Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Say nắng xảy ra do điều kiện nhiệt độ của môi trường quá cao hoặc do điều kiện làm việc nặng nhọc trong môi trường tương đối cao lại mặc quần áo dày, chật và bí… Nói chung, tình trạng này hay gặp ở những người thường xuyên làm việc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài như nông dân, công nhân làm đường, công nhân xây dựng…
Say nắng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Khi bị say nắng chúng ta cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, cơ thể nóng ran, da khô không có mồ hôi, mặt đỏ gay, nhiệt độ cơ thể lên cao, có khi lên đến 41độ C, nhịp thở nhanh, mạch yếu khó bắt hoặc không còn. Trường hợp nặng có thể hôn mê và lên cơn co giật.... Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Cách sơ cứu và điều trị say nắng
Đặt người bệnh nằm trong một khu vực thoáng mát, cởi hết quần áo, để giúp cơ thể có điều kiện giải tỏa bớt nhiệt lượng.
Dùng khăn bông rấp nước mát đắp lên đầu, lên trán và khăn mát lau khắp mình và chân tay.
Cho người bệnh uống nước đầy đủ để bù lại lượng nước trong cơ thể đã bị tiêu hao do nhiệt độ cao. Nếu có nước osezole thì cho người bệnh uống, nếu không có sẵn thì dùng nước khoáng, hoặc nước đun sôi để nguội có pha ít muối, đường.
Có thể cho uống nước quả tươi, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội. Cho uống từ từ ít một để tránh nôn.
Trong trường hợp say nắng có biểu hiện nặng, vừa sơ cứu khẩn trường, vừa gọi xe cấp cứu hoặc chuẩn bị phương tiện để vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Trúc Chi (t/h)