Đang ở nhà tập thể, tưởng cứ thế yên ổn ở đến già, uỵch phát, một ngày đẹp trời, nhận thông báo: giải tỏa khu tập thể để xây công sở. Thế là chạy đôn chạy đáo kiếm đất làm nhà dù trong túi rất ít tiền, nhưng đường cùng rồi, cứ đi khắc đến, bạn tôi bảo thế.
Rồi tôi thành người đầu tiên đến nhận đất ở một khu mới, và cũng là người làm nhà đầu tiên ở đấy. Giờ nó là một khu đông vui, có trụ sở công an phường, có trường mẫu giáo chuẩn quốc gia ngay đối diện nhà.
Cách đây khoảng hai chục năm, hồi tôi mới làm nhà ấy, có một ông cụ cũng về đấy làm nhà. Cao to lực lưỡng và... nặng tai. Rất thích chơi cờ dù luôn... về nhì.
Một hôm ông sang nhờ thắt cái ca vát. Hỏi cụ sắp đi đâu à? Bảo cụ Giáp gọi ra gặp? Oài, cụ Giáp gọi luôn?
Thế là vân vi, mới té ra, trước mặt tôi đây, ông hàng xóm lặng lẽ nhà tôi đây, nguyên là đại úy đặc công khu 5, từng được bộ quốc phòng, và trực tiếp đại tướng Võ Nguyên Giáp, giao nhiệm vụ sang tận thủ đô nước Lào giải thoát hoàng thân Xu Pha Nu Vông an toàn.
Chuyện rất ly kỳ, tôi đã viết một cái phóng sự đẫy hai trang báo.
Nhưng tôi muốn kể chuyện khác. Chuyện tất niên.
Một hôm ông sang nhà, bảo tôi, tết này mình nên tất niên xóm. Tôi thấy hơi buồn cười, vì thường người ta chỉ tất niên trong nhà mình, tất niên doanh nghiệp, mấy khi tất niên xóm (cái cách gọi xóm cũng vui, nó giữ được nét quê, nó ấm áp tình làng nghĩa xóm, dù nó ở giữa phố. Có thể đấy là bằng chứng của dân Việt đều thoát thai từ nông thôn ấy là ngay ở tên gọi. Khu phố tôi là con phố to oành giữa trung tâm thành phố, nhìn thẳng ra cái quảng trường hơn ba trăm tỉ, suốt ngày nam thanh nữ tú dập dìu, thế mà dân toàn trìu mến gọi... xóm mình), nhưng nể ông nên ủng hộ.
Ngay cái món tất niên xóm nó cũng là từ nông thôn, phong tục cúng ngụ, hoặc cúng ngõ, tóm lại là cúng cái ngõ ấy, con đường qua nhà ấy, khu dân cư ấy để các vị thánh thần phù hộ độ trì cho dân an lạc thái bình. Một cách "tự túc" về an ninh và đời sống từ xưa vậy.
Thế là họp xóm, mỗi nhà một người, ai cũng nhất trí. Tôi được cử làm... trưởng ban dao thớt.
Ở nông thôn thì dễ chứ thành phố rất khó. Có nhà ở sát nhau nhưng cả năm chả thấy mặt nhau chứ đừng nói la cà làm ấm trà lon bia, vậy nên, cái cuộc tất niên này nó quan trọng phết.
Có một ông trong xóm có “cơ sở hai” dưới huyện, giao ông này đặt một con lợn. Đúng ngày đúng giờ bắt lên. Mỗi nhà một người xúm vào. Phần ăn thì phụ nữ phụ trách, đàn ông lo bàn ghế và... chia thịt. Cũng y như ở quê, ngả các tàu chuối ra (lại có hẳn một ông lo chuyện lá chuối và lạt), chia thịt thành từng phần, xong xâu lạt, đi giao cho từng nhà. Ai cũng xúc động như được sống lại ký ức một thời quê, dù có nhà, tận tháng mười xâu thịt vẫn nguyên trong ngăn lạnh.
Cũng cúng. Một mâm cỗ đủ đầy được biện ra ở ngay đầu đường. Ông cụ đứng ra cúng, mỗi nhà một người thắp hương. Đại loại ông chúc cho dân giàu nước mạnh Đảng trong sạch (cụ lão thành cách mạng nên kể cả việc nhà cũng phải lồng trong vận nước), cho bà con trong xóm bình an làm ăn phát đạt, đặc biệt công an phường... thất nghiệp và trường mẫu giáo thì... ngập việc (trường chuẩn quốc gia, chả chúc thế thì cũng luôn luôn full sĩ số học sinh).
