Cái nghèo của những ngày thơ ấu vẫn còn ám ảnh mãi nhiều năm về sau. Loa kèn thì trắng, nỗi buồn thì lặng và lạnh, nước mắt cứ chực rơi ra. Nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ bố, nhớ cái gánh hàng rong thuở còn nghèo khó của mẹ. Hà Nội lạnh quá...
Chiều đi làm từ Bát Tràng về, lang thang qua đường Thanh Niên, ngắm hồ Dâm Đàm lấp lánh bạc, mua cho mình một bó loa kèn trắng muốt. Nói trắng muốt là điêu, vì thực ra hoa đã nở đâu, xanh phớt thì đúng hơn. Mua vì đi đường nhìn thấy một cái lưng áo bạc màu, một cái nón cũng đã ngả bụi còng lưng tất tả trên đường, những bó hoa loa kèn trong cái thùng nước lắc lư tự nhiên thấy thương cho chính mình chứ không phải thương cho người đâu.
Nhớ đợt trước đi làm bài về nhiếp ảnh gia Đức Lợi, sang nhà thấy có một bức ảnh người phụ nữ bán rong, tự nhiên chảy nước mắt vì thương mẹ. Ngày còn nhỏ, mẹ vẫn tất tả hàng rong như thế, có những ngày một bên gánh con, một bên gánh hàng quanh phố.
Áo mẹ bạc nhiều, tóc mẹ lúc nào cũng búi gọn, khi nào có mấy sợi lơ thơ trước trán nghĩa là lúc mệt mỏi lắm rồi. Ngày ấy, bố hay đi công tác, có ba mẹ con ở nhà. Mẹ nghỉ việc nhà máy vì không đủ ăn. Nhiều hôm mẹ ốm, con ốm, vào bệnh xá công an nằm được mấy ngày là lại trốn về. Không trốn về, không đi làm thì lấy gì ăn... Cái nghèo của những ngày thơ ấu vẫn còn ám ảnh mãi nhiều năm về sau.
Ảnh minh họa
Loa kèn thì trắng, nỗi buồn thì lặng và lạnh, nước mắt cứ chực rơi ra. Nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ bố, nhớ cái gánh hàng rong thuở còn nghèo khó của mẹ. Hà Nội lạnh quá. Thế nào ngày mai bố mẹ cũng nhớ gọi điện ra để chúc mừng con gái thêm tuổi mới. Chả năm nào bố mẹ quên mà năm nào thì con cũng muốn quên.
Tuần trước mẹ ra, bảo là đi khám lại bệnh nhưng thực ra để chăm con gái. Mẹ ra thì vui, nhưng thật thà mà nói thì... hơi phiền não một chút. Sáng, mẹ dậy sớm đi mua ăn sáng cho con rồi ngồi chờ, đến trưa thì đi chợ nấu cơm chờ con về. Con 9h te te lên toà soạn, đi phỏng vấn, về viết bài, chưa đến 12h lại te te chạy về ăn cơm, bài vở đang viết dở cũng kệ. Ăn xong miếng cơm nếu còn bài viết dở lại te te chạy về toà soạn, mặc mẹ ở nhà một mình.
Chiều đến chưa đến 6h đã te te chạy về, bình thường vẫn ngồi om chân ở toà soạn đến lúc chú Hiến đuổi về. Than thở với bạn, mẹ ra bận về ăn cơm với mẹ thành thử chẳng chạy đi tác nghiệp được đâu xa. Một tuần thì mẹ về, mắt mẹ đỏ hoe. Bảo mẹ ở lại, mẹ bảo không về lấy ai nấu cơm cho bố với em.
Thằng em 24 tuổi, mẹ đi vắng gọi điện ra bảo: "Chị ơi, em mua cơm hộp về nhưng mà suất 30 nghìn chỉ có cơm với tí thức ăn, giờ làm thế nào?... Bố đi bắt phạm mấy ngày rồi, em toàn ăn mì tôm"... bla bla bla...
Chiều qua thấy lạnh, sáng nay cũng thấy lạnh, heo heo buồn vì nỗi phải chia tay với nàng Bân. Tự nhiên lại thấy lòng luênh loang. Giống như một vũng nước vậy, tràn lan trên một vỉa hè nào đó, rồi đột nhiên có một thằng nhóc con nghịch ngợm, giẫm đạp lên, làm nước bắn tung toé, bẩn cả chân.
Chiều hôm qua ra khỏi nhà, té trước đống gạch cát, vôi vữa ngoài cổng, guốc cao 12 phân, suýt trẹo. Lần này mà trẹo nữa là hết đi lại luôn, cô hàng xóm nhìn sang còn cười: "Thế có gãy guốc không? Tưởng gãy tao sang tao nhặt. Hố hố", cười méo xệch.
Thấy buồn buồn nên đi thôi, có người cấm nhưng cũng chỉ để cấm cầm chừng, cho tỏ ra có trách nhiệm quan tâm thì để ý làm gì, cái gì mình thích thì cứ làm, cái gì khiến mình vui thì mình giữ, đẹp xấu quan trọng gì.
Sáng nay dắt xe ra khỏi nhà, định vào phố loanh quanh cho đời mỏi mệt, kiếm vài góc nhỏ nhặt của Hà thành tí thì xe chết máy, không đề được, suýt khóc. Xe to, guốc cao, gót nhỏ, dắt được chừng chục mét đã thấy tả tơi rồi. Gọi viện binh sang, viện binh bảo đang ăn sáng, ngồi đợi. Ừ thì đợi, trong lúc đợi cũng nên tự an ủi cho mình tí, nhảy ngay sang hàng bún đậu cạnh đó, chưa kịp chén hết thì viện binh sang. Hai đứa nhìn nhau cười… khả ố.
Trưa, loanh quanh phố. Qua Thuỵ Khuê chợt nhìn thấy một bà ngồi nhổ tóc sâu cho một bà. Nhớ bữa tối trước có nhổ tóc bạc cho người yêu. Mới có một thời gian mà con người cũng thay đổi nhiều. Suy nghĩ nhiều, già dặn đi, không còn là ông công tử ngơ ngáo nữa. Thay đổi thì có buồn, có vui, có nể mà cũng có chút sợ. Giơ tay ra cứ thấy như mình đang đẩy chính mình về một cái chiều nào đó hun hút, không thể nào bắt kịp được mọi người. Hay là gió hút nhỉ? Gió hút người ra xa.
Mang mấy tờ báo sang cho bạn đọc, bảo em mới có loạt bài hay ho, xúc động đậy, bạn ngồi cả trưa đọc rồi lăn ra tít khò lúc nào không rõ. Ở ngoài nghe thì thi thoảng vẫn thấy tiếng giấy lột sột. Con chó bỏ đi hay chết đâu mất rồi. Phởn ơi, nghe cứ thấy mùi thịt thối thum thủm, tìm mà không ra, hay mày chết góc tường nhà hàng xóm hở Phởn? Tên tao đặt cho mày đẹp thế mà đời mày không phởn được tí nào sao mày?
Trầm Huệ