Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi dậy khắp nơi. Ai ai cũng vì chí lớn của mình mà cất công gây dựng thế lực. Sau này, thiên hạ rơi vào cục diện chia ba. Ba thế lực nổi bật nhất thời bấy giờ là Ngụy – Thục – Ngô.
Trong số đó, thế lực do Tào Tháo xây dựng chính là tiền đề để thành lập nhà Tào Ngụy sau này. Tào Tháo được đánh giá là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất. Ông là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lã Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống.
Sinh thời, Tào Tháo chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ, cả đời Tào Tháo sinh được mấy người con gái thì không thấy sử sách ghi chép rõ. Tuy nhiên, việc Tào Tháo lợi dụng những cuộc hôn nhân của con gái để duy trì và củng cố quyền lực của mình lại được sử sách ghi chép khá đầy đủ. Tào Tháo mang 3 người con gái là Tào Hiến, Tào Tiết và Tào Hoa tiến vào hậu cung cho Hán Hiến Đế, trong đó Tào Tiết được phong làm hoàng hậu.
Tào Tiết (? - 260), không rõ mẹ bà là ai, người đời thường đều xem mẹ bà là Biện phu nhân, trắc thất và là người phụ nữ được Tào Tháo xem trọng nhất.
Có truyền thuyết kể rằng, vào giữa năm 196, khi Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương, Tào Tiết được Biện phu nhân sinh ra. Khi vừa lọt lòng thì bà không khóc, chỉ rơi lệ, Đinh phu nhân chính thất Tào Tháo cho là sẽ không may mắn, đem vứt ở vùng ngoại ô.
Tào Tháo sau khi trở về, nghiêm khắc răn dạy Đinh phu nhân, sai người đi tìm con gái nhỏ, hơn một tháng lúc sau thì có một lão bạch y nhân đem đến cửa phủ họ Tào. Biện phu nhân thấy đứa bé có hai viên nốt chu sa, liền xác nhận là chính mình sở sinh.
Hán Hiến Đế nghe câu chuyện, đích thân xem thực hư, thấy trước sân viện có cây tre, bèn nổi hứng ban tên là Tào Tiết.
Năm 213, Tào Tháo đưa Tào Tiết cùng chị là Tào Hiến và em là Tào Hoa mang tiến vào hậu cung cho Hán Hiến Đế. Ban đầu, cả ba được phong chức Phu nhân. Năm 214, ba chị em được phong làm Quý nhân.
Hán Hiến Đế vốn đã có vị hoàng hậu tên là Phục Thọ. Phục Thọ vì bất mãn với Tào Tháo nên đã viết thư mật báo cho cha mình là Phục Hoàn không ngờ bị phát hiện. Tào Tháo đã ép Hán Hiến Đế phế Phục Thọ và lập Tào Tiết làm hoàng hậu.
Năm 220, Ngụy vương Tào Tháo mất, anh bà là Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương. Tháng 10 năm đó, Tào Phi ép Hán Hiến Đế thiện nhượng, kết thúc triều đại nhà Hán hơn 400 năm, lập ra triều Tào Ngụy. Tào Phi sai người tới hỏi bà để lấy ngọc tỷ truyền quốc, Tào Tiết nhất định không chịu đưa. Sau vì bị ép quá, Tào Tiết vứt ngọc tỷ xuống lầu, khóc mắng Tào Phi: "Trời không phù hộ cho nhà ngươi đâu!".
Sau khi thiện nhượng, Hán Hiến Đế bị phế làm Sơn Dương công, vì thế Tào Tiết trở thành Sơn Dương công phu nhân.
Tương truyền, khi Tào Tiết theo Hán Hiến Đế về Sơn Dương, Tào Tiết vận động Hán Hiến Đế cởi hết y phục xa hoa, mang Bố y đơn sơ, vận dụng các tinh hoa Y thuật ở trong cung để cứu giúp dân chúng. Truyền thuyết này rất nổi tiếng ở Sơn Dương, cả hai được gọi là Long phụng y gia, hiện tại ở Bách Gia Nham Cảnh khu, có bia đá khắc hình vẽ Hán Hiến Đế hành y đồ.
Năm 260, Tào Tiết qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Bà được hợp táng với Hán Hiến Đế tại Thiền lăng với thụy hiệu là Hiến Mục hoàng hậu.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, Tào Tiết được mô tả khá tương đồng với lịch sử. Nguyên lai là Quý nhân của Hán Hiến Đế, sau khi Tào Tháo sai người đánh trượng giết chết Phục Thọ hoàng hậu, bà được lập làm hoàng hậu.
Sau, Tào Phi bức bách Hán Hiến Đế thiện nhượng, Hiến Đế đem việc này báo cho Tào Tiết biết. Khi ấy, Tào Hồng cùng Tào Hưu mang kiếm xông vào điện mời Hán Hiến Đế ngự ra điện, Tào Tiết quát: "Các ngươi đều là bọn loạn tặc! Cha ta công cái hoàn khu, uy chấn thiên hạ, mà còn không dám soán trộm Thần khí. Nay anh ta Tự vị nhiều lần, còn muốn soán Hán, Hoàng Thiên tất không phù hộ!".
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, nhân vật Tào Tiết lại được mô tả là tỷ tỷ (chị) của Tào Phi, nàng là người hết mực yêu thương Hán Hiến Đế dù ông chỉ là một hoàng đế bù nhìn. Nàng cũng là người trực tiếp đứng ra khuyên can Tào Phì không nên phế Hán và định chết chung với Tào Phi nhưng không thành.
Video: Cuộc đối thoại giữa chị em Tào Phi. (Nguồn: Youtuber PhimTV).
Quốc Tiệp (t/h)