Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa được phác họa là vị quân sư kiệt xuất, chiến lược gia tài ba. Thừa tướng Gia Cát Lượng đã lãnh đạo nhà Thục Hán vượt qua nhiều khó khăn, lập công trạng và thưởng phạt công minh.
Tuy nhiên, thời điểm trước khi Lưu Bị qua đời, trợ thủ đắc lực và được ông tin tưởng nhất không phải là Gia Cát Lượng, mà là Pháp Chính.
Pháp Chính (176 - 220), tự Hiếu Trực, người huyện Mi, Thiểm Tây ngày nay, ông là người duy nhất lộng quyền giết người mà Khổng Minh không cản, là người duy nhất Khổng Minh cho rằng có thể ngăn được Lưu Bị đông chinh.
Bỏ Lưu Chương, theo Lưu Bị
Những năm đầu thời Kiến An, thiên hạ đói nghèo, Pháp Chính cùng đồng hương Mạnh Đạt cùng vào Thục, đầu quân cho Lưu Chương.
Tuy nhiên, Chương không phải người biết trọng dụng nhân tài, cho nên rất lâu sau Pháp Chính mới "leo" lên được chức Huyện lệnh Tân Đô, sau đó được phong làm Quân nghị hiệu úy.
Pháp Chính có tài mà không gặp thời, lại thường xuyên bị người Thục ghẻ lạnh vì là "kẻ ngoại lai". Ông vì điều này mà thường tỏ ra buồn khổ.
Quan Biệt giá Ích Châu Trương Tùng là bằng hữu của Pháp Chính, cũng cảm thấy Lưu Chương không phải nhân vật có thể thành đại sự. Trương cũng chung tâm trạng với Pháp Chính.
Năm Kiến An 13 (208), Trương Tùng đi sứ Tào Tháo, trở về khuyên Lưu Chương đoạn tuyệt với Tào mà quay sang giao hảo với Lưu Bị.
Cùng năm đó, liên minh Lưu Bị - Tôn Quyền đại thắng Tào Ngụy tại Xích Bích, thế lực cùng thanh danh Lưu Bị vang dội, khiến Lưu Chương rất tin tưởng cử ngay Trương Tùng đi sứ sang gặp Lưu Bị.
Trương Tùng nhân cơ hội này tiến cử Pháp Chính cho Bị. Ban đầu Chính còn thoái thác, nhưng rồi cũng phải "bất đắc dĩ" tới diện kiến Lưu Bị.
Lưu Bị gặp được Pháp Chính thì "dùng ân đức thu nạp", khiến Pháp Chính cảm thấy Bị xứng đáng là minh chủ "hùng tài đại lược", có thể theo phò tá.
Trở về Ích Châu, Pháp Chính âm thầm mưu tính cùng Trương Tùng, mang Ích Châu dâng cho Lưu Bị. Pháp Chính là người khuyên Lưu Chương không nên chủ trương cho quân cố thủ trong thành, tạo cơ hội để Lưu Bị dễ dàng chiếm được Ích Châu.
Trong chiến lược của Gia Cát Lượng, Kinh Châu và Ích Châu là hai vị trí quan trọng mà Lưu Bị cần phải kiểm soát nếu muốn đoạt thiên hạ.
Nhờ Pháp Chính, Lưu Bị nhanh chóng bình định Ích Châu, xây dựng mối quan hệ với giới nhà giàu địa phương. Pháp Chính được phong làm Thái thú Thục quân, Dương Vũ tướng quân, trở thành đại thần bên cạnh Lưu Bị.
Sau đó, Lưu Bị lại lệnh Pháp Chính cùng Gia Cát Lượng, Lưu Ba, Lý Nghiêm, Y Tịch biên soạn bộ pháp luật cai trị Ích Châu, thay đổi tình trạng lỏng lẻo dưới thời Lưu Chương.
