Tân Định như một trung tâm của Sài thành - “Hòn ngọc Viễn Đông”. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, người uống cà phê sành điệu tới Tân Định để mua cà phê hương vị Pháp: Jean Martin, Meilleur Gout. Hồi đó, những thanh niên trai, gái muốn trọn cho mình những trang phục đúng điệu, hợp thời trang thì không thể thiếu đôi giày đặt làm ở tiệm giày Trinh Shoes trên đường Hai Bà Trưng (con đường chính của Tân Định).
Sau nhiều năm phục vụ khách hàng, ngày nay tiệm giày này đã đổi chủ, bán những mặt hàng thời trang cao cấp, chìm lẫn trong vô số tiệm giày ở Sài Gòn.
Chợ Tân Định ngày nay đã mang nhiều nét đổi thay
Thuốc “Cam Hàng Bạc - Hà Nội”, tức nhà thuốc Nhân Phong Đường, nổi tiếng chữa trị sài đẹn cho trẻ em từ lúc ở Hà Nội, di cư vào Sài Gòn từ những năm 1950. Nhà thuốc đặt tại Tân Định, trên đường Hai Bà Trưng, gần khúc rẽ vào đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng). Ngôi nhà cũ xưa, mái ngói rêu phong bao nhiêu năm của nhà thuốc Nhân Phong Đường, mới được xây dựng lại thành nhà cao tầng cho hợp với lối sống hiện đại ngày nay.
Ngày trước, nhắc tới Sài Gòn là nhắc tới cà phê Thu Hương, cà phê Văn Hoa - Đa Kao, bánh xèo Đinh Công Tráng, giò chả Phú Hương… của Tân Định. Quán cà phê Thu Hương ngày trước thu hút đông đảo mọi tầng lớp ở Sài Gòn. Sau nhiều biến cố quán cà phê này đã đóng cửa khiến nhiều người nuối tiếc. Từ đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), rẽ vào đường Hai Bà Trưng vài trăm mét sẽ thấy quán Thu Hương nằm cùng phía nhà thờ Tân Định. Quán có vườn cây rộng rãi sau hàng chắn song sắt thưa. Bây giờ đi qua đó chỉ thấy những nhà cao tầng chen chúc.
Quán cà phê Văn Hoa – Đa Kao nay vẫn còn duy trì trên đường Trần Quang Khải sát khu Đa Kao. Chỉ khác ở chỗ là người chủ mới đã đổi tên Văn Hoa thành quán cà phê Cát Đằng. Tuy nhiên rạp chiếu phim ở lầu trên của tòa nhà vẫn mang tên “Cinema Văn Hoa”.
Giò chả Phú Hương thuở trước thì nay cũng đã thay đổi rất nhiều. Tiệm bán hàng ngày nay đã bị “chia năm xẻ bảy” thành những căn nhà nhỏ, một căn nhà vẫn còn trưng biển hiệu Giò Chả Phú Hương. Đi quanh khu Tân Định ngày nay ta sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng giò chả, quán nào cũng ghi “Giò Chả Phú Hương chính hiệu”.
Đường Đinh Công Tráng, con đường nhỏ hẹp, nhiều năm được xem như “con đường bánh xèo”, đưa bánh xèo lên thành đặc sản của vùng Tân Định. Các hàng bánh xèo ở đây luôn rất đắt khách. Chỉ cần một cái bàn nhỏ và mấy chiếc ghế là ta có thể vừa ăn bánh xèo vừa cảm nhận cuộc sống của những người xung quanh ở vùng đất Tân Định này.
Đến với vùng Tân Định ngày nay, chúng ta không thể không thưởng thức cà phê tại quán cóc trên vỉa hè ở đường Bà Lê Chân. Các quán cóc bày bàn ghế ra vỉa hè phục vụ những người có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối. Cũng trên con đường Bà Lê Chân, rất nhiều các loại hàng hóa cũng được bày bán dọc hai bên đường. Các loại hàng hóa như trái cây, các thứ rau, củ quả… luôn nhộn nhịp khách qua lại.
Nói đến Tân Định, ta không thể bỏ qua khu chợ Tân Định. Chợ được xây vào năm 1926 và là một trong những chợ di tích lịch sử của TP. HCM. Cổng chính của chợ được thiết kế khá đẹp và nổi bật mang đậm phong cách kiến trúc cổ xưa. Ngành nghề kinh doanh chính là thực phẩm tươi sống, quần áo, thực phẩm khô, giày dép, trái cây… với mức giá nhỉnh hơn so với những chợ khác. Tuy nhiên, nơi đây lại là vựa kinh doanh vải vụn lớn và rẻ nhất TP. HCM .
Ngày nay, Sài Gòn vẫn không ngừng phát triển, để theo kịp với nhịp sống chung của thời đại. Những nét văn hóa xưa trên mảnh đất này ngày càng bị mai một. Nếu bạn có dịp đến Sài Gòn, hãy ghé qua mảnh đất Tân Định, thưởng thức cà phê cóc, ăn bánh xèo, sắm đồ ở chợ Tân Định… Bởi biết đâu sau này, những đặc sản ấy lại không còn nữa…
Thế Quyết