Theo các nhà nghiên cứu, trộm mộ là hiện tượng xuất hiện gần như đồng thời với sự nảy sinh của văn hóa mộ táng tại Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc, trong nhân gian đã có chuyện trộm mộ, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng nhất, phải tính đến vụ Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Bình Vương, lấy roi quật xác rửa hận làm đầu. Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Vương là để báo mối thù không đội trời chung, chứ không phải vì đồ bồi táng trong lăng mộ. Hành động của ông ta rõ ràng là “có mục đích nhưng không vì tiền tài”, nên được Ban Sơn đạo nhân, với tôn chỉ “có sở cầu nhưng không cầu tài”, bái làm tổ sư gia.
Cuối thời nhà Tần, Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ phá lăng Tần, hỏa thiêu cung điện, báu vật cướp được nhiều không kể xiết. Hạng Vũ, Lưu Bang là nghĩa quân phản Tần, nên các Xả Lĩnh lực sĩ đời sau đều lấy chữ “nghĩa” làm chiêu bài tụ hợp, tôn thờ Tây Sở Bá vương làm tổ sư gia. Còn nữa, Sở Bá vương có sức dời núi lấp biển, cũng là điềm lành đối với đám người chuyên dùng ngoại lực phá mộ như bọn họ.
Thời Tam Quốc, hoạt động trộm mộ đã cực kỳ phát triển, không chỉ mình Tào Tháo mới có đội quân chuyên đi trộm mộ. Trong số những mộ tặc khét tiếng thời kỳ này, không thể không kể tới Đổng Trác.
Sự thật Tào Tháo ngoài cái danh "gian hùng thời loạn", ông còn là ông tổ của nghề đào trộm mộ chính tông. Thực ra lý do Tào Tháo phải đạo mộ rất đơn giản, đó là để nuôi quân. Cuối thời Đông Hán đầu thời Tam Quốc, vì chiến tranh liên miên, lương thực mà người dân trồng đều bị tàn phá, cộng thêm yếu tố thiên nhiên thời tiết, nên lương thực thời đó là một thứ vô cùng xa xỉ, lương thực chính là mạng, Tào Tháo vì muốn giảm áp lực tài chính nên đã nghĩ tới việc đạo mộ để lấy được nhiều vàng bạc hơn, rồi lấy số tiền đó để nuôi quân của mình. Ông đã thành lập một phân đội nhỏ chuyên đi đạo mộ, và gọi họ là "Mô Kim Hiệu Úy" hoặc "Mạc Kim Hiệu Úy" (chức quan chuyên đi tìm vàng). Đây cũng là đội quân được nhắc nhiều nhất trong các phiên bản chuyển thể phim ảnh, tiểu thuyết Ma thổi đèn hay Đạo mộ bút ký.
Vụ trộm mộ nổi tiếng nhất của Tào Tháo là trộm mộ của Lương hiếu vương Lưu Vũ, Lưu Vũ là thúc thúc của Hán Vũ đế Lưu Triệt. Vàng bạc trong ngôi mộ đó có thể giúp Tào Tháo nuôi quân trong vòng 3 năm.
Về việc Đổng Trác trộm mộ, dân gian lưu lại không ít giai thoại. Hầu hết các giai thoại đó đều đề cập tới một binh đoàn tinh nhuệ dưới trướng nhân vật này.
Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, binh đoàn này không chỉ theo Đổng Trác nam chinh bắc chiến để gây dựng sự nghiệp mà còn sẵn lòng theo ông ta xâm phạm nơi yên nghỉ của những người đã khuất để tìm kiếm bảo vật.
Trong Hậu Hán thư phần Đổng Trác liệt truyện từng ghi lại Đổng Trác hạ lệnh cho Lữ Bố đi lấy trộm bảo vật trong mộ cổ. Cũng theo Hậu Hán thư, Đổng Trác từ nhỏ đã hành tẩu giang hồ, bôn ba khắp chốn. Cho nên việc viên quan này lại làm ra hành động như trộm mộ cũng không phải điều hiếm lạ.
Về các phi vụ trộm mộ của Đổng Trác, nổi tiếng hơn cả là sự kiện mà viên quan này đem theo quân Tây Lương xâm phạm lăng mộ của Hán Vũ Đế Lưu Triệt.
Theo giai thoại dân gian, Đổng Trác liều mạng xông vào nơi an nghỉ của Hán Vũ Đế vốn không phải vì bảo vật đáng tiền nào. Mục đích thực sự của viên quan họ Đổng trong phi vụ trộm mộ lần ấy lại chỉ là tìm kiếm một bài thuốc cho cháu gái tuy nhiên lần trộm mộ này của Đổng Trác là bất thành.
Giai thoại về lần trộm mộ bất thành này của Đổng Trác đã được dân gian lưu truyền suốt nhiều đời. Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn chưa thể kiểm chứng tính thực hư của câu chuyện này.
Quốc Tiệp (t/h)