Sau đấy thì tất cả ra ăn và hát.
Nó kết nối bà con khu phố, nó ấm áp thân tình, nó giải quyết nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nó kết nối tình cảm vân vân các cái.
Cụ mất hơn mười năm rồi, xóm vẫn giữ nguyên phong tục ấy.
Hôm qua xóm tôi lại tất niên. Năm nay có cái mới là cái xóm trên, tức cái đường vuông góc với con đường xóm tôi ấy, xin nhập làm chung. Ngay chọn ngày cũng phải tính toán, là làm sao để các gia đình có con cháu đi học, đi làm ở xa về đông đủ, nhưng cũng tương đối thôi, bởi cận tết quá thì dịch vụ nấu ăn không nhận nữa. Cái thay đổi mấy năm nay là ít nơi tự nấu nữa, mà đặt dịch vụ, phục vụ tận... mâm.
Mấy năm nay các... nhà văn cũng hay tất niên. Hội Nhà Văn Việt Nam thành lập các chi hội cấp tỉnh. Một số chi hội ở miền Trung cũng tất niên, như ở Huế, mỗi năm một ông/ bà đăng cai, làm ở nhà mình, bảy tám anh em gì đấy quây quần lại. Trước hôm tất niên anh em nhà văn Huế có một phong tục rất đẹp nữa là đi viếng mộ thi nhân. Riêng số anh em ở Hà Nội thì hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức, kết hợp tổng kết năm và kết nạp hội viên, trao giải thường niên. Thì cũng là lấy cái sự vui vẻ gắn kết là chính. Tất niên kiểu này không... cúng như xóm tôi, dẫu cũng có báo cáo trong năm ai viết được gì in được gì?
Trở lại chuyện cúng tất niên xóm. Dẫu vô thần nhưng vì... việc lớn nên tôi cũng phải hỏi xin một ông thầy cúng bài cúng mẫu rồi lắp địa danh ngày tháng vào. Rồi cũng xúng xính bộ áo dài khăn đóng đọc bài cúng, xưng tên tuổi từng nhà trong xóm, tới mấy chục nhà. Rồi đốt cái bài cúng ấy. Quê tôi ở Huế thì gọi bài cúng ấy là “vơn”, tôi đồ chừng lại gọi chệch từ “văn” mà ra.
Người Huế kỹ, rất hay gọi chệch bởi cái lệ từ thời Minh Mạng thì phải, là phải tránh tên hoàng tộc. Nên văn thành vơn, thái thành xắt, Đông Hoa thành Đông Ba (chợ), ngay cái tên tỉnh Thanh Hóa cũng từ Thanh Hoa mà thành. Cái lệ phía Nam hay gọi nhau theo thứ có thể cũng từ cái lệnh húy kỵ này, thay vì gọi tên thì anh Hai chị Ba anh Tư chị Bốn...
Ba tôi có tên ở nhà là Lai được gọi chệch thành Lơi, chú tôi là Dũng được gọi là Doãn, dượng tên Bảng được gọi thành Bởng...
Có bộ áo dài là bởi, ở quê tôi, trên sáu mươi tuổi là phải mặc áo dài khăn đóng khi tới dự các việc trọng của họ. Năm trước về quê, ông em dắt đi may một bộ đủ món từ áo, quần tới khăn.
Một năm có 3 lần mặc, hai lần giỗ ba mẹ và lần... cúng xóm.
Báo chí cũng đưa tin, năm nay nhiều chủ các nhà trọ ở Sài Gòn, Bình Dương..., nơi có nhiêu công nhân và người lao động ở trọ, cũng bỏ tiền ra làm tất niên cho người thuê nhà, như một nghĩa cử cám ơn lẫn nhau, trước khi họ về quê ăn tết.
Hôm nay là 30 tết rồi, các gia đình lại tất niên từng nhà, một dịp cả nhà quây quần và cũng là cách tưởng nhớ tổ tiên. Nên người Việt, đi làm ăn khắp nơi, tết vẫn cố về nhà là thế, dù mấy năm nay, xu hướng đóng cửa đi chơi tết cũng đang phát triển...