Nước rau muống màu xanh đậm có nên ăn?
Một số người khi luộc rau muống lên thấy nước có màu xanh đậm, hơi ngả màu. Thấy màu sắc "lạ" như vậy nhiều người lo sợ rau còn tồn dư thuốc sâu, phân bón và các hóa chất, nhiều gia đình bỏ đi mà không dám sử dụng.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc nước luộc rau muống có màu gì phục thuộc vào môi trường nước sử dụng để luộc rau, nước màu xanh đậm, hơi ngả màu là chuyện bình thường, không có gì đáng ngại.
Theo ông Thịnh, khi luộc rau muống, nếu nước có màu xanh là do có nhiều chất kiềm và hàm lượng vôi, canxi cao. “Đôi khi trong nước có dư lượng canxi, maggie, cộng với tính kiềm nên nước sẽ bị chuyển sang màu xanh như vậy. Nước luộc rau như thế là bình thường, không bị ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng cũng như sức khỏe.
Bên cạnh đó, nước rau xanh đậm hay nhạt không liên quan gì đến thuốc trừ sâu cả. Bởi nếu nước luộc còn tồn dư thuốc sẽ có mùi rất hắc của chất hóa học, ngửi là biết ngay”, PGS Thịnh nói.
Cũng theo PGS Thịnh, khi luộc rau, nếu muốn nước rau muống xanh đẹp mắt, các bà nội trợ nên cho 1 thìa nhỏ muối ăn vào nồi nước luộc. Để dễ ăn, nhiều gia đình thường có thói quen cho thêm sấu hoặc nước chanh, quất vào nước luộc. Việc này sẽ khiến cho nước sấu chuyển từ xanh sang nhạt màu do axit tác động làm mất diệp lục, không có gì lạ, thôn tin trên VTC News.
Cách nhận biết rau muống bị nhiễm chì, không phải ai cũng biết
Khi người dân sử dụng, rau muống nhiễm độc chì sẽ tích tụ vào các tổ chức cơ quan như não, thận, gan, xương, tủy xương, hồng cầu... gây nên nhiều bệnh tật nguy hại đến sức khỏe. Nhiễm độc chì mãn tính có thể dẫn đến một số bệnh như suy nhược thần kinh, mất ngủ, người mệt mỏi, đau đầu, thiếu máu...
Đặc biệt, khi chì nhiễm vào xương có thể gây nên tình trạng canxi hóa sớm, người lớn sẽ dễ dàng bị loãng xương. Trẻ có thể bị hội chứng não cấp do nhiễm độc chì như bị nôn mửa, co giật và hôn mê. Khi bị nhiễm độc mãn tính có thể khiến trẻ bị chậm lớn, kém thông minh, chỉ số IQ thấp so với bạn bè cùng trang lứa.
Hơn nữa, khi người dân sử dụng rau muống nhiễm chì, kim loại nặng này sẽ tích tụ dần trong cơ thể với hàm lượng cao, gây nguy hại đến sức khỏe. Biểu hiện dễ thấy nhất là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính. Do đó, người tiêu dùng nên biết cách chọn rau muống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên mọi người khi chọn rau muống có độ tươi, xanh tự nhiên, tránh chọn những bó rau muống có màu xanh đen, xanh đậm. Bởi rất có khả năng, rau muống trên đã bị nhiễm chì.
“Rau muống nhiễm chì khi luộc sẽ có màu hơi đục, dù cho thêm chanh và sấu nhưng nước vẫn không thay đổi màu sắc. Người dân nên tránh sử dụng”, ông Thịnh khuyến cáo.
Dưới đây là dấu hiệu nhận biết rau muống nhiễm chì, các bà nội trợ nên bỏ túi mẹo hay này:
- Chú ý đến hương vị rau muống: Rau bị nhiễm độc chì thường có vị chát.
- Nước luộc rau muống: Thông thường, bát canh rau muống sau khi luộc nếu vắt chanh vào sẽ chuyển sang màu hanh vàng và hơi trong. Nguyên nhân là do chanh tươi làm chết đi chất diệp lục và làm chuyển màu nước. Còn nếu nước luộc rau muống chuyển sang xanh đen và khi vắt chanh vào nước vẫn không thay đổi màu sắc thì đó là rau muống đã nhiễm chì.
- Hình dáng, màu sắc rau muống: Rau muống nhiễm chì có lá màu xanh đen do hấp thụ quá nhiều kim loại nặng trong đó có chì. Thân rau muống to hơn bình thường và khi rửa rau nổi bong bóng quá nhiều.
Những nhóm người nên hạn chế ăn rau muống
Thành phần của 100g rau muống có chứa 78,2g nước; 2,7g Protein; 85mg canxi; 31,5mg photpho; 1,2mg sắt và 20mg vitamin C. Ngoài ra còn có caroten, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2. Đặc biệt giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin, người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn thường xuyên.
Rau muống là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Bài viết của BS Vũ Duy Thành trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết những người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn rau muống:
Người bị viêm khớp, gout, sỏi thận... không nên dùng rau muống vì sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng, do rau muống chứa nhiều purin, acid oxalic, chất gây viêm khớp.
Những người suy nhược cơ thể nặng thể hư hàn, sợ giá lạnh, chân tay lạnh không nên ăn rau muống.
Người đang uống thuốc đông y mà ăn rau muống sẽ gây giã thuốc, giảm hiệu quả điều trị.
Người đang có vết thương, mụn nhọt trong quá trình điều trị, nếu ăn rau muống có thể gây sẹo lồi, mất thẩm mỹ.
Trúc Chi (t/h)