Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Nếu không vì chủ quan dẫn đến thất bại trong trận Xích Bích có lẽ Tào Tháo đã thống nhất được thiên hạ.
Dù mang tiếng đa nghi, gian trá nhưng Tào Tháo vẫn được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người. Ông yêu người tài, khát người tài, tìm mọi cách để có được người tài, chính vậy bên cạnh ông luôn có những mưu sĩ hàng đầu thời bấy giờ theo phò tá. Tuy nhiên, một người luôn coi trọng nhân tài như Tào Tháo cũng có lúc bỏ qua một nhân tài, đó là Trương Tùng chỉ vì người này có ngoại hình xấu xí.
Trương Tùng có tên tự là Tử Kiều, người Thành Đô thuộc Thục quận, Ích Châu. Tuy ngoại hình xấu xí nhưng ông có tài, được Ích Châu mục Lưu Chương trọng dụng, dần dần thăng tới chức Biệt giá Ích Châu, tức là nhân vật có quyền lực số 3 tại Ích Châu (cao nhất là Châu mục, thứ hai là Thị trung).
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của Luu, Trương Tùng được mô tả là một người đàn ông thấp bé, răng hô và có một chiếc mũi tẹt. Chính vì ngoại hình xấu xí nên ông thường không giành được sự tôn trọng của người khác. Trong tiểu thuyết, tên chữ của ông là "Vĩnh Niên" thay vì Tử Kiều như trong các ghi chép lịch sử.
Ngoài ra, ông còn nổi tiếng về trí thông minh, đọc đến đâu thuộc đến đấy. Trước khi gặp Tào Tháo, Trương Tùng còn gặp Dương Tu (một nhân tài kiệt xuất dưới trướng của Tào Tháo), trong khi Dương Tu ca ngợi về Tào Tháo và các chiến công thì Trương Tùng không đồng ý. Thậm chí khi Dương Tu kể về cuốn Mạnh Đức tân thư do Tào Tháo soạn ra và chưa công bố với ai thì Trương Tùng mượn đọc thử rồi sau đó đọc lại không sai chữ nào và cho rằng cuốn đó đã có từ lâu, ở Tây Xuyên đứa bé lên mười cũng đọc thuộc và không phải do Tào Tháo viết. Vì lý do này nên Tào Tháo bỏ, không truyền cuốn sách này về sau.
Theo sử liệu, sau khi diệt họ Viên, Tào Tháo hoàn toàn làm chủ Trung Nguyên, trở thành lực lượng mạnh nhất Trung Quốc khi đó. Ông tiến hành cải cách triều đình Đông Hán, khôi phục lại chức Thừa tướng và tự mình đảm nhiệm, đưa hàng loạt người thân tín nắm những chức vụ quan trọng trong triều đình cũng như những nơi hiểm yếu.
Năm 208, Tào Tháo đã khởi đại binh đi đánh Kinh Châu, Lưu Chương nghe tin bèn sai Trương Tùng đi sứ gặp Tào Tháo, tỏ ý đồng tình với chiến dịch nam chinh đó, để có vây cánh củng cố vị thế của mình ở Tây Xuyên.
Trương Tùng nhận lệnh lên đường đi sứ, xuôi theo sông Trường Giang. Đúng lúc Tào Tháo mới chiếm được Giang Lăng, Trương Tùng thuận theo dòng sông tới yết kiến Tào Tháo và bày tỏ quan điểm ủng hộ của Lưu Chương. Tào Tháo lúc đó đang bận rộn chiến sự, muốn cấp tốc tiêu diệt Lưu Bị, lại thấy Trương Tùng tướng mạo xấu xí nên có ý coi thường. Vì vậy Tào Tháo không chú trọng tới ông, chỉ ban cho ông chức Huyện lệnh huyện tỷ đô (huyện thuộc quận Việt Huề, Ích Châu).
Nhận định về hành động này của Tào Tháo, các sử gia cho rằng có thể vì chiến sự gấp gáp, Tào Tháo nhất thời sơ suất không hỏi cặn kẽ địa vị của ông ở Ích Châu, nên ban chức tước như vậy. Trương Tùng đang giữ chức Biệt giá ở cấp Châu, coi việc Tào Tháo hạ cấp của mình xuống làm quan huyện là một nỗi nhục lớn.
Sau này, khi Tào Tháo bị liên minh Tôn - Lưu đánh bại ở trận Xích Bích. Trương Tùng bèn trở lại Ích Châu báo cáo lại với Lưu Chương rằng binh lực của Tào Tháo cũng không có gì đáng kể, đã bị thua một trận không thể gượng dậy được. Từ đó ông khuyên Lưu Chương nên bỏ Tào Tháo chuyển sang liên minh với Lưu Bị.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết về sự kiện này như sau: “Trương Tùng được Lưu Chương phái đi sứ để gặp Tào Tháo. Ông muốn dâng cho Tào Tháo tấm bản đồ Tây Xuyên nhằm giúp Tào Tháo đoạt được Tây Xuyên. Nhưng Tào Tháo cho rằng ông đến gặp mình là nhờ cứu viện cho Tây Xuyên nên tìm cách thoái thác. Tào Tháo còn đối xử với ông rất tệ chỉ vì ngoại hình xấu xí. Để trả đũa, ông đã nhận xét một cách châm biếm những thất bại của Tào Tháo trong các trận chiến để làm nhục. Tào Tháo nổi giận đã ra lệnh đánh ông và tống khứ ông đi”.
Video: Tào Tháo tha Trần Lâm.
Quốc Tiệp (t/h)