Pháp Chính sau khi nắm quyền lớn không quên báo đáp những người giúp mình nhưng cũng gây tranh cãi khi triệt hạ những người có mâu thuẫn trong quá khứ. Đây là điểm mà sử gia Trần Thọ nhận định, Pháp Chính có “phẩm đức không vẹn toàn”.
Gia Cát Lượng biết chuyện nhưng cũng bỏ qua, không nói với Lưu Bị. Khổng Minh hiểu rằng, chiếm được Tây Xuyên có công lớn của Pháp Chính. Hơn nữa, Pháp Chính là người được Lưu Bị tin tưởng tuyệt đối, Gia Cát Lượng khó có thể can thiệp.
Giúp Lưu Bị đoạt Hán Trung
Năm Kiến An 22 (217), Tào Tháo sau khi dễ dàng hàng phục Trương Lỗ, không tiếp tục xua quân đánh Ích Châu, mà chỉ để lại Hạ Hầu Uyên, Trương Hạp cố thủ Hán Trung.
Pháp Chính lập tức hiến kế lên Lưu Bị, nêu rõ nhận định Tào Ngụy chắc chắn có vấn đề nội bộ, và chỉ ra ý nghĩa của việc đoạt Hán Trung - "Thượng, có thể thảo phạt 'quốc tặc' (chỉ Tào Tháo), tôn vinh Hán thất, chiếm lấy 2 châu Ung - Lương, mở rộng quốc thổ.
Hạ, đoạt được địa bàn 'cốt lõi', phục vụ chiến lược lâu dài".
Lưu Bị rất tán đồng quan điểm của Pháp Chính, bèn dẫn quân đánh Hán Trung.
Năm Kiến An 24 (219), Lưu Bị dẫn quân hạ trại ở Định Quân sơn, đối đầu với tướng Ngụy Hạ Hầu Uyên.
Khi ấy, Hạ Hầu Uyên trấn thủ cứ điểm phía Nam là Tẩu Mã cốc, Trương Hạp trấn thủ cứ điểm phía Đông là Quảng Thạch.
Pháp Chính dùng kế "dương Đông kích Tây", để Lưu Bị lĩnh hơn 10.000 tinh binh phân thành 10 đội, luân phiên tấn công Quảng Thạch trong đêm.
Trương Hạp đối kháng với Lưu Bị, dù không để mất cứ điểm nhưng cũng khó chống cự với đòn "xa luân chiến" của Bị. Hạp cầu viện Hạ Hầu Uyên.
Hạ Hầu Uyên buộc phải chia một nửa lực lượng chi viện cho Trương Hạp, trong khi bản thân tiếp tục cố thủ tuyến nam.
Binh lực của Uyên vừa giảm, Thục quân lập tức tập kích Tẩu Mã cốc, phóng hỏa thiêu Lộc Giác - công sự phòng vệ của Ngụy.
Hạ Hầu Uyên bất đắc dĩ phải lĩnh 400 quân ra cứu hỏa, tu bổ công sự.
Thời điểm này, Pháp Chính "ngắm chuẩn" cơ hội, đề xuất Lưu Bị tổng lực tấn công Uyên.
Lưu Bị lập tức lệnh Hoàng Trung đột kích từ hậu phương. Hạ Hầu Uyên trở tay không kịp, chết dưới tay lão tướng Hoàng Trung.
Kế trảm Diệu Tài (Hạ Hầu Uyên) là một trong những chiến tích có công lao của Pháp Chính
Thất bại của Hạ Hầu Uyên khiến Tào Ngụy để mất thế chủ động trong chiến dịch Hán Trung vào tay Lưu Bị.
Không lâu sau, Tào Tháo đích thân Tây chinh, nghe tin Pháp Chính là người hiến kế cho Lưu Bị, cảm khái nói - "Ta đã biết Huyền Đức không có khả năng thực hiện việc này, tất phải có người bày mưu hắn".
