Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Quan Vân Trường cả đời phò tá huynh trưởng, vì Thục Hán mà lập nên không ít công lao. Cũng bởi tài năng và sự trung nghĩa này, ông được người đời sau tôn làm Võ thánh, sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Với sức khỏe hơn người, Quan Vũ dùng thanh Thanh Long Yển Nguyệt đao nặng hơn 40 kg. Trong suốt cuộc đời chinh chiến, ông lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt khởi nghĩa Khăn Vàng, chém Hoa Hùng, đại tướng của Đổng Trác, chém Nhan Lương, Văn Xú, 2 tướng tài của Viên Thiệu, vượt 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo, chiếm quận Trường Sa, thu phục được Hoàng Trung, bức hàng Vu Cấm, chém Bàng Đức.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Vũ được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Quan Vũ được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Nói cách khác, ông chính thức trở thành Võ thánh của Nho gia, có địa vị ngang hàng với ông tổ của đạo này là Văn thánh Khổng Tử.
Thậm chí, những phường hội kinh doanh, buôn bán còn sùng bái Quan Công hơn nhiều so với Khổng Tử.
Hành trình thần thánh hóa Quan Vũ
Năm 219, Quan Vũ đánh bại Tào Nhân, khiến Vu Cấm quy hàng, dùng kế chém Bàng Đức, danh tiếng của ông trở nên lẫy lừng. Mặc dù vậy, Quan Vân Trường phạm vào đại kỵ của nhà binh là kiêu ngạo, khiến ông để mất Kinh Châu và bị Lữ Mông bắt sống, sau đó gặp nạn.
Quan Vũ từ hầu lên công, từ công thành vương, từ vương lên đế, từ đế lên thánh, làm nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc. Sau cùng, sánh ngang với Khổng Tử (Vua Càn Long tôn ông làm "Sơn Tây Quan Phu Tử" năm 1736, trở thành nhân vật thứ hai trong lịch sử Trung Quốc nhận danh hiệu Phu Tử, chính thức đặt ông ngang hàng Khổng Tử), được phong là "Thánh võ", sức ảnh hưởng vượt xa Tào Tháo và Lưu Bị.
Trang lịch sử của Sina (Trung Quốc) cho hay, kể từ thời Minh Thanh, cùng với việc “nâng hạng” miếu Quan Công thành Võ Miếu, Quan Vũ cũng trở thành Võ thánh, cùng với ông tổ của Nho giáo Khổng Tử trở thành “văn võ nhị thánh” trong hệ tư tưởng của người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, Sina tiết lộ, sở dĩ Quan Vân Trường được “phong thánh”, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thiết lập một hình mẫu đạo đức mô phạm nhằm thu phục nhân tâm và bảo hộ sự thống trị của các triều đình phong kiến Trung Quốc.
Sina trích dẫn bài văn “Trùng tu Ngọc Tuyền Quan miếu ký” của Đổng Thính vào năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông, được chép trong cuốn “Toàn Đường văn”, chỉ ra vào thời kỳ Trung Đường đã có sự tồn tại của “Quan miếu”, cho thấy nhân vật Quan Vũ nhận được sự sùng bái của dân chúng.
Thời Nam Tống, góc nhìn chính sử thời Tam quốc “Ngụy là vua, Thục là giặc” được đảo ngược thành “Ngụy là giặc, Thục là vua”, khiến cho vị thế chính trị của Quan Vũ – người trung thành với Lưu Bị – được nâng cao rõ rệt, và màu sắc thần thánh hóa đối với ông cũng đậm nét hơn.
Thậm chí, trong thời kỳ nhà Nguyên của Mông Cổ thống trị Trung Hoa, hình tượng Quan Vũ vẫn được duy trì. Cuốn “Nguyên sử – Tế tự ký” có ghi chép, lễ phật trong cung đình nhà Nguyên luôn có “Quan Vũ thần kiệu”. Các nhà sử học cho rằng, việc xuất hiện “thần kiệu” cho thấy bên trong kiệu nhiều khả năng chính là thần tượng của Quan Vũ. Đây được cho là ghi chép hiếm hoi về việc thần thánh hóa nhân vật Quan Vũ được xuất hiện trong chính sử.
Đến thời nhà Minh, những ghi chép liên quan đến Quan Vũ càng nhiều, thậm chí có cả sắc phong của Hoàng đế. Sina cho hay, những hoạt động này không nằm ngoài “công tác tuyên truyền” của nhà thống trị phong kiến nhằm đề cao tư tưởng trung nghĩa, với hy vọng “giáo dục tư tưởng” cho các văn thần võ tướng học tập “tấm gương” của Quan Vân Trường, cống hiến hết mình cho triều đình.
Năm 1614, vua Minh Thần Tông đã “chính thức hóa” ngôi vị thần thánh của Quan Vũ khi sắc phong danh tướng này thành Hiệp thiên hộ quốc trung nghĩa đế, gia phong Tam giới phục ma đại đế thần uy viễn trấn Thiên tôn Quan thánh đế quân. Thậm chí, sự tôn sùng đối với Quan Vũ còn trở thành “mốt” trong cung đình nhà Minh vào khoảng 1621-1627, khi có ghi chép “trong cung dựng 2 tượng Quan đế, một lớn một nhỏ”.
Sina cho hay, triều đình nhà Thanh đối với việc tuyên truyền hình tượng Quan Vũ còn “đầu tư công sức” gấp bội so với Minh triều, điều này có liên quan tới câu chuyện lập quốc của Thanh triều. Theo đó, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích là một người hâm mộ bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, đồng thời học hỏi nhiều binh pháp thao lược trong đó. Trong cuộc chiến thống nhất tại quan ngoại, quân đội của ông thường không phải nếm mùi thất bại. Các nhà nghiên cứu về triều Thanh tiết lộ, với mục đích thần thánh hóa bản thân và phủ thêm màu sắc huyền bí cho chiến thắng quân sự, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã tuyên truyền rằng ông “được thần Quan Vũ phù hộ”.
Năm 1652, vua Thuận Trị phong Quan Vũ thành Trung nghĩa thần võ Quan thánh đại đế. Đến 1760, vua Càn Long lại phong thành Trung nghĩa thần dũng Quan thánh đại đế, và năm 1769 tiếp tục đổi thành Linh hữu trung nghĩa thần võ Quan thánh đại đế. Đến thời điểm này, Quan Vũ đã chính thức được nâng lên thành Võ thánh, và Võ Miếu của ông đã sánh ngang với Văn Miếu thờ Khổng Tử.
Ngày nay, sự tôn thờ Quan Vũ đã vượt qua ranh giới giai cấp, giới tính, tuổi tác… và thậm chí vượt qua cả quốc tịch và biên giới quốc gia mà ngay cả những lãnh đạo nổi tiếng như Lưu Bị hay Tào Tháo cũng không làm được.
Ở Nhật, Singapore, Malaysia, Philippines và thậm chí tại các khu người Hoa ở Anh Mỹ, tín ngưỡng thờ phụng Quan Vân Trường đều rất thịnh hành.
Có học giả Trung Quốc đúc kết, nguyên nhân Quan Vũ được sùng bái đến vậy, chính là do sự tôn sùng của quan niệm dân gian đối với "nhân cách hoàn mỹ" trung - nghĩa - vũ - dũng.
Video: Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo.
Quốc Tiệp