chay Trúc Lâm Trai.