Những lùm xùm về ngữ liệu trong các bộ sách lớp 1
Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” trở thành hiện thực. Có 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành, bao gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục.
Năm học mới bắt đầu được một thời gian, xuất hiện những dư luận về việc ngữ liệu trong cả 5 bộ sách có nhiều điểm chưa phù hợp. Bộ sách Cánh diều, bộ sách xã hội hóa đầu tiên và duy nhất đến thời điểm đó bị một bộ phận dư luận xã hội phản ứng dữ dội vì cả những lỗi mà nó có và những lỗi mà người ta cố tình gán cho nó. Khi dư luận lắng xuống một chút, người ta có thời gian xem lại 4 bộ sách còn lại của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thì hóa ra, bộ nào cũng lỗi, thậm chí còn nhiều lỗi nghiêm trọng.
Chiều ngày 3/11/ 2020, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về sách giáo khoa, theo đó ông đã “chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản, các bộ sách đều phải rà soát lại".
Kết quả là sau khi rà soát, kiểm tra toàn bộ 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 do NXBGDVN biên soạn và phát hành, hội đồng rà soát nội bộ của nhà xuất bản này đã chỉ ra bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa ở 37 trang, bộ sách Cùng học để phát triển năng lực phải sửa lỗi ở 24 trang, bộ sách Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi ở 7 trang, bộ sách Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục sửa lỗi ở 1 trang trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (tập 1), phải điều chỉnh nội dung.
Bên cạnh đó, dư luận cho rằng các ngữ liệu trong sách của NXBGDVN không hề ghi tên tác giả và nguồn, điều này thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ.
Các đơn vị làm sách đã làm gì?
Sau khi có chỉ đạo, NXB đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và nhóm tác giả Tiếng Việt 1 - Cánh diều đã biên soạn tài liệu điều chỉnh, bố sung ngữ liệu sách giáo khoa này và công bố, xin ý kiến nhân dân; sau đó Bộ trưởng đã ký Quyết định phê duyệt nội dung chỉnh lý.
Trái ngược với Cánh diều, với hàng loạt các lỗi phải chỉnh sửa ở cả 4 bộ sách giáo khoa lớp 1, NXBGDVN không biên soạn tài liệu chỉnh sửa ngay như cách Bộ chỉ đạo đơn vị biên soạn bộ Cánh diều, mà đề xuất sẽ chỉnh sửa khi tái bản các bộ sách để phục vụ cho năm học 2021-2022. Dư luận băn khoăn là tại sao NXBGDVN lại được ưu ái như thế?
Trả lời báo chí, GS.TS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam) đã thông tin: “Nếu sách giáo khoa sai sót mà không sửa ngay thì học sinh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi và như vậy là không ổn”.
TS.Hoàng Ngọc Vinh (thành viên tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD&ÐT) cho rằng, lần đổi mới giáo dục này được cả xã hội rất quan tâm, vì thế sách giáo khoa có “sạn” cần phải xử lý sớm, phải yêu cầu các tác giả, nhà xuất bản chỉnh sửa ngay. “Mục tiêu của chúng ta là phải có một bộ sách tốt, đã phát hiện sai sót thì phải sửa ngay chứ không thể để đến sang năm. Như thế là thiệt thòi cho học sinh vì phải học những thứ không hoàn chỉnh” - TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.
Ông cũng cho rằng bộ GD&ÐT đã yêu cầu NXB đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh chỉnh sửa ngay sách Tiếng Việt của bộ Cánh diều thì các bộ sách khác của NXBGDVN cũng cần chỉnh sửa ngay.
Cũng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Ðạt, người từng chỉ ra một loạt “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, cho rằng NXBGDVN và các tác giả cần công khai tiến độ chỉnh sửa ở 4 bộ sách. Theo ông, không nên để đến khi tái bản sách giáo khoa cho năm học tới mới chỉnh sửa bởi có “sạn” thì phải bỏ ngay.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) cũng đã chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trao đổi với báo chí, bà Thúy cho rằng: “Việc NXB đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh biên soạn tài liệu điều chỉnh, bố sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh diều và công bố, xin ý kiến nhân dân thể hiện thái độ cầu thị, công khai, minh bạch của đơn vị làm sách và tác giả sách. Điều này thể hiện ý thức trách nhiệm cao của đơn vị làm sách.
Tôi mong NXBGDVN cũng sớm công bố phương án chỉnh sửa. Điều này là để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh đang dạy và học bộ sách này. Tuy nhiên tôi băn khoăn, lo lắng không biết Bộ trưởng có văn bản chỉ đạo việc này hay không, bao giờ thì phía NXBGDVN phải công khai về những thông tin mà dư luận nêu để đảm bảo quyền lợi của học sinh?”
Băn khoăn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng là băn khoăn chung của tất cả những người quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo viên đang dạy các bộ sách của NXBGDVN và phụ huynh có con em học các bộ sách này.
Thế nhưng, đến thời điểm này, chưa ai thấy bất kỳ một động thái nào của NXBGDVN về việc họ có sửa sách hay không và sách chỉnh lý đã được Bộ phê duyệt chưa?
Tại sao NXBGDVN quyết tâm không sửa sách giáo khoa lớp 1 của họ?
Mặc dù, việc ông Nguyễn Đức Thái (Chủ tịch hội đồng thành viên NXBGDVN) đề xuất xin được chỉnh sửa trong lần tái bản đang làm cho dư luận dậy sóng, bức xúc vì sự ưu ái của bộ GD&ĐT đối với các bộ sách của công ty ông, thì đến nay, khi sách giáo khoa dành cho lớp 1 năm học 2020-2021 bắt đầu được các địa phương lựa chọn thì hàng loạt câu hỏi vẫn treo đó, chưa có câu trả lời: Phương án chỉnh sửa của NXBGDVN cụ thể thế nào? Vì sao NXB chưa xin ý kiến nhân dân và các nhà khoa học? Bộ GD&ĐT đã phê duyệt phương án chỉnh sửa chưa? Chưa có câu trả lời thì làm sao các địa phương yên tâm chọn sách được?
Có dư luận còn cho rằng, trong 4 bộ sách, NXBGDVN đã có kế hoạch “xóa sổ” 2 bộ, vì thế nếu bỏ công sửa chữa mà không còn được sử dụng thì… phí. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi những quyển sách đầy sạn của NXBGDVN vẫn tiếp tục được phát hành mà không cần chỉnh sửa? Hay là, khi tiêu thụ hết số sách dư thừa đó, NXBGDVN mới công bố phương án và điều chỉnh để tiết kiệm? Khi đó, không cần nói, ai cũng biết người phải chịu thiệt thòi là ai!
Câu hỏi đặt ra là: Vai trò của bộ GD&ĐT ở đâu khi NXBGDVN không thực hiện các yêu cầu về chỉnh sửa sách giáo khoa? Ai đã buông cho NXBGDVN không sửa sách của họ? Trả lời dễ mà khó lắm thay!
Trung An