Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đề ra hướng đi mới, một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK) hướng tới mục tiêu xã hội hóa, cạnh tranh lành mạnh để người dân được tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa có chất lượng tốt với giá thành phù hợp. Nhưng thực tế, mỗi một năm học, giá SGK lại tăng thêm nhiều bậc.
Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ diễn ra với khối lớp 3,7, và lớp 10. Ngoài việc triển khai những nội dung giáo dục, SGK cũng là vấn đề được phụ huynh quan tâm.
Nhà xuất bản “rủ nhau” tăng giá
Theo công bố công khai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng. Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Và tất cả giá này đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.
Giá sách này được đánh giá đắt gần gấp đôi so với chương trình cũ. Khi với cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.
Trước đó vào năm học 2021-2022, phụ huynh cũng đã được “nếm mùi lạm phát” khi bộ SGK mới đối với khối lớp 2 và 6 cũng tăng chóng mặt.
Bộ SGK “Cánh diều” lớp 2 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh gồm 10 cuốn cũng có mức giá kê khai là 203.000 đồng (chưa tính SGK Tiếng Anh).
Bộ SGK “Cánh diều” lớp 6 gồm 13 cuốn có mức giá trình thẩm định là 259.000 đồng (chưa tính SGK Tiếng Anh).
Như vậy, so với giá SGK trước kia thì SGK lớp 2 mới được kê khai cao gấp 3 - 4 lần (bộ hiện hành có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ); còn SGK lớp 6 mới cũng cao gấp 3 lần so với hiện hành.
Giá sách này chỉ bao gồm những môn học bắt buộc, chưa kèm theo sách bài tập của mỗi môn và sách tiếng Anh. Vì vậy, để mua trọn bộ sách phụ huynh sẽ phải chi trả sẽ cao hơn con số trên.
Vì đâu mà giá cao ?
Để đảm bảo triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục về việc về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Mỗi môn học sẽ có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Từ đó, dẫn đến các nhà xuất bản, các công ty tư nhân tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn cho tới tập huấn giáo viên, chi phí quảng cáo và không dùng ngân sách nhà nước.
Trong khi trước đây, chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa.
Một nguyên nhân khác, thống kê sơ bộ, có thể thấy một trong những nguyên nhân khách quan về việc tăng giá vì số lượng các môn học nhiều hơn trước kia.
Chỉ riêng đối với lớp 3 thay vì 6 cuốn bắt buộc thì năm nay mỗi học sinh phải mua ít nhất 14 cuốn, trong đó có 8 môn mới như: đạo đức, tin học, tiếng Anh, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất.
Bên cạnh đó, riêng với môn toán, sách mới có 2 tập vì vậy, phụ huynh phải mua 2 cuốn sách cho một môn học.
Còn vế phía nhà xuất bản lý giải rằng SGK có giá cao hơn sách hiện hành vì sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh hoạ sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19 x 26,5cm.
Ngoài ra, để học sinh sẽ có điều kiện tương tác, thực hành kỹ năng trên môi trường internet, nhà xuất bản có xây dựng thêm các cuốn sách kỹ thuật số. Vì vậy, giá SGK giấy đã “gánh” thêm cả giá sách điện tử, mặc dù chưa biết học sinh có thực sự sử dụng hay không.
Chọn mua sách lẻ để tránh lãng phí
Trước vấn đề này, chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Thanh Tâm (Hà Nội) có con đang theo học lớp 3 cho hay đến hiện nay chị cũng chưa nắm được về giá cả cụ thể của SGK mà con chị sẽ học tới đây.
Tuy nhiên, vị phụ huynh này cho biết giá cả sách giáo khoa cũng biến động qua các năm, bản thân là phụ huynh chị cũng mong muốn giữ bình ổn giá SGK.
“Chúng tôi cũng bận rộn với cuộc sống mưu sinh, chỉ mong con cái được học tập với nội dung phong phú, chất lượng và gắn với thực tiễn nhiều nhất. Nếu có tăng giá sách thì tôi đề nghị cần phải tăng kèm với chất lượng nội dung của bộ sách giáo khoa”, chị Tâm bày tỏ.
Ghi nhận của phóng viên Người Đưa tin tại các hiệu sách lớn của Hà Nội, hiện nay, nhiều phụ huynh và các em học sinh đã lựa chọn mua các sách lẻ thay vì phải mua trọn bộ khi đăng ký ở trường.
Chị Minh Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chuẩn bị bước vào năm học mới, mình cũng bắt đầu chuẩn bị sách vở và đồ dùng cho con.
Rút kinh nghiệm từ những lần mua trước, có nhiều sách trong bộ không được sử dụng như sách và vở bài tập Hoạt động trải nghiệm, sách Giáo dục nếp sống, tài liệu Giáo dục An toàn giao thông,…nên năm nay tôi quyết định tự mua sách lẻ thay vì đăng ký mua ở trường”.
Theo bảng giá sách mà nhà trường gửi cho vị phụ huynh này, trọn bộ SGK, sách bài tập, và sách tiếng Anh dành cho lớp 2 có giá lên đến 510.000 đồng với hơn một nửa số sách trong bộ là sách bài tập.
Dưới cái tên sách bổ trợ, một nửa số tiền phụ huynh bỏ ra là để mua những sách bài tập, sách hoạt động trải nghiệm, an toàn giao thông.
Cũng có con vừa học hết lớp 2, về giá của những đầu sách nêu trên, chị Nguyễn Thị Thúy (Cẩm Giàng, Hải Dương) thông tin rằng giá SGK đã công bố chưa thể hiện đầy đủ số tiền thực tế mà phụ huynh phải bỏ ra.
Vì đa dạng nguồn cung, bộ sách được đưa vào sử dụng sẽ là tập hợp các sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau.
“Ngoài trừ sách tiếng Anh, bộ sách của con tôi gồm 23 cuốn nhưng chỉ có 9 cuốn trong số đó là SGK, hơn một nửa là các vở bài tập, tập viết, tài liệu của các bộ Cánh Diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo. Phần lớn số tiền bỏ ra là dành cho các đầu sách này”, chị Thúy cho biết.
Vị phụ huynh này cũng chia sẻ rằng khi phải mua các vở tập viết và vở bài tập như vậy rất lãng phí, không tái sự dụng được, giá thành lại cao: “Đầu năm học có rất nhiều khoản phải chi như quỹ lớp, đồng phục, tiền học,… nếu sách có giá cao như hiện nay, tôi sẽ phải thu hẹp những khoản khác của các con”.