Chiến sự sau đó, mặc dù binh lực của Tào chiếm ưu thế, nhưng Lưu Bị luôn chọn phương án an toàn, không giao chiến với quân Tào.
Về sau, Tào Tháo bất đắc dĩ phải lui quân, để cho Lưu Bị "thoải mái" chiếm cứ Hán Trung.
Năm Kiến An thứ 24 (219, Hán Hiến Đế), Lưu Bị tự lập làm Hán Trung Vương, phong Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, kiêm Hộ quân tướng quân.
Lấy được Hán Trung là một trong những chiến thắng trọng yếu của Thục Hán, giúp Thục hình thành cục diện "tam phân thiên hạ" với Ngô - Ngụy về sau.
Pháp Chính là một tài năng quân sự bẩm sinh, được Lưu Bị vô cùng ưu ái.
Trong một chiến dịch đối đầu với Tào Ngụy, tình thế quân Thục bất lợi, vốn dĩ phải lui quân, song Lưu Bị tức giận kiên quyết không nghe.
Lúc này, Pháp Chính lao ra chặn trước loạn tiễn, khiến Lưu Bị phải hốt hoảng can ngăn - "Hiếu Trực tránh tên".
Pháp Chính đáp lại - "Minh công cũng mạo hiểm trước mưa tên, huống chi hạ thần?".
Lời Pháp Chính khiến Lưu Bị đành phải nghe lời ông mà rút quân, đủ thấy Bị trọng vọng Pháp Chính tới mức nào.
Pháp Chính sớm qua đời vì trọng bệnh vào năm 220, khi mới 45 tuổi. Cái chết của “đệ nhất quân sư Thục Hán” khiến cho Lưu Bị than khóc nhiều ngày.
Sau khi mất, Pháp Chính được Lưu Bị phong làm Dực Hầu. Ông là vị đại thần duy nhất được truy phong thụy hiệu dưới thời Lưu Bị.
Pháp Chính ngang tài Quách Gia
Pháp Chính lớn hơn Khổng Minh 4 tuổi, mặc dù tính cách cũng như đời sống cá nhân 2 ông có nhiều khác biệt, nhưng có điểm chung là cả 2 đều "lấy việc công làm trọng".
"Tiên chủ truyền nói: Gia Cát Lượng là trọng thần, Pháp Chính là mưu chủ".
Gia Cát Lượng chưởng quản nội vụ, hậu cần, còn Pháp Chính làm quân sư theo quân đội chinh phạt.
Sau này, vụ lùm xùm Quan Vũ - Tôn Quyền khiến liên minh Ngô - Thục trở mặt thành thù, Lưu Bị quyết Đông chinh phạt Ngô, bất chấp quần thần can gián.
Năm Chương Vũ thứ 2 (222), quân Thục Hán thảm bại ở trận Di Lăng, Bị lui về thành Bạch Đế, 2 năm sau thì mất.
Gia Cát Lượng đau khổ cảm thán - "Nếu Pháp Hiếu Trực còn, ắt có thể can gián Chủ thượng. Cho dù Đông chinh, cũng không thể thất bại".
Trên thực tế, Gia Cát Khổng Minh cũng rất khâm phục tài năng hiếm có trên lĩnh vực quân sự của Pháp Chính.
Giai đoạn chiến tranh trước khi Lưu Bị qua đời, nhóm Pháp Chính, Bàng Thống được đánh giá cao hơn Gia Cát Lượng, một phần cũng do bọn họ xuất hiện nhiều hơn trên lĩnh vực quân sự, trong khi Gia Cát Lượng quản lý hậu phương.
Sử gia Trần Thọ khen ngợi năng lực quân sự của Pháp Chính là "có thể sánh với 'thiên tài' Quách Gia của Tào Ngụy".
Video: Lưu Chương không nghe trung thần Ngăn Lưu Bị vào Tây Xuyên.
Quốc Tiệp