Tăng cước 3G cao nhất 40%, nhà mạng vẫn lỗ?
Theo tìm hiểu của PV, đây là lần thứ hai tính từ đầu năm 2013 đến nay, cước 3G tiếp tục tăng với mức cao. Lý do được nhà mạng đưa ra là giá cước hiện nay quá thấp so với giá thành và nhằm bù lỗ cho các nhà mạng khi bị các dịch vụ OTT (dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua internet) đe dọa.
Từ ngày 16/10, giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%. Trong đó, gói Mimax không giới hạn dung lượng của Viettel tăng từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng. Gói cước tương tự được áp dụng với gói MIU không giới hạn dung lượng của Mobifone. Ngoài ra, cước 3G trọn gói dành cho học sinh, sinh viên cũng được tăng lên 50.000 đồng/tháng. Ngoài việc điều chỉnh giá 3G, các nhà mạng đều hứa nâng cao chất lượng dịch vụ như từng cam kết trước khi đề xuất tăng giá với Bộ Thông tin và Truyền thông.
TS.Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Ngay sau khi cả 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G, trên các diễn đàn công nghệ, nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ với việc tăng cao như vậy. Rất ít người tỏ ra thông cảm với Viettel, VinaPhone và MobiFone dù 3 nhà mạng này từng tuyên bố cước 3G ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.
Anh Trung Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc nói: "Vừa nhận được tin nhắn tăng cước là tôi đã hủy ngay gói MIU của MobiFone. 50.000/tháng tôi còn chấp nhận dùng, còn với giá này thì tôi chuyển sang dùng ADSL và mua thêm modem Wifi để không phải dùng 3G. Phải chăng các nhà mạng chủ trương tăng cước internet 3G để bù cho các dịch vụ viễn thông khác bị giảm doanh thu?!. Không biết giá cước các nhà mạng tính mức độ nào và phải tăng bao nhiêu lần nữa thì mới đủ giá thành vì nghịch lý là lượng khách hàng sử dụng ngày càng tăng mà giá cước cũng tăng theo".
Sự việc cả 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G khiến không ít khách hàng than trời. Bác Trần Tuấn Anh (Khâm Thiên, Hà Nội) cho rằng: "Nếu tăng quá, người dùng ít đi thì nhà mạng sẽ là người chết đầu tiên!".
Bắt tay nhau "móc túi" người tiêu dùng?
Khi được hỏi về nguyên nhân cụ thể của việc tăng giá cước 3G lần này, đại diện VinaPhone cho biết, việc điều chỉnh để hợp lý hóa các gói cước phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đồng thời giúp các nhà mạng nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G và tạo điều kiện đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong thời gian tới.
Cũng theo đại diện VinaPhone, kế hoạch từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tăng cường thêm gần 3.000 trạm thu phát sóng, trong đó có đến 2.500 trạm 3G trên toàn mạng. Số lượng trạm 3G bổ sung lần này sẽ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP.HCM và một số khu vực trọng điểm khác có mật độ người dùng các dịch vụ băng rộng đông đảo và mạnh nhất. Khi đó, tổng số lượng trạm thu phát sóng của VinaPhone trên toàn mạng là hơn 33.000 trạm, cho phép phủ sóng dày đặc đến hầu hết mọi địa điểm trên cả nước.
Đặc biệt, kế hoạch nâng cấp mạng vô tuyến 3G (dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2013) sẽ đẩy tốc độ truy cập mạng 3G của VinaPhone lên chuẩn HSPA+ hay còn gọi là 3,5 G (tốc độ tải xuống 21Mbps, tốc độ tải lên 5.76Mbps). Như vậy, tốc độ mạng 3G của VinaPhone sẽ tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào tháng 10/2009.
Việc tăng giá cước lần này của các nhà mạng đã được Cục Viễn thông, bộ Thông tin - Truyền thông, chấp thuận. Tuy nhiên trước đó, cơ quan này cho biết các nhà mạng sẽ được tăng mức cước trung bình lên 20%, thời điểm tăng do nhà mạng tự quyết định. Vậy mức tăng hơn 40% của các nhà mạng có vượt giới hạn cho phép của cơ quan quản lý hay không?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - nguyên cục trưởng cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, hiện tượng 3 nhà mạng lớn nhất cùng lúc tăng giá cước 3G khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi và đặt ra nghi vấn của việc bắt tay liên kết thỏa thuận giá dịch vụ. Đây là dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi bắt tay liên kết thỏa thuận giá. "Cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công Thương) và cục Quản lý giá (bộ Tài chính) cần nhanh chóng vào cuộc điều tra. Phải làm rõ việc các nhà mạng dựa vào cơ sở nào để tăng giá và liệu có liên kết tăng giá hay không", bà Loan nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, LS. Phạm Văn Phất (trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm) cho biết: "Theo luật Cạnh tranh, trong 3 hành vi hạn chế cạnh tranh gồm lạm dụng vị trí thống lĩnh, thỏa thuận và thông đồng thì thỏa thuận là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất. Các doanh nghiệp bắt tay nhau thỏa thuận giá để móc túi người tiêu dùng không phải là chuyện mới ở Việt Nam".
TS.Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: "Chỗ này, chỗ kia người tiêu dùng còn kêu ca về chất lượng dịch vụ của các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G. Chính vì thế cần phải xem xét chất lượng dịch vụ và giá cả tăng có phù hợp hay không? Đặc biệt là có hay không sự bắt tay của 3 nhà mạng chiếm đến hơn 90 % thị phần dịch vụ 3G cùng tăng giá đồng loạt. Đó rõ ràng là một hiện tượng bất thường. Và theo cá nhân tôi, các cơ quan quản lý cần phải có sự xem xét. Giá cả là cạnh tranh, thị trường là cạnh tranh, mỗi công ty, đơn vị có chiến lược kinh doanh riêng, tại sao lại cùng tăng giá thành cùng một thời điểm? Tại sao lại đồng loạt như vậy? Đó là một câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra với sự việc này. Nếu đúng có sự bắt tay tăng giá thì đó là hành vi vi phạm luật Cạnh tranh".
TS.Tuấn cũng cho hay: "Tôi cũng từng được nghe một số người kêu ca về chất lượng dịch vụ, tuy nhiên chưa có một khách hàng nào có đơn thư đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lý do đơn giản là người tiêu dùng không dùng dịch vụ của 3 nhà mạng này thì biết dùng của ai? Các nhà mạng này tăng giá thì người tiêu dùng cũng không biết mức giá đó là cao hay là thấp? Người tiêu dùng khó có thể đánh giá được vì không có đơn vị khác để so sánh. Giống như giá thuốc hiện nay là một thứ rất điển hình cho tình trạng này. Ai cũng biết giá cao, ai cũng biết họ tăng giá phi lý. Thuốc và các công ty thuốc khuyến mại, hoa hồng đủ kiểu, chia chác phần trăm với cả các bác sỹ nhưng không ai điều tra việc đó và cũng không có người tiêu dùng nào khiếu kiện".
Mai Giang