Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ và đáng lo ngại. Chủ đề của những cơn ác mộng rất khác nhau tùy theo từng người, nhưng chủ đề chung bao gồm bị rượt đuổi, bị ngã hoặc cảm giác bị lạc hoặc bị mắc kẹt. Ác mộng có thể khiến bạn trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm: Sự phẫn nộ, tội lỗi, nỗi sợ hãi, sự lo ngại. Bạn có thể tiếp tục trải qua những cảm xúc này ngay cả khi đã thức dậy.
Bạn có nhiều khả năng gặp ác mộng vào nửa sau của đêm. Những cơn ác mộng có thể xảy ra hiếm khi hoặc thường xuyên hơn, thậm chí vài lần trong đêm. Chúng có thể khiến bạn thức giấc và khó ngủ trở lại.
Mặc dù đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu biết hoàn toàn về hiện tượng này nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra một số yếu tố có thể khiến ác mộng xảy ra nhiều hơn.
Lo lắng, căng thẳng
Những căng thẳng thường ngày có thể mang đến những cơn ác mộng. Lo lắng về việc học hoặc công việc có thể khiến bạn có nhiều khả năng gặp phải những giấc mơ đáng sợ. Những sự kiện lớn hơn và những thay đổi trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyển nhà hoặc mất người thân, cũng có thể mang đến những cơn ác mộng.
Rượu, chất kích thích
Tiêu thụ đồ uống có cồn có thể mang lại nhiều niềm vui, nhưng rất tồi tệ khi bạn cố tìm giấc ngủ sau đó.
Chuyên gia về giấc ngủ Phil Lawlor phân tích, ban đầu bạn có thể ngủ say, nhưng khi nồng độ cồn trong máu giảm xuống, điều ngược lại sẽ xảy ra. Bạn sẽ không thể ngủ sâu giấc và tỉnh giữa chừng nhiều hơn, dẫn đến REM (trạng thái ngủ lơ mơ, mắt chớp nhanh) nhiều hơn, gây ác mộng.
Sử dụng thuốc
Thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau cũng có thể làm tăng tần suất xuất hiện những giấc mơ xấu. Verena Senn, chuyên gia của Emma Sleep, người nghiên cứu về giấc ngủ và não bộ trong gần 15 năm, cho biết, còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu về bộ não, mức độ gia tăng của chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn dopamine mà chất này cung cấp, tạo thay đổi trong cách chúng ta mơ.
Melatonin, một chất bổ sung có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ, cũng có thể gây ra những giấc mơ tồi tệ. "Không có bằng chứng thuyết phục về việc melatonin ảnh hưởng đến giấc mơ của chúng ta như thế nào. Tuy nhiên, có mối liên hệ với mức độ melatonin cao gây ra ác mộng", chuyên gia Lawlor nói thêm.
Ăn ngay trước khi ngủ
Bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể tăng tốc độ trao đổi chất, cơ thể sẽ phải làm việc chăm chỉ để phân hủy thức ăn và sẽ gửi tin hiệu đến não, yêu cầu hoạt động tích cực hơn, dẫn đến ác mộng. Nếu bạn thấy mình gặp nhiều ác mộng hơn, hãy cố gắng ăn bữa cuối cùng trong ngày 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
Nằm ngửa khi ngủ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người nằm ngửa dễ gặp ác mộng hơn. Nằm ngửa khi ngủ có thể gây khó thở. Khi bạn đang ở giai đoạn REM, việc thiếu không khí có thể gây ra cơn ác mộng, chẳng hạn như bị rượt đuổi, ngạt thở hoặc chết đuối .
Sách và phim đáng sợ
Đọc một cuốn sách đáng sợ hoặc xem một bộ phim kinh dị có thể gây ra ác mộng, đặc biệt là nếu bạn làm chúng ngay trước khi đi ngủ. Trò chơi điện tử và chương trình truyền hình khiến bạn sợ hãi cũng có thể khiến bạn có nhiều khả năng gặp ác mộng. Nếu bạn thường gặp ác mộng sau khi đọc hoặc xem một thứ gì đó đáng sợ, hãy tránh những hoạt động đó ngay trước khi đi ngủ.
Minh Hoa (t/h)