Sinh thời Ga Cát Lượng từng làm tới chức thừa tướng của nhà Thục Hán và là một trong số những người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt hàng mấy chục năm.
Ông được hậu thế đánh giá là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật cho tới giáo dục, phong thủy, phát minh kỹ thuật. Trong lịch sử, rất hiếm người có tài năng toàn diện trên khắp các lĩnh vực như Gia Cát Lượng. Sau khi ông qua đời người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn… Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: Trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…
Tuy nhiên, ít người biết rằng để có thể có trí tuệ anh minh Gia Cát Lượng cũng phải nỗ lực học tập và có phương pháp học cho riêng mình.
Theo sử liệu, Gia Cát Lượng khi đọc sách chủ yếu xem xét đại lược, khác với nhiều bạn học đọc sách tỉ mỉ, chăm chú đến tinh thục. Dịch Trung Thiên (là tác giả, nhà văn, nhà mỹ học sinh năm 1947 tại Hồ Nam, Trung Quốc) nhận xét cách đọc sách của Gia Cát Lượng như vậy mới là biết đọc sách, Gia Cát Lượng giỏi nắm bắt cái tinh tuý cốt yếu trong sách, chứ không tầm chương trích cú, câu nệ từng chữ. Gia Cát Lượng cũng nói các bạn của mình như Thạch Quảng Nguyên, Từ Thứ, Mạnh Công Uy sau này có thể làm đến quan cai trị một châu hay một quận, còn về bản thân mình thì "Lượng chỉ cười không đáp".
Thật ra câu trả lời đã rất rõ ràng bởi khi Gia Cát Lượng lúc chưa gặp Lưu Bị, ông ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Qua đó có thể thấy ông không muốn làm đế vương mà cũng chẳng muốn làm quan địa phương, mà muốn làm đại hiền thần phò tá một minh chủ lập nên nghiệp lớn, giống như hai vị tiền nhân.
Và lịch sử đã chứng minh sau khi hạ sơn, Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.
Quốc Tiệp (t/h)